LHQ: Đạt được đột phá trong các cuộc đàm phán chuyển tiếp ở Libya
Liên hợp quốc đánh giá chính phủ chuyển tiếp sẽ là một cơ quan hành pháp thống nhất tạm thời được biên chế với những người yêu nước Libya, những người muốn chia sẻ trách nhiệm hơn là chia miếng bánh.
Ngày 16/1, Liên hợp quốc cho biết một ủy ban cố vấn cho các đại diện khu vực khác nhau của Libya đã đề xuất một hướng đi cho việc lựa chọn một chính phủ chuyển tiếp có thể dẫn dắt đất nước vốn bị chiến tranh tàn phá này hướng đến cuộc bầu cử vào cuối năm nay.
Theo phóng viên TTXVN tại New York (Mỹ), các cuộc đàm phán tại Geneva, được thiết kế xung quanh Diễn đàn đối thoại chính trị Libya đã diễn ra trong bối cảnh quốc tế đang thúc đẩy mạnh mẽ nhằm đạt được một giải pháp hòa bình cho cuộc nội chiến ở Libya.
Quyền Đặc phái viên của Liên hợp quốc tại Libya, bà Stephanie Wlliams cho biết các thành viên của ủy ban cố vấn “đã thể hiện trách nhiệm của họ với tinh thần xây dựng, nỗ lực hợp tác.”
Theo bà Stephanie Wlliams, ủy ban cố vấn trên là một phần của diễn đàn gồm 75 thành viên, đại diện cho cả 3 khu vực chính của Libya.
Ủy ban gồm 18 thành viên đã đề xuất rằng cử tri đoàn của mỗi khu vực chỉ định một đại diện cho hội đồng tổng thống gồm 3 thành viên. Thủ tướng sẽ do diễn đàn gồm 75 thành viên lựa chọn. Ứng cử viên được lựa chọn khi đạt được 70% phiếu bầu.
Diễn đàn sẽ sử dụng các danh sách được xây dựng từ 3 khu vực của Libya, mỗi danh sách bao gồm 4 ứng cử viên, đề cử cho hội đồng tổng thống và vị trí thủ tướng.
Theo quyền Đặc phái viên của Liên hợp quốc tại Libya, mỗi danh sách cần có 17 xác nhận, trong đó 8 xác nhận từ khu vực phía Tây, 6 từ khu vực phía Đông và 3 từ khu vực phía Nam của Libya.
Danh sách người chiến thắng sẽ nhận được 60% phiếu bầu của 75 thành viên Diễn đàn trong vòng đầu tiên. Diễn đàn sẽ bỏ phiếu về cơ chế được đề xuất vào ngày 18/1 và kết quả dự kiến sẽ có vào ngày hôm sau.
Quyền Đặc phái viên của Liên hợp quốc tại Libya đánh giá chính phủ chuyển tiếp sẽ là “một cơ quan hành pháp thống nhất tạm thời được biên chế với những người yêu nước Libya, những người muốn chia sẻ trách nhiệm hơn là chia miếng bánh.”
Diễn đàn là một phần trong các nỗ lực của Liên hợp quốc nhằm chấm dứt tình trạng hỗn loạn đã nhấn chìm quốc gia Bắc Phi giàu dầu mỏ này, sau khi Tổng thống Libya Muammar Gadhafi bị lật đổ năm 2011.
Diễn đàn đã đạt được một thỏa thuận vào năm ngoái để tổ chức các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội vào ngày 24/12/2021.
Liên quan đến tình hình Libya, trước đó, ngày 15/1, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã phê chuẩn việc bổ nhiệm nhà ngoại giao kỳ cựu Jan Kubis làm Đặc phái viên của Liên hợp quốc tại Libya, gần một năm sau khi ông Ghassan Salame từ chức vị trí này.
Tổng thư ký Liên hợp quốc, ông Antonio Guterres đã đề xuất ông Jan Kubis kế nhiệm ông Ghassan Salame, người từ chức từ tháng 3/2020 và bà Stephanie Williams được giao làm quyền Đặc phái viên của Liên hợp quốc tại Libya.
Ông Jan Kubis là cựu Ngoại trưởng Slovakia và hiện là Điều phối viên đặc biệt của Liên hợp quốc về Liban; từng là Đặc phái viên của Liên hợp quốc tại Afghanistan và Iraq.
Trước khi phê chuẩn ông Jan Kubis vào vị trí Đặc phái viên của Liên hợp quốc tại Libya, vào tháng 12/2020, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua một đề xuất của Tổng thư ký Liên hợp quốc về việc phê chuẩn bổ nhiệm ông Nickolay Mladenov – một nhà ngoại giao Bulgaria vào vị trí Đặc phái viên của Liên hợp quốc tại Libya.
Tuy nhiên một tuần sau, ông Nickolay Mladenov cho biết không thể đảm nhận vị trí này “vì lý do cá nhân và gia đình”./.
Ý kiến ()