LHQ: COVID-19 đang đẩy lùi các nỗ lực chính trị và nhân đạo ở Syria
Theo các quan chức Liên hợp quốc, tuy số lượng ca mắc COVID-19 ở Syria tới nay còn thấp, nhưng đại dịch đã ảnh hưởng tương đối nặng nề tới tình hình chính trị và nhân đạo tại đây.
Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, Hội đồng Bảo an đã tiến hành hai cuộc họp trực tuyến trong ngày 29/4 về tình hình chính trị và vấn đề nhân đạo tại Syria.
Tại các cuộc họp, Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc phụ trách các vấn đề nhân đạo và điều phối cứu trợ khẩn cấp Mark Lowcock và Đặc phái viên của Tổng thư ký Liên hợp quốc về Syria Geir Pedersen khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì ổn định an ninh, nhất là phải tôn trọng thỏa thuận ngừng bắn từ ngày 6/3 vừa qua nhằm giảm căng thẳng tại vùng Idlib ở Tây Bắc Syria.
Cả hai quan chức Liên hợp quốc cũng cho rằng đây là việc tối cần thiết vào lúc này nhằm thúc đẩy tìm kiếm giải pháp chính trị cũng như hoạt động hỗ trợ nhân đạo tại Syria.
Theo cả hai ông, tuy số lượng ca mắc COVID-19 ở Syria tới nay còn thấp, nhưng đại dịch đã ảnh hưởng tương đối nặng nề tới tình hình chính trị và nhân đạo tại đây.
Đơn cử như vòng đàm phán tiếp theo của Ủy ban Hiến pháp Syria đã bị hoãn vô thời hạn. Việc vận chuyển hàng viện trợ nhân đạo tới các vùng miền của Syria cũng gặp trở ngại lớn do các biện pháp hạn chế đi lại đang được áp dụng tại Syria và các nước láng giềng.
Các thành viên Hội đồng Bảo an nhìn chung ghi nhận những tiến triển tích cực về tình hình an ninh tại Tây Bắc Syria, nhưng vẫn bày tỏ lo ngại vì các vụ việc gây thương vong vẫn xảy ra ở nhiều nơi.
Ngay trước hai cuộc họp này một ngày, tại Afrin ở miền Bắc Syria đã xảy ra một vụ đánh bom khủng bố làm hơn 40 thường dân thiệt mạng.
Nhiều thành viên Hội đồng Bảo an kêu gọi các bên liên quan ở Syria hưởng ứng kêu gọi ngừng bắn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc và Đặc phái viên, đồng thời quan tâm tới việc tăng cường hỗ trợ nhân đạo cho các vùng khó khăn ở Syria, nhất là về hàng hoá, thiết bị y tế để ứng phó với đại dịch COVID-19.
Phát biểu về tình hình chính trị Syria, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc , ghi nhận một số tiến triển về chính trị và an ninh tại Syria, cho rằng cần tận dụng thời gian ngừng bắn hiện nay để tăng cường đàm phán tìm kiếm giải pháp hoà bình lâu dài nhằm chấm dứt một thập kỷ xung đột tại Syria.
Quan ngại về tình hình vẫn còn mong manh, Đại sứ Đặng Đình Quý kêu gọi các bên tại Syria ủng hộ lời kêu gọi ngừng bắn của Tổng Thư ký, tăng cường xây dựng lòng tin, tạo điều kiện cho việc thúc đẩy tiến trình chính trị vì mục tiêu đưa người dân ra khỏi vòng xoáy xung đột và bất ổn.
Đại sứ khẳng định giải pháp duy nhất cho tình hình Syria là giải pháp chính trị, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc và các nghị quyết Hội đồng Bảo an.
Phó Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc Phạm Hải Anh bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình nhân đạo tại Syria, cho rằng dịch COVID-19 đang nhắm vào các đối tượng dễ bị tổn thương nhất như những người lánh nạn đang sống trong các địa điểm mật độ dân lớn, người cao tuổi, phụ nữ và trẻ em.
Phó Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc Phạm Hải Anh kêu gọi tăng cường hợp tác giữa Syria và Liên hợp quốc cùng các đối tác nhân đạo nhằm đưa hàng viện trợ kịp thời đến cho hàng triệu người dân trên cơ sở ưu tiên đáp ứng nhu cầu nhân đạo và phòng chống dịch COVID-19.
Hội đồng Bảo an tổ chức các cuộc họp để bàn về tình hình Syria theo định kỳ hàng tháng, trong đó có các nội dung về tiến trình chính trị, tình hình nhân đạo và vấn đề vũ khí hóa học.
Hiện bất ổn và xung đột tại Syria đã bước sang năm thứ 10, tạo nên một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng nhất lịch sử với hàng trăm ngàn người thương vong, hàng triệu người mất nơi cư trú và phải đi tị nạn./.
Theo Vietnamplus
Ý kiến ()