LHQ cảnh báo về chi tiêu quân sự toàn cầu
Ấn Độ thử tên lửa đạn đạo Agui-V tự chế ngày 19-4. Ảnh AFP Đại diện của LHQ về giải trừ quân bị, bà An-giê-la Kên ngày 18-4 đã cảnh báo, loài người đang phải trả giá rất lớn cho mức chi tiêu quân sự khổng lồ. Khoản chi tiêu này đã làm thế giới mất nguồn lực để đầu tư đối phó những thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, thảm họa thiên nhiên và dịch bệnh.Theo LHQ, chi tiêu quân sự và chạy đua vũ trang gia tăng trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu trong tình trạng suy giảm. Báo cáo chi tiêu quân sự hàng năm của LHQ, thông qua hệ thống báo cáo về chi tiêu quân sự của 66 nước cung cấp cho LHQ năm 2011 cho thấy, các nước này đã chi tiêu 1.220 tỷ USD cho quân sự năm 2010. Theo Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Xtốc-khôm (SIPRI), trong thời gian từ năm 2002 đến năm 2010, chi tiêu quân sự toàn cầu đã tăng 40%, từ 1.150 tỷ USD lên 1.630 tỷ USD. Con số này trong năm 2011 là 1.740 tỷ...
Ấn Độ thử tên lửa đạn đạo Agui-V tự chế ngày 19-4. Ảnh AFP |
Theo LHQ, chi tiêu quân sự và chạy đua vũ trang gia tăng trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu trong tình trạng suy giảm. Báo cáo chi tiêu quân sự hàng năm của LHQ, thông qua hệ thống báo cáo về chi tiêu quân sự của 66 nước cung cấp cho LHQ năm 2011 cho thấy, các nước này đã chi tiêu 1.220 tỷ USD cho quân sự năm 2010. Theo Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Xtốc-khôm (SIPRI), trong thời gian từ năm 2002 đến năm 2010, chi tiêu quân sự toàn cầu đã tăng 40%, từ 1.150 tỷ USD lên 1.630 tỷ USD. Con số này trong năm 2011 là 1.740 tỷ USD, mặc dù một số nước như Mỹ, Đức, Pháp, Anh, Bra-xin, Ấn Độ… đã giảm ngân sách quốc phòng, trong nỗ lực giảm thâm hụt ngân sách. Nhưng, chi tiêu quân sự của các nước châu Á (nhất là Trung Quốc), châu Phi và Trung Đông tiếp tục tăng mạnh. SIPRI nhấn mạnh, vẫn còn quá sớm để dự báo việc thế giới giảm chi tiêu quân sự là một xu thế dài hạn.
Báo cáo của SIPRI cho biết, sáu trong tốp 10 nước có chi tiêu quân sự lớn nhất thế giới (Mỹ, Trung Quốc, Nga, Pháp, Anh, Nhật Bản, Đức, Ấn Độ, Bra-xin, I-ta-li-a) đã cắt giảm trong năm 2011, trong đó, ngân sách quân sự Mỹ vẫn đứng đầu thế giới với 711 tỷ USD, chiếm 41% chi phí quân sự toàn cầu. Sau Mỹ là Trung Quốc chiếm 8%; tiếp đến là Nga 4%, Anh và Pháp. Đức tụt xuống vị trí thứ 9, với ngân sách quân sự năm 2011 còn 46,7 tỷ USD. Trong đó ngân sách quân sự của Trung Quốc và Nga tăng rõ rệt. Nếu năm 2009, chi tiêu quân sự của Trung Quốc là 100 tỷ USD thì năm 2011 là 143 tỷ USD. Tuy nhiên, công nghệ quân sự của Trung Quốc còn thua kém Mỹ từ một đến hai thế hệ. Ngân sách quân sự Nga năm 2012 sẽ tăng lên 71,9 tỷ USD và có kế hoạch tiếp tục tăng lên trong năm năm tới. Ấn Độ thông báo, trong năm tài khóa 2012-2013, chi phí quân sự sẽ tăng 17%.
Các quốc gia khu vực Trung Đông do chiến tranh và phòng thủ chiến tranh cũng dự kiến sẽ tăng chi tiêu quân sự khoảng 4,6%/năm. Ngân sách quân sự của An-giê-ri năm 2011 đã tăng 8,6% do Chính phủ lo sợ có sự lan tỏa của các cuộc biểu tình phản đối tràn sang từ nước láng giềng Li-bi. Châu Á cũng đang là khu vực mua nhiều vũ khí. Trong thời gian từ năm 2007 đến 2011, lượng vũ khí châu Á và châu Đại Dương nhập khẩu tăng 44%, trong khi châu Âu là 19%, Trung Đông 17%, Bắc và Nam Mỹ 11% và châu Phi 9%. Ấn Độ tăng thêm 10% lượng vũ khí nhập khẩu và là nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất trong giai đoạn này. Tiếp đến Hàn Quốc với 6%, Trung Quốc và Pa-ki-xtan đều là 5% và Xin-ga-po 4%.
Mỹ và Nga, hai nước xuất khẩu vũ khí lớn chiếm 30% và 24% thị phần thế giới, đã kiếm lợi nhuận lớn từ các thương vụ xuất khẩu vũ khí. Ngay cả Đức, nguồn thu từ xuất khẩu vũ khí trong năm 2011 khoảng 11 tỷ USD. Bà A.Kên nêu rõ, chi tiêu quân sự lớn của một nước có thể làm tăng nhạy cảm của nước khác về nguy cơ mất an ninh, tạo ra vòng luẩn quẩn về chạy đua vũ trang phá hoại hòa bình và an ninh quốc tế. Nhất là các nước đang phát triển đã khốn khó trong cuộc chiến chống đói nghèo, dịch bệnh và thất học, nay lại mất đi nguồn tài chính lớn để mua sắm vũ khí. Tình trạng này kéo lùi sự phát triển kinh tế và xã hội.
Theo Nhandan
Ý kiến ()