LHQ: Các nước phát triển ngày càng mất ưu thế trong nền kinh tế thế giới
Một nghiên cứu của LHQ công bố gần đây cho biết trong khi các nền kinh tế đang phát triển tiếp tục tăng trưởng kinh tế cao nhờ nhu cầu trong nước mạnh thì phục hồi kinh tế ở các nền kinh tế phát triển có nguy cơ chững lại do nhu cầu trong nước yếu và chính sách siết chặt tài chính khi chính phủ tìm cách giành lại niềm tin vào thị trường tài chính.Nghiên cứu dẫn nhận định của Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Rôbớt Dôêlích (Robert Zoellick) rằng nền kinh tế Mỹ và các nước phát triển khác có thể không trở lại khủng hoảng nhưng hiện tại đang thiếu động lực và rơi vào trì trệ. Ông Dôêlích nhắc lại cảnh báo rằng các nền kinh tế trong khu vực đồng ơrô cần xử lý khẩn cấp hiểm họa nợ công cao; đồng thời khuyến cáo cạnh tranh ở các nền kinh tế phát triển tiếp tục suy giảm do chính sách thiếu hiệu quả của chính phủ, niềm tin chính trị suy giảm, thiếu ổn định kinh tế vĩ mô do khủng hoảng nợ; ngược lại, các nền kinh tế thị trường...
Một nghiên cứu của LHQ công bố gần đây cho biết trong khi các nền kinh tế đang phát triển tiếp tục tăng trưởng kinh tế cao nhờ nhu cầu trong nước mạnh thì phục hồi kinh tế ở các nền kinh tế phát triển có nguy cơ chững lại do nhu cầu trong nước yếu và chính sách siết chặt tài chính khi chính phủ tìm cách giành lại niềm tin vào thị trường tài chính.
Nghiên cứu dẫn nhận định của Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Rôbớt Dôêlích (Robert Zoellick) rằng nền kinh tế Mỹ và các nước phát triển khác có thể không trở lại khủng hoảng nhưng hiện tại đang thiếu động lực và rơi vào trì trệ. Ông Dôêlích nhắc lại cảnh báo rằng các nền kinh tế trong khu vực đồng ơrô cần xử lý khẩn cấp hiểm họa nợ công cao; đồng thời khuyến cáo cạnh tranh ở các nền kinh tế phát triển tiếp tục suy giảm do chính sách thiếu hiệu quả của chính phủ, niềm tin chính trị suy giảm, thiếu ổn định kinh tế vĩ mô do khủng hoảng nợ; ngược lại, các nền kinh tế thị trường mới nổi ngày càng giành được thế mạnh cạnh tranh nhờ tăng trưởng mạnh cũng như tiến bộ trong các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng và phát triển thị trường tài chính.
Nghiên cứu của LHQ cho biết phục hồi của nền kinh tế Mỹ đã chững lại do nhu cầu trong nước vẫn yếu vì lương của người lao động không tăng trong khi tỷ lệ thất nghiệp vẫn cao. Với lãi suất thấp kỷ lục vẫn tiếp tục trong tương lai gần và các gói kích thích tài chính không còn, nền kinh tế đầu tàu thế giới này gần như không thể trở lại tốc độ tăng trưởng đáng hài lòng trong tương lai trung hạn. Nền kinh tế Nhật Bản vẫn trì trệ do tác động chưa từng thấy của gián đoạn dây chuyền cung cấp và năng lượng sau thảm họa động đất, sóng thần và hạt nhân. Trong khi đó, với cuộc khủng hoảng nợ chưa được giải quyết, “chấn thương nghiêm trọng” tái xuất hiện từ thị trường nợ trong quý II/2011 và triển vọng các biện pháp khắc khổ tài chính lan rộng khắp châu Âu, khu vực đồng ơrô tiếp tục đối mặt với nguy cơ cao về suy giảm kinh tế và tăng trưởng vẫn rất trì trệ.
Nghiên cứu của LHQ lạc quan cho rằng các hoạt động kinh tế ở thế giới đang phát triển vẫn mạnh và có thể đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) 6% trong năm 2011 trong khi tăng trưởng GDP của thế giới phát triển chỉ đạt 1,5-2%. Đông, Nam và Đông Nam Á tiếp tục đạt tăng trưởng kỷ lục với tốc độ trên 7% trong năm 2011, sau đó là khu vực Tiểu sa mạc Xahara châu Phi 6% và Mỹ Latinh 5%. Các nền kinh tế chuyển tiếp vẫn tiếp tục tốc độ tăng trưởng 4% sau khi giảm mạnh trong năm 2009. Do tăng trưởng trì trệ của thế giới phát triển, tốc độ phục hồi của nền kinh tế thế giới giảm từ 4% năm 2010 xuống khoảng 3% trong năm 2011./.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()