Lênh đênh phận đời trên xóm nổi sông Hồng
Gió mùa về, những “mái nhà” chắp vá run rẩy trong gió, chẳng đủ che chắn những mảnh đời lênh đênh nơi xóm nổi sông Hồng. Ban ngày, xóm vắng, người lớn đi làm hết, chỉ còn mấy đứa trẻ thơ thẩn tự chơi với nhau trên bãi bồi đầy bùn, rác…
Chẳng ai nhớ nổi cụ thể xóm nổi (Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội) có từ bao giờ hay nó được hình thành như thế nào. Chỉ biết rằng cái nơi tách biệt với cuộc sống thành thị ấy là chỗ ở của hàng chục con người vì mưu sinh mà phải bám trụ. Ban đầu xóm nổi chỉ là những chiếc thuyền rách nát, thành những mái nhà và rồi nên xóm. Từ cầu Long Biên nhìn xuống, xóm nổi như những tổ chim cu chơi vơi trong sự rộng lớn của bãi giữa sông Hồng.
“Xóm hai mùa”
Tìm đến xóm vào ngày đông cuối năm, tôi phải đi xuyên qua chợ đầu mối Long Biên rồi men theo ngõ 133 (Phúc Xá), qua khu trọ nghèo. Cái lạnh như cắt của đợt không khí lạnh tăng cường cùng những cơn gió của sông Hồng như muốn thổi bay hơn chục nóc nhà xiêu vẹo.
|
Những mái nhà tạm bợ này là nơi “chui ra, chui vào” của người dân |
Gọi là xóm hai mùa vì ở đây người dân chỉ quan tâm khi nào nước lên và khi nào nước rút. Nước lên thì kéo nhà vào sát bờ cho an toàn còn khi nước rút người dân xóm nổi lại hối hả “kéo nhà” ra sát bãi để tranh thủ trồng rau muống, rau cải, ngô, khoai trên bãi bồi vừa kiếm thêm thu nhập vừa cải thiện bữa ăn hàng ngày. “Mùa này nước rút, đi lại còn dễ chứ khi nước lên chú muốn xuống xóm thì phải có người ở nhà chèo thuyền ra đón mới được” – cô Nguyễn Thị Liên (quê Cẩm Giàng, Hải Dương), vừa vun luống rau cải mới trồng vừa nói bâng quơ với vị khách lạ.
Xóm nổi có 16 nếp nhà, trong đó có 3 nhà ở trên bờ. Gọi là nhà cho sang chứ thực ra chỉ là những mảnh gỗ, tre được ghép lại và dựng trên móng bằng thùng phi, thùng xốp. Khi nước ngập thì các căn nhà sẽ tự động nổi lên và được giữ bởi một sợi dây nối với bờ. Những mái nhà được lợp bằng đủ thứ, từ áo mưa, bạt, rồi quần áo rách…Cô Liên nhớ lại: “trước đây chỗ ở của chúng tôi còn không được như bây giờ, người ở đây chỉ sống trên những con thuyền cũ nát được che tạm bợ, sau người nọ mách người kia lấy những thùng nước làm phao, rồi dựng lên thành nhà”.
Ban đầu xóm nổi chỉ loáng thoáng vài nhà nhưng cùng cảnh nghèo, người nọ rỉ tai người kia xóm cũng đông dần. Cuộc sống vất vả khổ cực, lam lũ là vậy nhưng người dân ở đây vẫn cho mình còn may mắn lắm. “Dưới này nhìn rách nát thế thôi nhưng cũng là nhà của mình, còn hơn phải lang thang, nay đây mai đó. Những năm trở lại đây, nhà nước đã cho đăng ký tạm trú, tạm vắng vậy là chúng tôi có thể an tâm”, bà Tuyết (Thái Bình) tươi cười.
Mỗi số phận là một con thuyền trôi dạt
Người dân ở xóm nổi đến từ nhiều nơi khác nhau, làm đủ thứ nghề để sống, từ chài lưới, bán hàng rong, thu mua phế liệu…nói chung là mùa nào nghề ấy. Ban ngày xóm tuyệt nhiên vắng lặng vì người nào đi làm thì đã đi từ sớm, ai ở nhà thì cũng ngủ để nửa đêm lên bờ mưu sinh. Chỉ còn lại người đau ốm, người già loanh quanh với đám rau tự trồng và những đứa trẻ thơ thẩn chơi với nhau trong lúc chờ bố mẹ đi làm về.
|
Những đứa trẻ thơ thẩn chơi với những chiếc thuyền cũ nát (Ảnh: KS) |
Phải ở nhà vì ốm đau liên miên cộng với căn bệnh ung thư hành hạ, cô Liên 56 tuổi (Cẩm Giàng, Hải Dương) chậm rãi kể cho tôi nghe những ngày tháng tha phương cầu thực nơi đất khách: “Đã đến đây rồi thì ai chả khổ. Như hai vợ chồng tôi suốt ngày quần quật, chồng đi khuân vác ngày nào biết ngày đấy, nhiều ăn nhiều, ít ăn ít. Nhiều hôm không có ai thuê thì cũng phải chịu. Còn tôi đi bán đồng nát, trước đây có sức khỏe còn túc tắc, giờ ốm đau bệnh tật không làm được gì, thuốc thang thì lúc uống lúc không. Đi bệnh viện thì chịu gia đình không có tiền”.
Vì nhiều lý do, gia đình cô Liên phải rời quê từ những năm đầu 80, đến năm 1996 thì đến bãi nổi sông Hồng. Cô tâm sự, bố mẹ mất, anh em mạnh ai người nấy sống không lo lắng được cho nhau nên phải lên Hà Nội kiếm sống. Đầu tiên còn nằm vỉa hè, rồi học người ta đi nhặt phế liệu, ve chai lâu dần thành nghề. Lúc đầu, hai vợ chồng sống trên một chiếc thuyền hỏng, không mui, trời nắng thì được chứ cứ mưa xuống là vợ chồng phải chạy lên bờ trú. Sau kiếm được ít tiền với sự giúp đỡ của bà con trong xóm nhà cô mới dựng được chỗ để “chui ra, chui vào” như hôm nay.
Cùng hoàn cảnh với cô Liên, bà Trần Thị Tuyết 70 tuổi (Thái Bình) đã gắn bó 14,15 năm với xóm nổi. Mưu sinh với công việc bán nước ở chân cầu Long Biên, dù thu nhập ít ỏi nhưng cũng giúp bà tằn tiện để bà nuôi 2 đứa cháu. Rồi tuổi già sức yếu không bán hàng được nữa, 3 bà cháu đành dắt díu nhau xuống xóm nổi để có chỗ ở. Ở cái tuổi 70 nhưng hàng đêm bà Tuyết vẫn lên chợ Long Biên nhặt tôm, tép rồi bán lạị lấy tiền đong gạo và nuôi các cháu ăn học. Hôm nào may mắn thì được dăm, ba lạng không thì tay trắng ra về. Bà Tuyết chia sẻ, “khổ thân chúng nó, bố mất sớm, mẹ đi làm xa nên tôi phải cưu mang. Dù nghèo nhưng chục năm qua tôi vẫn cố cho các cháu ăn học đến hết cấp 3. Bây giờ mỗi đứa đều đã kiếm được việc làm nên tôi cũng đỡ vất vả. Nhiều lúc cũng muốn lên bờ với các cháu nhưng đi thì mất nhà và quả thực tôi cũng không muốn rời xa nơi này”.
Trao đổi với phóng viên, bác Minh (70 tuổi, Đan Phượng, Hà Nội), người đã có 7 năm làm tổ trưởng của xóm tâm sự: “Tôi cũng như người dân ở đây, hàng ngày đi thu nhặt phế liệu để bán kiếm tiến. Dù nghèo nhưng bà con sống với nhau rất chân tình, hễ nhà ai có việc gì đều gọi cả xóm ra chung vui. Có lẽ cùng số phận nên người ta dễ đồng cảm và đỡ đần nhau nhiều hơn. So với trước đây, cuộc sống của 16 hộ dân đã khá hơn nhiều khi có điện, có tivi. Mỗi dịp tết đến là bà con lại nhận được sự động viên thăm hỏi của các tổ chức, đoàn thể, cá nhân…nên chúng tôi thấy cuộc sống cũng phần nào vơi đi những khó khăn”.
Rời xóm nổi với hình ảnh những ngôi nhà rách nát, những đứa trẻ thơ thẩn chạy dài trên bãi bồi vắng lặng cùng tiếng gió lùa qua khe cửa như muốn cứa sâu vào da thịt, chợt nhận ra một điều, dù cuộc sống có khó khăn đến mấy thì nghị lực sống của con người vẫn sẽ vượt lên tất cả. Ngoài kia, phố đã lên đèn và cư dân xóm nổi lại chuẩn bị cho một ngày lao động để từ đó tiếp tục thắp sáng những hy vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Theo Dangcongsan.vn
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()