Lên Yên Bái vui Tết với đồng bào Mông
Trước đây, người Mông ở Yên Bái thường ăn Tết trước Tết Nguyên đán một tháng, vào khoảng đầu tháng 12 âm lịch, sau khi mùa vụ đã thu hoạch xong. Nhưng hơn 10 năm trở lại đây, người Mông ở Yên Bái cùng “ăn chung một Tết” với nhân dân cả nước. Mặc dù “ăn chung Tết” nhưng phong tục Tết cổ truyền của đồng bào Mông ở nơi đây vẫn mang đậm nét văn hóa của người dân tộc vùng cao.
Trong những ngày cận Tết Nguyên đán, những bản làng người Mông ở Yên Bái chìm trong rừng hoa Tớ Dày nở rộ. Khắp nơi, người Mông đang háo hức chuẩn bị cho gia đình mình một cái Tết đầy đủ, no ấm.
Dân tộc Mông ở Yên Bái hiện chiếm 8,1% dân số toàn tỉnh. Trong đó, 2 huyện có phần đông người Mông sinh sống là Mù Căng Chải có 90%, Trạm Tấu có 70% dân số là người Mông.
Bà Khang Thị Mào (đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái, cũng là người dân tộc Mông sống ở tỉnh Yên Bái) cho biết, nhờ sự lãnh đạo của Đảng, sự quan tâm của Nhà nước và chính quyền địa phương, nhiều chủ trương, chính sách được ban hành đã hỗ trợ rất nhiều cho đời sống của đồng bào người Mông. Kinh tế, văn hoá, xã hội ở đây phát triển mạnh, đời sống đồng bào có nhiều khởi sắc.
Với người Mông, cũng giống như những đồng bào khác, ngày Tết thực sự quan trọng trong đời sống tinh thần. Người Mông tuy “ăn chung Tết” với người dân các dân tộc khác trong cả nước nhưng vẫn giữ gìn và phát huy được những nét bản sắc riêng.
Tết của người Mông ở Yên Bái với những tập tục, lễ nghi, thể hiện văn hóa truyền thống độc đáo riêng và đề cao tính cộng đồng. Với người Mông, lễ thay bàn thờ để đón năm mới là một trong những lễ quan trọng nhất vào ngày Tết. Trên bàn thờ, người Mông đa phần thờ cúng tổ tiên với món cúng là món ăn chủ yếu của ngày Tết như rượu, thịt và bánh dày. Ở một số nơi, bàn thờ của người Mông còn thờ cúng cả ma nhà.
Ngôi nhà không chỉ là nơi sinh hoạt của gia đình mà còn là nơi bảo vệ hồn lúa, hồn ngô. Vì thế, đồng bào Mông rất coi trọng việc thờ cúng và trang trí nhà cửa để đón Tết. Vào ngày 30 tháng Chạp, người đàn ông – chủ gia đình – sẽ ôm một con gà trống để cầu khấn tổ tiên. Con gà sẽ được người chủ gia đình cắt tiết trước bàn thờ và nhổ những túm lông đẹp nhất ở cổ gà dán trên bàn thờ với hàm ý đã dâng tặng con gà cho thần linh và tổ tiên. Sau đó con gà được mổ và luộc bằng nước mới để tiếp tục làm lễ cúng chín, khấn mời tổ tiên về ăn Tết và cầu xin những điều may mắn, tốt đẹp cho năm mới.
Ở nhiều nơi, người Mông còn quệt một ít tiết gà lên những tấm giấy bản hoặc một tấm vải đỏ, dán lên xà ngang của cửa chính, hoặc lên các tấm cửa của ngôi nhà. Giấy có màu đỏ, vàng hoặc trắng, dán lên tượng trưng cho vàng, bạc tự đến nhà, gia chủ sẽ được sung túc trong một năm mới sắp đến.
Người Mông cũng dán giấy lên các công cụ lao động hàng ngày trong dịp Tết như cuốc, xẻng và xem như một sự tri ân với những đồ dùng trong lao động, sản xuất.
Đêm giao thừa, các gia đình người Mông thường quây quần bên bếp lửa, đun một ấm nước sôi, chờ đợi tiếng gà gáy đầu tiên trong sáng sớm ngày mồng 1 để chào đón năm mới. Và trong sáng sớm ngày đầu tiên của năm, người đàn ông, chủ gia đình phải thức dậy, bước qua ngưỡng cửa nhà trước để cầu may mắn, bình yên cho gia đình.
Trong ngày Tết, ngoài rượu, thịt, thì bánh dày là thứ không thể thiếu trong mỗi bữa ăn của gia đình người Mông. Theo quan niệm xưa, bánh dày của người Mông không chỉ là biểu tượng cho tình yêu, sự thủy chung son sắt của đôi trai gái người Mông, mà còn là thứ bánh tượng trưng cho mặt trăng và mặt trời; là nguồn gốc sinh ra con người và vạn vật trên mặt đất. Các nguyên liệu chính để làm bánh dày gồm gạo nếp, hạt vừng, lá xôi, lá chuối hoặc lá dong dùng gói bánh. Để chuẩn bị làm bánh dày, gạo nếp phải được ngâm kĩ từ đêm hôm trước. Muốn có được những chiếc bánh dày dẻo, mịn thì gạo phải được đồ khoảng 2-3 tiếng sao cho thật dẻo, sau đó mang ra máng gỗ và dùng chày gỗ để giã. Người giã phải tranh thủ giã khi gạo còn nóng, phải giã thật nhanh, thật mạnh, tránh để nguội thì sẽ khó thực hiện. Người giã phải khoẻ mạnh và khôn khéo, thường là hai thanh niên đứng hai bên máng để giã. Sau khi giã nhuyễn xong, với bàn tay khéo léo và tỉ mỉ của mình, những người phụ nữ sẽ nặn thành từng cái bánh hình tròn dẹt, khum khum và cho vào mẹt có quấn lá dong tươi hay lá chuối xanh để ngăn các chiếc bánh kết dính với nhau.
Ngoài những phong tục, tập quán lâu đời, từ mùng 1 đến mùng 3 Tết, người Mông còn tổ chức đi thăm hỏi, chúc Tết họ hàng, làng xóm. Sau đó, họ tổ chức vui chơi Tết. Tết thường có các hoạt động vui chơi như: Thi chọi quay, ném pao, ném còn, leo cột mỡ, múa khèn, đẩy gậy…
Trong các trò chơi, ném pao được xem là trò chơi dân gian truyền thống, đặc sắc mà phụ nữ người Mông rất thích. Quả pao thể hiện sự cần cù, chăm chỉ và khéo léo của phụ nữ Mông. Trò chơi ném pao thường được diễn ra ở những khu đất rộng, bằng phẳng, người chơi được chia làm hai bên nam – nữ. Những cô gái Mông váy áo sặc sỡ, khoe tài và sự duyên dáng của mình qua những quả pao ném qua ném lại. Con gái Mông học ném pao từ khi còn bé và rất thuần thục với trò chơi này, thậm chí còn thuần thục và khéo léo đỡ pao hơn cả con trai.
Trong ngày Tết, những điệu hát, điệu khèn cũng là đặc trưng văn hóa của đồng bào người Mông. Đến hội chơi, những người đàn ông Mông sẽ biểu diễn những điệu múa khèn mạnh mẽ nhằm thể hiện sức trai tráng của mình. Trong khi đó, những người con gái Mông sẽ mặc trang phục truyền thống tự thêu, đeo những đồ trang sức đặc trưng, múa những điệu múa khéo léo, mềm mại và uyển chuyển. Qua tiếng khèn và điệu múa, những thanh niên trai tráng và những người con gái Mông bày tỏ tình cảm thắm thiết của mình đến đối phương.
Trong cảnh sắc thanh bình, ngày Tết của người vùng cao mang một màu sắc rất riêng trong vẻ đẹp vùng Tây Bắc. Hoa Tớ Dày nở rộ, tiếng khèn của các chàng trai ngân vang, điệu múa uyển chuyển và váy áo đầy sắc màu của các cô gái, cùng vẻ mộc mạc của những con người đồng bào Mông đã tô thắm cho mùa Xuân vùng cao một màu áo mới vừa rộn rã đắm say, vừa chân chất, khiến du khách lên đây ăn Tết chẳng muốn về.
Nguồn: https://baochinhphu.vn/len-yen-bai-vui-tet-voi-dong-bao-mong-102240205203421063.htm
Theo Baochinhphu
Ý kiến ()