Lebaran - “Tết” yêu thương của người Hồi giáo Indonesia
Trước lễ Lebaran, người dân tập trung đến các trung tâm thương mại được trang hoàng đẹp mắt để chuẩn bị cho ngày lễ và sinh hoạt cộng đồng
Lebaran là dịp lễ lớn nhất trong năm của người Hồi giáo Indonesia với nhiều nghi thức truyền thống của nền văn hóa bản địa Java. Vào ngày này, các gia đình người Hồi giáo Indonesia đều háo hức trang hoàng nhà cửa, sắm sửa đồ đạc mới, nấu các món ăn truyền thống, khoác lên mình những bộ quần áo mới đẹp đẽ và rực rỡ, đi thăm họ hàng, gặp gỡ bạn bè, tặng quà cho nhau và cùng tận hưởng niềm vui trong dịp lễ hội.
Những ngày trước lễ Lebaran, đường phố, các trung tâm thương mại và các khu chợ truyền thống cũng tấp nập người đi mua sắm, chuẩn bị đồ dùng và thực phẩm cho dịp lễ quan trọng nhất trong năm. Người Indonesia dù là người Hồi giáo hay không phải người Hồi giáo cũng gửi tặng nhau những món quà nhỏ trong dịp này để bày tỏ sự cảm ơn và cầu chúc may mắn. Thời gian này cũng chứng kiến cảnh tắc đường khi dòng người từ các thành phố lớn hối hả trở về quê nhà để đón lễ Lebaran bên gia đình và người thân yêu.
Những món quà nhỏ được gửi đi trước lễ Lebaran như một lời cảm ơn và chúc may mắn
Trong dịp Lebaran, khi tới thăm gia đình và bạn bè, người Hồi giáo Indonesia thường nói câu: “Minal Aidin Wal Faidzin”, hay “Sev Mohon Maaf Lahir dan Batin”, cả hai này đều có nghĩa là: “Tha thứ cho tôi từ tận đáy lòng vì những sai lầm của tôi trong năm qua”, để bày tỏ mong muốn cầu xin sự tha thứ cho bất kỳ sai lầm nào họ đã phạm phải trong năm trước.
Ngày Lebaran đầu tiên bắt đầu bằng những buổi cầu nguyện tập thể vào sáng sớm tại các nhà thờ Hồi giáo, ở công viên và trên các đường phố lớn.
Sau đó, mọi người về nhà và thực hiện nghi lễ truyền thống Sungkem. Đây là một nghi thức truyền thống của người Java để cầu xin sự ban phước và tha thứ từ cha mẹ, ông bà và người lớn tuổi. Trong nghi thức xúc động, các bậc ông bà, cha mẹ ngồi trên ghế để con cháu cúi đầu chạm vào đầu gối của ông bà, cha mẹ. Qua đó thể hiện lòng biết ơn, hiến dâng và tôn vinh của con cháu với đấng sinh thành, nuôi dưỡng.
Sungkem là nghi thức thiêng liêng không thể bỏ qua của người Hồi giáo Indonesia trong lễ Lebaran
Sau nghi lễ truyền thống tại gia đình, mọi người đến thăm hỏi họ hàng, người thân, quây quần bên mâm cơm đã dọn sẵn với những món ăn truyền thống.
Một món ăn truyền thống không thể thiếu trong dịp Lebaran là món Ketupat. Đây là món bánh được làm từ gạo gói trong lá dừa non đan thành hình tam giác rồi hấp chín, khi mở ra, bánh có màu xanh non của lá dừa. Bánh ăn kèm với các món mặn khác như sate, rendang đặc trưng của người Indonesia. Ketupat không chỉ là món ăn đơn thuần mà còn mang ý nghĩa biểu tượng cho lời xin lỗi và cầu mong phước lành.
Món bánh gạo gói trong lá dừa non Ketupat được phát âm theo tiếng người Java, “ku” nghĩa là “tha thứ”, và “pat” nghĩa là “lỗi lầm”
Trong lễ Lebaran, người Hồi giáo Indonesia cũng có tục lì xì cho trẻ nhỏ trong gia đình, họ hàng và người quen. Người lớn thường chuẩn bị những tờ tiền “mới cứng” trong những bao lì xì nhiều màu sắc như một lời chúc may mắn và tốt lành đến các em nhỏ.
Lebaran cũng là dịp để những người khá giả, giàu có hơn làm từ thiện giúp đỡ người nghèo khó. Vào dịp này, những người khá giả thường dành 2,5% thu nhập để giúp đỡ những người nghèo thông qua các tổ chức từ thiện, các nhóm hoạt động xã hội hoặc đưa trực tiếp đến cho người nghèo.
Trẻ nhỏ háo hức nhận lì xì như một lời chúc may mắn trong lễ Lebaran
Sau những ngày đầu tiên dành thời gian cho gia đình và người thân trong lễ Lebaran, người Hồi giáo Indonesia thường gặp mặt bạn bè, đồng nghiệp bên các bữa ăn vui vẻ, nồng ấm. Người ta mời cả những người bạn, đồng nghiệp không theo đạo Hồi tới dự những buổi gặp mặt để ôn lại những điều đã qua và cầu chúc những điều tốt lành sắp tới. Không khó để thấy những bữa tiệc vui vẻ giữa những nhóm người khác tôn giáo trong dịp lễ này ở các nhà hàng, các quán ăn trong trung tâm thương mại.
Dù không phải là ngày đầu tiên của năm mới theo lịch Hồi giáo, nhưng với ý nghĩa hướng về gia đình, cầu xin sự tha thứ và tha thứ cho mọi người chung quanh, hướng tới những điều tốt lành và may mắn, lễ Lebaran thực sự là “Tết” yêu thương của người Hồi giáo ở xứ “Vạn đảo”.
Ý kiến ()