Lệ Thủy phát triển kinh tế vùng gò đồi
Phát triển cây ăn quả tại các xã miền núi huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Ảnh: THU GIANG Lệ Thủy là địa phương ở phía Tây Nam của tỉnh Quảng Bình, có 15 xã thuộc vùng gò đồi với tổng diện tích đất tự nhiên 122.334 ha, trong đó đất rừng 101.688 ha, đất sản xuất nông nghiệp 20.646 ha. Trong những năm qua, cùng với việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của toàn huyện, Đảng bộ huyện Lệ Thủy đã xác định kinh tế - xã hội vùng gò đồi là một trong năm chương trình kinh tế trọng điểm của huyện.Đảng bộ huyện Lệ Thủy xác định: Đất đai gò đồi là thế mạnh để phát triển kinh tế trang trại, gia trại, phát triển chăn nuôi trâu, bò đàn, gà thả vườn, trồng cây công nghiệp như cao-su, hồ tiêu, nhựa thông... Vì vậy, Lệ Thủy đã xây dựng Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng gò đồi với những chỉ tiêu, mục tiêu cụ thể cho lộ trình phát triển vùng kinh tế trọng điểm này. Qua hơn năm năm...
Phát triển cây ăn quả tại các xã miền núi huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Ảnh: THU GIANG |
Đảng bộ huyện Lệ Thủy xác định: Đất đai gò đồi là thế mạnh để phát triển kinh tế trang trại, gia trại, phát triển chăn nuôi trâu, bò đàn, gà thả vườn, trồng cây công nghiệp như cao-su, hồ tiêu, nhựa thông… Vì vậy, Lệ Thủy đã xây dựng Chương trình phát triển kinh tế – xã hội vùng gò đồi với những chỉ tiêu, mục tiêu cụ thể cho lộ trình phát triển vùng kinh tế trọng điểm này. Qua hơn năm năm triển khai thực hiện, đã cơ bản tạo được bước chuyển biến mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực. Hiệu quả rõ nhất trong việc phát triển kinh tế vùng gò đồi của huyện là việc lựa chọn và chuyển đổi hợp lý cây trồng, vật nuôi, cho nên năng suất và sản lượng nông sản hàng hóa tăng lên hằng năm. Các giống cây trồng khác như ngô, lạc, sắn, rau màu đều tăng, cây công nghiệp, cây ăn quả ngày càng được mở rộng… Hiện nay, toàn huyện có 358 trang trại, riêng vùng gò đồi của huyện đã có 307 trang trại. Trong đó, có 192 trang trại lâm nghiệp, 57 trang trại trồng cây lâu năm, 28 trang trại chăn nuôi và 30 trang trại tổng hợp. Theo đó, diện tích các loại cây trồng cũng được người dân đầu tư trồng mới. Cây cao-su là loại cây mang lại thu nhập cao được người dân mạnh dạn trồng để cải tạo đất trống, đồi trọc và chuyển đổi mô hình cây trồng, vật nuôi trong những năm qua. Diện tích cây cao-su trên địa bàn các xã gò đồi Lệ Thủy năm 2006 chỉ mới là 270 ha thì đến năm 2009 đã tăng lên 620 ha và cuối năm 2010 đã là 720 ha, tăng bình quân 27,8%/năm, so kế hoạch vượt 350 ha, đó là chưa kể đến diện tích cây cao-su của Công ty Cao-su Lệ Ninh và Binh đoàn 15 đóng trên địa bàn. Tổng sản lượng mủ cao-su năm 2010 đạt hơn 700 tấn, tạo nguồn thu đáng kể cho người nông dân. Cùng với đó cây thông nhựa cũng là loại cây công nghiệp lâu năm được người dân đưa vào trồng và khai thác, sản lượng nhựa đến cuối năm 2010 đạt hơn 1.250 tấn với hơn 2.000/4.546 ha thông nhựa vào độ tuổi khai thác.
Nói đến vùng kinh tế gò đồi huyện Lệ Thủy không thể không nhắc đến vùng rừng kinh tế của người dân đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp. Hiện nay, toàn huyện có 11.500 ha rừng kinh tế và đã có 3.500 ha đã đưa vào khai thác với tổng giá trị lên tới hàng tỷ đồng, bình quân mỗi năm tăng 36,8%. Diện tích rừng được trồng mới hằng năm thực hiện được từ 700 đến 900 ha và hơn 300 nghìn cây phân tán, góp phần đưa độ che phủ rừng lên 69%. Ngoài ra, các loại cây trồng khác như hồ tiêu, lạc, khoai các loại, mía, sắn… cũng được phát triển mạnh. Đời sống người dân được nâng lên rõ rệt, nhiều hộ dân được cấp đất sản xuất đã yên tâm đầu tư, vươn lên làm giàu chính đáng với thu nhập hằng năm lên tới hàng chục, hàng trăm triệu đồng.
Chăn nuôi vùng gò đồi tuy còn gặp nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, song nhìn một cách tổng thể, sản lượng chăn nuôi vùng kinh tế này cũng chiếm một lượng lớn của toàn huyện. Riêng đàn trâu, bò chiếm tới 77% tổng đàn toàn huyện với gần 12 nghìn con, đàn gà hơn 250 nghìn con, đàn lợn gần 33 nghìn con… Những địa phương có lợi thế về ao hồ, tận dụng khe suối để nuôi trồng thủy sản như xã Sơn Thủy, Hoa Thủy, Tân Thủy… đã áp dụng mô hình nuôi trồng thủy sản số lượng lớn với tổng diện tích hơn 600 ha…
Tuy nhiên, để kinh tế vùng gò đồi của huyện Lệ Thủy trong những năm tiếp theo phát triển một cách bền vững cần tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về nhận thức của một bộ phận nhân dân trong việc tìm hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thay thế các loại giống cây, giống con có giá trị kinh tế thấp bằng những loại có hiệu quả kinh tế và sản lượng cao hơn; chú trọng chuyển giao khoa học – kỹ thuật trong nông nghiệp vào sản xuất. Xác định phát triển kinh tế vùng gò đồi là phát triển mạnh cây lâm nghiệp, công nghiệp dài ngày, cây nguyên liệu phục vụ chăn nuôi đại gia súc, kết hợp sản xuất với công nghiệp chế biến, dịch vụ du lịch sinh thái, điều chỉnh và phân bổ hợp lý lao động; đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy hải sản.
Theo Nhandan
Ý kiến ()