Lễ thượng cờ đầu cầu Hiền Lương
* Truy điệu Anh hùng liệt sĩ Lý Tự Trọng * Nhiều hoạt động tôn vinh công nhân, viên chức, lao động tiêu biểuSáng 30-4, tại Khu Di tích đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, tỉnh Quảng Trị long trọng tổ chức lễ Thượng cờ; tiếp nhận đá chủ quyền và cây bàng trái vuông Trường Sa.Lễ Thượng cờ diễn ra tại Kỳ đài lịch sử mà suốt 20 năm quân và dân cả nước đã bảo vệ lá cờ như bảo vệ chính trái tim Tổ quốc. Trong không khí trang nghiêm lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên trên đỉnh cột cờ Hiền Lương, mở đầu cho các hoạt động văn hóa, thể dục - thể thao chào mừng Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước và 39 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị (1-5-1972 - 1-5-2011).Sau lễ thượng cờ là lễ tiếp nhận đá chủ quyền và cây bàng quả vuông Trường Sa, do Bộ Tư lệnh Hải quân và Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện đảo Trường Sa trao tặng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Trị.Nhân dịp này, tỉnh Quảng Trị đã tổ...
* Nhiều hoạt động tôn vinh công nhân, viên chức, lao động tiêu biểu
Sáng 30-4, tại Khu Di tích đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải, tỉnh Quảng Trị long trọng tổ chức lễ Thượng cờ; tiếp nhận đá chủ quyền và cây bàng trái vuông Trường Sa.
Lễ Thượng cờ diễn ra tại Kỳ đài lịch sử mà suốt 20 năm quân và dân cả nước đã bảo vệ lá cờ như bảo vệ chính trái tim Tổ quốc. Trong không khí trang nghiêm lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên trên đỉnh cột cờ Hiền Lương, mở đầu cho các hoạt động văn hóa, thể dục – thể thao chào mừng Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước và 39 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị (1-5-1972 – 1-5-2011).
Sau lễ thượng cờ là lễ tiếp nhận đá chủ quyền và cây bàng quả vuông Trường Sa, do Bộ Tư lệnh Hải quân và Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện đảo Trường Sa trao tặng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Trị.
Nhân dịp này, tỉnh Quảng Trị đã tổ chức Hội đua thuyền truyền thống trên dòng sông Bến Hải.
* Sáng 30-4, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức trọng thể lễ viếng và truy điệu anh Lý Tự Trọng – người đoàn viên TNCS đầu tiên, tại Nhà tang lễ TP Hồ Chí Minh. Trước đó, di hài anh Lý Tự Trọng đã được tìm thấy giữa lòng TP Hồ Chí Minh vào đúng những ngày tháng 4 lịch sử.
Đến viếng anh Lý Tự Trọng có các đoàn đại biểu của T.Ư Đoàn, T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Thành ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh, tỉnh Hà Tĩnh, các ban, ngành, đoàn thể và đông đảo đoàn viên, thanh niên, đội viên, sinh viên, học sinh TP Hồ Chí Minh, cùng đại diện dòng tộc và bà con quê hương Hà Tĩnh.
Anh Lý Tự Trọng (tên thật Lê Hữu Trọng), quê làng Việt Xuyên, xã Thạch Minh (Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh). Năm 14 tuổi, anh được tổ chức chọn sang Quảng Châu, Trung Quốc học tập và được Bác Hồ đưa vào nhóm 'Thiếu niên tiền phong Việt Nam', một tổ chức thanh thiếu niên Cộng sản đầu tiên của cách mạng Việt Nam, và được Bác Hồ đổi tên là Lý Tự Trọng. Giữa năm 1929, Lý Tự Trọng được cử về hoạt động tại Sài Gòn – Chợ Lớn. Ngày 8-2-1931, tại cuộc mít-tinh, diễn thuyết, tuyên truyền về cách mạng của Thành ủy Sài Gòn, khi bị mật thám và cảnh sát của thực dân Pháp vây bắt, để cứu đồng chí mình, Lý Tự Trọng đã bắn chết tên thanh tra mật thám Pháp, và bị giặc bắt. Kẻ thù giam cầm, tra tấn anh rất dã man và ngày 21-11-1931, Lý Tự Trọng hy sinh khi mới 17 tuổi đời.
Sau lễ truy điệu, chiều 30-4, di hài anh Lý Tự Trọng sẽ được đưa từ TP Hồ Chí Minh, nơi anh đã chiến đấu và hy sinh anh dũng, về với quê hương đất mẹ núi Hồng, sông La mà lúc sinh thời anh từng mong ước được đặt chân. Ngày 4-5, di hài anh Lý Tự Trọng sẽ được an táng tại quê nhà Việt Xuyên, Thạch Hà, Hà Tĩnh.
* Kỷ niệm 36 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước, chương trình nghệ thuật 'Âm vang mùa Xuân đại thắng' lần thứ nhất do Liên chi hội Nhà báo, Ban Tuyên giáo T.Ư, Tạp chí Tuyên giáo phối hợp Đài Truyền hình Việt Nam, Công ty Sự kiện truyền thông Việt Nam và Công ty Văn hóa thông tin Phú An tổ chức, đã diễn ra tối qua 30-4, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt – Xô (Hà Nội).
Đây là chương trình sẽ được tổ chức định kỳ hằng năm vào dịp Kỷ niệm chiến thắng 30-4. Chương trình năm nay có chủ đề 'Đường tới mùa Xuân' đã tái hiện những chặng đường lịch sử dẫn tới chiến thắng lịch sử của dân tộc ngày 30-4-1975. Bên cạnh phần biểu diễn, chiếu phim minh họa chương trình còn có phần giao lưu với các nhân chứng, nhằm bổ sung, làm rõ thêm về những 'con đường huyền thoại' chi viện cho miền nam ruột thịt trong chiến tranh chống Mỹ, cứu nước: Đường mòn Hồ Chí Minh xuyên Trường Sơn, Đường Hồ Chí Minh trên biển, những đường ống xăng dầu, đường vận chuyển quá cảnh và cả đường chuyển ngân, bảo đảm hậu cần, v.v. Những tác phẩm ca múa nhạc được nhiều người yêu thích của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam đã được trình diễn trong chương trình là: Huyền thoại Trường Sơn, Kỷ niệm mối tình đầu, Trái tim chiến sĩ, Hoa nắng Trường Sơn, Nơi đảo xa, Xa khơi, Đêm Trường Sơn nhớ Bác, Năm anh em trên một chiếc xe tăng, Đất nước trọn niềm vui và Như có Bác Hồ trong ngày vui Đại thắng, qua sự thể hiện của các NSƯT: Đăng Dương, Việt Hoàn, Hà Vi; các ca sĩ: Tân Nhàn, Xuân Hảo, Phúc Tiệp, Minh Lương, nhóm Thạch Anh Tím cùng nhóm vũ đạo Thăng Long và nhiều nghệ sĩ đến từ các đơn vị nghệ thuật ở Trung ương, Hà Nội.
Cũng trong chương trình nghệ thuật này, các đơn vị, doanh nghiệp và cá nhân đã tham gia đóng góp ủng hộ Quỹ 'Đền ơn, đáp nghĩa' của một số địa phương nhằm phát huy truyền thống 'Uống nước, nhớ nguồn' của dân tộc.
* Trong khuôn khổ Tuần lễ Văn hóa – du lịch Sa Pa, sáng 30-4, UBND huyện Sa Pa (Lào Cai) và Công ty cổ phần Du lịch cao-su Hàm Rồng khai mạc Ngày hội văn hóa dân gian (Lễ hội trên mây) tại Khu du lịch Hàm Rồng. Đây là hoạt động nằm trong Chương trình 'Du lịch về cội nguồn' hợp tác ba tỉnh Lào Cai – Yên Bái – Phú Thọ. Trong lễ hội, du khách được hòa mình vào các giọng hát, điệu múa, tìm hiểu đời sống và bản sắc văn hóa của nhân dân các dân tộc thiểu số: Mông, Dao, Tày, Giáy, Xa Phó. Tại đây còn có triển lãm ảnh và tranh nghệ thuật về con người, văn hóa, phong cảnh Sa Pa; hội chợ ẩm thực; hội chợ hoa lan Sa Pa.
* Lễ hội Cồng chiêng tỉnh Lâm Đồng lần thứ năm được tổ chức trong hai ngày 29 và 30-4 tại Trung tâm Văn hóa – Thể thao huyện Đạ Tẻh với sự tham gia của hơn 300 nghệ nhân thuộc 12 đoàn thuộc TP Đà Lạt và các huyện, thị trong tỉnh. Các nghệ nhân là người dân tộc K'Ho, Chu Ru, Mạ, M'Nông đã lần lượt trình diễn chiêng và nhiều loại nhạc cụ dân tộc, tái hiện lại các nghi lễ và sinh hoạt văn hóa. Ngày 30-4 đã có nhiều chương trình đặc sắc như: lễ kết bạn, lễ đâm trâu, chương trình các-na-van cồng chiêng, diễu hành cổ động, thi bắn nỏ, biểu diễn giao lưu nghệ thuật, liên hoan giã bạn.
* Tối 29-4, tỉnh Thái Nguyên tổ chức kỷ niệm Ngày Quốc tế lao động 1-5 và tôn vinh công nhân, viên chức (CNVC), lao động tiêu biểu lần thứ 3 năm 2011.
Năm 2010, toàn tỉnh Thái Nguyên có hơn 100 doanh nghiệp đăng ký thi đua 'Lao động giỏi, lao động sáng tạo', đã có 376 đề tài sáng kiến cải tiến kỹ thuật, trong đó có nhiều đề tài có tính ứng dụng cao được ứng dụng trong thực tiễn mang lại giá trị hơn mười tỷ đồng.
Nhân dịp này, LĐLĐ tỉnh Thái Nguyên trao Bằng khen tặng 92 CNVC lao động tiêu biểu và Bằng lao động sáng tạo tặng tám CNVC lao động xuất sắc.
* Kỷ niệm Ngày Quốc tế lao động 1-5, ngày 29-4, tại Công ty TNHH May Tiến Thuận, TP Phan Rang – Tháp Chàm, Liên đoàn Lao động tỉnh Ninh Thuận tổ chức lễ phát động 'Tháng Công nhân'.
Hơn 500 công nhân tiêu biểu đại diện 28 đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh tham dự. 'Tháng Công nhân' được tổ chức từ ngày 1 đến 31-5 với nhiều chương trình hoạt động thiết thực nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức đội ngũ công nhân – viên chức – lao động về truyền thống Ngày Quốc tế lao động 1-5; tổ chức các hoạt động hướng về cơ sở nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chăm lo tốt đời sống cho người lao động.
Nhân dịp này, LĐLĐ tỉnh đã trao mười suất quà, mỗi suất trị giá 300 nghìn đồng tặng mười công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn, đồng thời trao quyết định hỗ trợ nhà ở 'Mái ấm công đoàn' tặng 20 công nhân lao động khó khăn về nhà ở.
* Kỷ niệm Ngày Quốc tế lao động 1-5, Liên đoàn lao động tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo các công đoàn cơ sở, công nhân, viên chức – lao động toàn tỉnh triển khai nhiều hoạt động thiết thực, đồng hành cùng 'Tháng công nhân 2011'. Trong các hoạt động đồng hành cùng 'Tháng công nhân', từ đầu năm đến nay LĐLĐ tỉnh Điện Biên đã đóng góp xây dựng được sáu mái ấm công đoàn cho đối tượng là công nhân, viên chức – lao động nghèo…
* Tại Khu di tích nhà tù Phú Lợi, Đoàn khối các cơ quan tỉnh Bình Dương phối hợp Công đoàn viên chức tỉnh tổ chức Hội thao 'Cán bộ, công chức, viên chức, lao động- Đoàn viên thanh niên' năm 2011. Từ ngày 26 đến 29-4, Trung tâm Văn hóa tỉnh tổ chức Hội thi Tuyên truyền lưu động tỉnh Bình Dương với sự tham gia của 13 đơn vị đến từ bảy huyện, thị xã và sáu xã, phường đã tổ chức hội thi thông tin lưu động cấp cơ sở.
* Từ ngày 25-4 đến ngày 29-4, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Gia Lai phối hợp Hiệp hội doanh nghiệp tổ chức giải bóng đá mi-ni Doanh nghiệp năm 2011. Tham dự giải đấu có hơn 200 vận động viên của 16 đội bóng thuộc các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Kết quả chung cuộc, giải nhất thuộc về đội bóng đá của doanh nghiệp tư nhân Mai Anh, giải nhì thuộc về đội bóng đá của Công ty cao-su 75 (Binh đoàn 15).
Theo Nhandan
Ý kiến ()