Lễ hội xuân Xứ Lạng và những nét văn hóa giàu bản sắc
Theo thống kê, hàng năm toàn tỉnh có hơn 300 lễ hội lớn, nhỏ khác nhau. Đặc biệt, trong mấy năm trở lại đây, nhiều lễ hội dân gian tiêu biểu đã được quan tâm phục dựng. Do vậy, càng khẳng định rõ những nét đặc trưng, bản sắc văn hóa của lễ hội trên địa bàn.
Múa sư tử ở lễ hội chùa Bắc Nga – Ảnh: PHAN CẦU |
Ngay sau Tết Nguyên đán là lễ hội lồng tồng Pác Moòng ngày 5 tháng Giêng ở xã Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn – đây là lễ hội đầu tiên trên địa bàn (còn được người dân quen gọi là hội mía cây số 5). Lễ hội có nhiều nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc như: hát dân ca, các trò chơi dân gian như kéo co, đẩy gậy, ném còn… Du khách đến hội thường vào lễ đình Pác Moòng để cầu tài lộc, sức khỏe, may mắn. Và theo quan niệm của nhiều người, đầu năm đi hội mía, ăn mía, mua mía về nhà với mong ước cuộc sống có nhiều may mắn, nhiều điều tốt đẹp, ngọt lành sẽ đến với bản thân, bạn bè và người thân trong năm mới. Nhiều gia đình nhất là khu vực gần nơi diễn ra hội còn chuẩn bị sẵn các đồ ăn, thức uống để đón khách vui hội đến thăm nhà, chúc mừng năm mới với quan niệm càng nhiều người đến nhà dịp này là càng nhiều may mắn, vui vẻ.
Đến ngày 10 tháng giêng tại Đồng Đăng (Cao Lộc) có lễ hội đền Mẫu. Đây là một trong những lễ hội lớn của tỉnh hàng năm luôn thu hút đông đảo khách thập phương đến du xuân, vui hội. Năm nay, lễ hội rơi vào ngày nghỉ (Chủ nhật) cộng với thời tiết lạnh nhưng không mưa nên đã tạo điều kiện thuận lợi cho du khách du xuân, vãn cảnh di tích, tham quan mua sắm tại chợ Đồng Đăng. Anh Trần Minh Hồng (Tây Hồ, Hà Nội) cùng bạn bè đi hội Đồng Đăng năm nay cho biết, mấy năm qua anh đều lên dự lễ hội này thấy rất náo nhiệt, ý nghĩa và bao giờ cũng mua một thứ gì đó tại chợ Đồng Đăng để lấy may như một lố tất, một chiếc áo ấm hoặc chiếc ca táp… Tại lễ hội Đồng Đăng còn có một nét đẹp luôn được duy trì nhiều năm qua, đó là người đi hội, đặc biệt là du khách Trung Quốc thường mua những cành hoa tươi đẹp mắt như hoa hồng, hoa cúc về làm cành lộc lấy may. Đây thực sự là một nét văn hóa thanh tao. Cùng với đó, các gia đình ở thị trấn Đồng Đăng cũng thường chuẩn bị sẵn cỗ bàn để đón người dự hội là anh em, bạn bè thân thiết đi hội vào thăm, chúc mừng xuân mới. Còn tại lễ hội Chùa Bắc Nga (Gia Cát, Cao Lộc), trong nhiều năm qua người đi hội vẫn thường mua những cành lộc là những cây rừng như cây phát lộc, cây thường xuân, vạn niên thanh về làm cành lộc. Bên cạnh việc đi hội, lễ chùa cầu may, còn là dịp để mọi người thưởng thức món ẩm thực nổi tiếng – thịt lợn quay mác mật thơm ngậy. Rời hội, nhiều người còn mua thêm về nhà và cũng chọn mua những cây mía to, gióng dài, ngọt mềm về nhà làm quà cho gia đình, bạn bè.
Hay ở lễ hội đền Tả Phủ – Kỳ Cùng (thành phố Lạng Sơn), trước, trong những ngày diễn ra lễ hội (22 – 27 tháng giêng), nhân dân các khối phố ở thành phố thường sắm lễ lên đền nhằm tri ân công đức của các bậc tiền nhân, thánh thần đã có công giúp dân, giúp nước, xây dựng quê hương giàu đẹp. Qua đó, thể hiện và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc – “uống nước nhớ nguồn”; nêu cao tinh thần đoàn kết cộng đồng thêm bền chặt, gắn bó. Đặc biệt, trong chương trình lễ hội có nghi lễ rước kiệu trên các đường phố giữa đền Tả Phủ và đền Kỳ Cùng luôn được nhân dân, du khách hồ hởi chào đón. Dọc hai bên đường, người dân dâng lễ rất trọng thịnh, tươm tất trước cửa nhà để nghênh đón đoàn rước kiệu. Mọi người quan niệm mỗi năm chỉ có một lần đoàn rước kiệu thần qua cửa nhà nên đây chính là dịp tốt để chiêm bái, cầu mong những điều may mắn tốt lành “nhân khang, vật thịnh” cho gia đình. Nhiều gia đình cũng quan niệm các đội sư tử, lân, rồng dẫn đầu đoàn rước kiệu nếu dừng lại vào chúc mừng gia chủ thì cũng đồng nghĩa là mang may mắn, tài lộc đến nhà. Do đó, gia chủ thường mừng tuổi cho các đội sư tử, lân, rồng này… Cùng với đó, trên địa bàn thành phố còn có lễ hội chùa Tam Thanh (15 tháng Giêng) cũng có nghi lễ rước kiệu trong chương trình lễ hội. Đến nay, nghi lễ này duy trì được 4 năm, càng góp phần khắc họa trong đông đảo người dân, du khách về những lễ hội tiêu biểu, với nhiều nét đẹp văn hóa đặc sắc trên địa bàn.
Có thể nói, những nét văn hóa như mua hoa tươi, cây lộc thường xuân, mua mía hay tục chuẩn bị cơm rượu đón khách là bạn bè người thân đi hội đến thăm chúc mừng năm mới; nhân dân sắm lễ dâng lên các đền tưởng nhớ công đức của các bậc tiền nhân, thánh thần, tiên, phật; nghênh đón đoàn rước kiệu… thực sự trở thành những nét văn hóa đặc trưng phong tục tập quán du xuân, vui hội của nhiều người dân Xứ Lạng nói chung, mỗi địa bàn mở hội nói riêng. Do vậy, thiết nghĩ, trong mùa lễ hội, công tác tuyên truyền, giới thiệu quảng bá về ý nghĩa, lịch sử truyền thống của lễ hội, của di tích và những nét đẹp văn hóa cần được chú trọng, để góp phần khơi dậy và nhân lên nhiều hơn nữa.
Ngay sau Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, từ ngày 4 tết trở đi đã có rất nhiều lễ hội dân gian đặc sắc diễn ra. Vào tối 13/2/2014 (tức 14 tháng Giêng năm Giáp Ngọ) chương trình khai mạc Lễ hội Xuân Xứ Lạng 2014 được tổ chức tại thành phố Lạng Sơn. Và từ nay đến hết mùa lễ hội vẫn còn rất nhiều lễ hội tươi vui, náo nức. Khai mạc Lễ hội Xuân Xứ Lạng chính là những lời mời gọi chân tình, thiết tha, sâu lắng đối với du khách gần xa hãy đến với rất nhiều lễ hội tươi vui, náo nức của Xứ Lạng để được đắm mình trong những không gian đậm chất dân gian, nhiều màu sắc, thả hồn vào những cảnh đẹp của di tích, dâng lễ, khấn cầu những điều may mắn, tốt lành, viên mãn sẽ đến với bản thân và gia đình trong năm mới.
Ý kiến ()