Lễ hội xuân: Đậm nét văn hóa, hút khách tham quan
(LSO) – Xuân đến, Xứ Lạng lại nhộn nhịp bước vào mùa lễ hội. Lễ hội trên địa bàn tỉnh diễn ra trong suốt tháng Giêng và kéo dài đến hết quý I. Lễ hội ở mỗi vùng miền đều có những nét văn hóa độc đáo riêng gắn với đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 123 di tích đã được xếp hạng, cùng với trên 300 lễ hội; trong đó lễ hội lồng tồng chiếm tới 80%. Lễ hội trên địa bàn tỉnh khá phong phú và đa dạng, luôn gắn liền với đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc. Đi lễ hội mọi du khách đều có thể cảm nhận sâu sắc những nét văn hóa tinh túy tại mỗi vùng quê; mỗi lễ hội có những nét văn hóa tiêu biểu riêng. Đơn cử một vài lễ hội như: lễ hội cầu mùa Bủng Kham, xã Đại Đồng, huyện Tràng Định tổ chức ngày 12 tháng Giêng cho chúng ta thấy nét văn hóa lễ hội gắn liền với truyền thống canh tác cây lúa nước. Tại đây, nhân dân trong vùng trình lên các vị thần linh những sản vật từ nông sản nhằm cổ vũ tinh thần hăng say lao động gắn bó với nghề nông; lễ hội lồng tồng xã Quỳnh Sơn, huyện Bắc Sơn diễn ra vào ngày 12 tháng Giêng mang đậm nét của nghi lễ xuống đồng; lễ hội Trò Ngô, xã Yên Thịnh, huyện Hữu Lũng tổ chức ngày 10 tháng Giêng với trò diễn xướng, múa võ thể hiện tinh thần yêu nước chống giặc ngoại xâm của dân tộc… Tại địa bàn trung tâm thành phố có lễ hội đền Kỳ Cùng- Tả Phủ tổ chức vào ngày 22 và 27 tháng Giêng với nghi thức rước kiệu độc đáo; với chuỗi hoạt động phong phú.
Thi giã gạo tại lễ hội Quỳnh Sơn (Bắc Sơn)
Trong những năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về chấn chỉnh các hoạt động lễ hội đi vào nền nếp, Lạng Sơn đã coi trọng phát huy giá trị văn hóa của lễ hội nhằm bảo tồn nét đẹp văn hóa dân tộc phục vụ tham quan, thu hút khách du lịch. Tỉnh đã chỉ đạo mỗi địa phương chỉ chọn một lễ hội điển hình tổ chức nhằm quảng bá những giá trị văn hóa tiêu biểu; tránh tổ chức lễ hội tràn lan, gây lãng phí tiền của và thời gian của nhân dân. Trong công tác tổ chức coi trọng đến công tác an toàn, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn vệ sinh môi trường; tổ chức lễ hội trên tinh thần tiết kiệm, không phô trương, lãng phí và theo hình thức xã hội hóa. Ngành chức năng đã chỉ đạo công tác tổ chức, quy mô lễ hội phù hợp; triển khai một số hoạt động bảo tồn như: tổ chức các lớp truyền dạy múa sư tử, hát then – đàn tính, hát ví và hát páo dung; tập huấn tổ chức mô hình câu lạc bộ văn hóa văn nghệ tại cơ sở. Các thành viên câu lạc bộ sẽ là nòng cốt cho lễ hội thêm phần đặc sắc và làm hài lòng du khách mỗi khi đến dự và cảm nhận lễ hội.
Năm 2018, lễ hội điểm của các huyện, thành phố được thực hiện khá nghiêm túc, nhiều lễ hội đã khơi dậy các nét đẹp văn hóa phục vụ du khách như: tổ chức hát dân ca dân vũ, trình diễn các trò chơi dân gian, gắn với tổ chức các môn thi thể thao dân tộc, múa sư tử; giới thiệu văn hóa ẩm thực, kết hợp quảng bá di sản văn hóa. Lễ hội xuân đã đóng góp đáng kể đến tổng lượng khách du lịch đến địa bàn tỉnh trong năm 2018 (năm 2018, tổng lượng khách du lịch đến tỉnh ước đạt trên 2,8 triệu lượt, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2017).
Theo ông Phan Văn Hòa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VHTTDL), lễ hội xuân trên địa bàn tỉnh khá phong phú và đóng góp tích cực vào việc quảng bá, thu hút khách du lịch. Để tiếp tục khai thác tốt các giá trị văn hóa của lễ hội, trong thời gian qua, Sở VHTTDL cùng với Hội Di sản Văn hóa tỉnh, Hội Bảo tồn Dân ca tỉnh đã triển khai công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa gắn liền với di tích và tổ chức lễ hội.
Ý kiến ()