Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024: "Bữa tiệc" đa màu sắc
Hơn 100 hoạt động diễn ra trong suốt thời gian lễ hội, hơn 1.000 tác phẩm sáng tạo... làm nên một "bữa tiệc" nhiều màu sắc cho Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024 mang tên "Giao lộ Sáng tạo."
Hà Nội những ngày đầu mùa Đông, tại nhiều địa điểm nổi tiếng đã diễn ra Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024 mang tên "Giao lộ sáng tạo." Tất cả các hoạt động Lễ hội đều hướng tới cộng đồng và mở cửa cho tất cả mọi người.
Có đến 35 triển lãm và trưng bày; 21 hoạt động cộng đồng; 19 hoạt động trình diễn, biểu diễn và hội chợ được tổ chức trên tuyến.
Quy mô lớn, trình diễn ánh sáng mới lạ
Hơn 100 hoạt động diễn ra trong suốt thời gian lễ hội, hơn 1.000 tác phẩm sáng tạo cùng sự góp sức của trên 500 người thực hành thiết kế sáng tạo, các chuyên gia, đội ngũ hỗ trợ, và sự hưởng ứng của các không gian sáng tạo, hoạt động sáng tạo trải rộng khắp các quận, huyện, thị xã của Hà Nội đã làm nên một "bữa tiệc" nhiều màu sắc cho Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024 mang tên "Giao lộ Sáng tạo."
Sau khi tham quan các không gian sáng tạo sáng 10/11, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong đã đánh giá cao những nỗ lực của Ban tổ chức, cộng đồng sáng tạo tại Lễ hội Thiết kế Sáng tạo năm 2024.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cho rằng, các nội dung trưng bày, sự kiện, tọa đàm trong lễ hội góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân, thu hút du khách đến Hà Nội.
Với quy mô lớn, lần đầu tiên được tổ chức thí điểm hình thành dọc theo 7 công trình di sản lịch sử tiêu biểu của Thủ đô, Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024 là một giải pháp kích hoạt tiềm năng sáng tạo trong cộng đồng. Lễ hội tập trung vào ba trụ cột: Thiết kế-Cộng đồng-Sáng tạo.
Khu vực diễn ra Lễ hội là Quảng trường Cách mạng tháng Tám, nơi kết nối trục "Tinh hoa di sản" phố Lý Thái Tổ-Lê Thánh Tông; trục "Kinh tế sáng tạo" dốc Bác Cổ-phố Tràng Tiền gồm các công trình kiến trúc nổi bật như: Cung Thiếu nhi, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Đại học Khoa học Tự nhiên và các không gian văn hóa: Hồ Hoàn Kiếm, 5 vườn hoa: Lý Thái Tổ, Diên Hồng, Cổ Tân, 19/8, Tao Đàn.
Ngay ngày đầu lễ hội, các không gian sáng tạo, trưng bày tại Trường Đại học Tổng hợp cũ (nay là Đại học Khoa học Tự nhiên-Đại học Quốc gia Hà Nội) và Cung Thiếu nhi... đã thu hút đông đảo người dân, đặc biệt là giới trẻ. Cụm tòa nhà Đại học Tổng hợp cũ trở thành điểm đến lý tưởng cho những người yêu di sản, nghệ thuật và sáng tạo. Người dân xếp hàng dài ở khu vực hành lang để chờ đến lượt vào chiêm ngưỡng các trưng bày và vẻ đẹp kiến trúc của công trình này.
Chị Thu Hà (quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: "Bước qua cánh cổng tôi ngỡ ngàng trước kiến trúc Pháp cổ cách đây cả trăm năm, thiết kế mái vòm cao và cánh cửa sắt nhiều họa tiết toát lên vẻ sang trọng. Những hoa văn mang phong cách châu Âu xen lẫn Á Đông độc đáo. Các sắp đặt, chiếu sáng rất đẹp, hấp dẫn.”
Theo họa sỹ Nguyễn Thế Sơn, Giảng viên nghệ thuật thị giác Trường Khoa học liên ngành và nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội, tòa nhà này nhìn thì tưởng là tòa nhà tân cổ điển của Pháp, nhưng nhìn kỹ thì họa tiết, chi tiết trang trí đều từ mỹ thuật truyền thống Việt Nam. Từ đài Sen, dây Sen, chữ Vạn, bát bửu... đều là câu chuyện gắn chặt với mỹ thuật truyền thống Việt Nam. Có thể nói đây là điều đáng để tìm hiểu, mỹ thuật Đông Dương được lồng ghép với câu chuyện của văn hóa, khoa học châu Âu.
Triển lãm đã tôn vinh kiến trúc này như là một tác phẩm nghệ thuật.Điểm nhấn đặc biệt của tòa nhà Đại học Tổng hợp cũ là tổ hợp triển lãm nghệ thuật tương tác mang tên "Cảm thức Đông Dương," với 22 tác phẩm nghệ thuật sắp đặt và trình diễn ánh sáng. Đây là một tổ hợp khổng lồ tập hợp những sáng tạo của các nghệ sĩ, nhà thiết kế. Các nghệ sỹ sử dụng nhiều công nghệ sắp đặt hiện đại để "kể" những nét đẹp của quá khứ, giúp công chúng cảm nhận đa chiều, đa giác quan về nghệ thuật, kiến trúc Đông Dương. Triển lãm tái hiện những cảm thức xưa cũ của nghệ thuật Đông Dương, thông qua các tác phẩm nghệ thuật đa dạng kết hợp âm thanh, hình ảnh và ánh sáng.
Kết nối các thế hệ
Được chọn để tổ chức các hoạt động chính của Lễ hội, Cung Thiếu nhi Hà Nội có rất nhiều hoạt động thu hút sự tham gia tương tác của giới trẻ. Đó là công trình pavilion "Hành lang Ấu Trĩ" trở thành một không gian để kết nối, tạo điều kiện cho cả trẻ con và người lớn, những lớp thế hệ khác nhau đều có cơ hội để chơi, để xem trưng bày, để học hỏi, để trò chuyện và tương tác.
Triển lãm "Không gian đập thở - Thời gian tăm tích" kết hợp trình chiếu chuỗi phim, video và sắp đặt tương liên với kiến trúc tạo thành trải nghiệm thị giác đặc biệt, đưa đến người xem những suy tưởng về cuộc sống, quá khứ và giá trị tốt đẹp đã từng có.
Hay "Cung Thiếu nhi Hà Nội: Hoài niệm cho tương lai" bao gồm các hoạt động sáng tạo như sắp đặt, sáng tạo, công trình biểu tượng, triển lãm, chiếu phim, biểu diễn nghệ thuật.
Đến với không gian sáng tạo tại Cung Thiếu nhi Hà Nội có rất nhiều trẻ em tham gia vẽ tranh trên sân hay chơi đùa trên cát dọc "Hàng lang thơ ngây."
Anh Nguyễn Văn Tuấn (phố Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm) chia sẻ: "Dù trời nắng nhưng các cháu chơi rất vui, mà ngay cả người họ cũng chơi những trò trẻ con như sống lại tuổi thơ, trượt trên cát ngã sấp mặt mà vẫn thích. Cung Thiếu nhi bao nhiêu năm nay không mấy khi có trò chơi, lễ hội này đã làm nơi đây trở nên sống động.
Chị Vân Đỗ, Giám tuyển triển lãm "Hoài niệm cho tương lai" cho biết: "Chúng tôi mong được đóng góp vào một không gian lịch sử quan trọng với ký ức của thành phố Hà Nội bằng những góc nhìn, những tác phẩm nghệ thuật ý nghĩa và độc đáo, muốn chia sẻ đến với nhiều người. Hơn nữa, chúng tôi muốn được tham gia đóng góp ý kiến vào việc bảo tồn, tiếp nối những di sản như thế nào để giữ gìn được giá trị cần được lưu giữ cho tương lai."
Từ một gian phòng trống với vài vật dụng đơn sơ như cái bàn, cái ghế, cái thang, dây sợi... nhóm nghệ sỹ đương đại Nguyễn Quốc Thành đã lắp đặt nên khung cửi làm không gian chung (workshop) để mọi người đến học dệt, thêu đan, sửa quần áo cũ... theo cách thủ công.
"Cái mình chú trọng không phải là cái mà mình sẽ làm ra, mà là cả quá trình để làm ra cái đó. Trong quá trình làm sẽ được trải nghiệm nghệ thuật về thời gian, màu sắc, chất liệu... Việc được dệt cùng với mọi người rất quan trọng," anh Nguyễn Quốc Thành chia sẻ.
Trong ngày 10/11, tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam cũng diễn ra nhiều hoạt động như: trình diễn thời trang "Nhị thập cửu" và buổi nói chuyện "Sử dụng chất liệu văn hóa dân gian trong sáng tạo." Ngoài ra, khu vực trưng bày với chủ đề "Rồng rắn lên mây" ở ngoài trời, giới thiệu các mô hình Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam bằng nhiều chất liệu khác nhau như: Gỗ, gốm, sứ... thu hút đông đảo khách trải nghiệm.
Tòa nhà Bắc Bộ Phủ, nơi từng là Dinh Thống sứ Bắc Kỳ rồi Phủ Khâm sai Bắc Kỳ, ghi dấu cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền đầu tiên tại Hà Nội năm 1945, Giải phóng Thủ đô năm 1954 được biến hóa thành một không gian sáng tạo đặc biệt. Không gian kiến trúc độc đáo này lần đầu mở cửa đón khách tham quan trong thời gian diễn ra Lễ hội (từ ngày 9-17/11).
Trong những hoạt động chính của "Giao lộ sáng tạo" không thể không nói đến các tọa đàm, hội thảo đáng chú ý như: Trí tuệ nhân tạo và thiết kế kiến trúc; Cu Li không bao giờ khóc: Nghĩ về thành phố như một nhân vật điện ảnh; Ký ức nhân văn và trí tuệ nhân tạo - Vai trò công nghệ với bảo tồn di sản; Truyền thống nhìn từ góc nhìn kiến trúc đương đại; Di sản kiến trúc trong thành phố sáng tạo...
Theo bà Bùi Thị Thanh Hương, Phó Tổng biên tập phụ trách Tạp chí Kiến trúc (đơn vị đồng tổ chức Lễ hội), ngoài việc khơi gợi các giá trị di sản đã quen thuộc với người dân Hà Nội, Lễ hội năm nay còn mong muốn đánh thức tinh thần sáng tạo của cộng đồng.
Một thông điệp quan trọng là: Lễ hội không chỉ dành cho nghệ sĩ, mà là của tất cả mọi người dân Hà Nội, hãy cùng chung tay và tạo nên lễ hội của chính mình. Điều thú vị là Lễ hội đã tạo được sự cộng hưởng trong cộng đồng, không chỉ thu hút những người làm thiết kế sáng tạo mà còn thu hút những cá nhân và tổ chức đa lĩnh vực, đa ngành nghề. Đây chính là một điểm khác biệt nổi bật của Lễ hội./.
Ý kiến ()