Lễ hội Thạt Luổng 2019 tại Lào
Mặt trời còn chưa mọc nhưng mọi người dân Lào đều hướng về quảng trường Thạt Luổng.
Ngay từ sớm tinh mơ, người dân Lào ở Thủ đô Vientiane và các tỉnh đã đổ về quảng trường Thạt Luổng để kịp tham dự nghi lễ Sai Bat chính thức lúc 7 giờ. Trong không khí trang nghiêm, tĩnh mịch buổi sáng ngày rằm tháng 12, cả quảng trường rộng lớn, kéo dài gần 1 km mà điểm cuối là Thạt Luổng kín chặt không một chỗ trống, tất cả đều tĩnh lặng lắng nghe lời giáo huấn của các vị cao tăng, cầu bình an cho đất nước, cầu hạnh phúc và ấm no cho người dân. Mọi người thắp nến, thành kính hướng về tháp Thạt Luổng để thấm nhuần những lời giảng dạy để cùng sống lạc quan, hướng thiện.
Cả quảng trường dài gần 1 km, tất cả đều tĩnh lặng lắng nghe lời giáo huấn của các vị cao tăng, cầu bình an cho đất nước, hạnh phúc và ấm no cho người dân.
Đây là dịp người dân Lào đem các đồ ăn đến cúng cho sư sãi, ngồi thiền và tham dự các nghi thức cầu chúc phước lành, bình an và hạnh phúc cho bản thân, gia đình, bạn bè và đất nước. người dân Lào không có điều kiện đến Thạt Luổng cũng đều cố gắng thực hiện các nghi lễ tại nơi mình sinh sống, người Lào ở nước ngoài cũng tổ chức các nghi lễ tại nước mình sinh sống trong dịp này. Nghi lễ Sai Bat kéo dài đến gần trưa và được tiếp nối bằng việc tổ chức các trò chơi dân gian của Lào.
Sai Bat là sự kiện quan trọng trong lễ hội Thạt Luổng và người dân Lào đều mong muốn được thực hiện ít nhất một lần trong đời người.
Thạt Luổng là quần thể Phật giáo lớn nhất tại Lào, kiến trúc bao gồm một Tháp lớn tại trung tâm gọi là Thạt Luổng, chung quanh có chùa Thạt Luổng Bắc, Thạt Luổng Nam, Tượng nằm và Trụ sở Giáo hội Phật giáo Lào.
Lễ rước Phạ Sạt Phơng.
Nói đến lễ hội Thạt Luổng cũng phải kể đến nghi lễ rước Phạ Sạt Phơng (Tháp sáp). Năm nay, lễ rước Phạ Sạt Phơng diễn ra vào chiều 10-11 với sự tham gia của hàng nghìn người dân Lào. Đoàn rước Phạ Sạt Phơng (Tháp sáp) bắt đầu khởi hành từ chùa Nỏng Bon đến Thạt Luổng để rước ba vòng quanh Thạt Luổng. Phạ Sạt Phơng được làm từ vật liệu nhẹ, trang trí các họa tiết bằng sáp ong màu vàng rực rỡ, trên chóp cắm hoa tươi kết nối các tua dây. Đặc biệt năm nay, các Phạ Sạt Phơng được trang trí sặc sỡ bằng nhưng đồng tiền nhằm cầu may lấy phước lành và mong muốn giàu sang, thịnh vượng. Sau khi rước quanh Thạt Luổng xong, các phật tử thành kính dâng Phạ Sạt Phơn cúng nhà sư và lắng nghe những lời lời răn dạy chỉ làm điều thiện để tâm luôn trong sáng, an lành và có cuộc sống tốt đời đẹp đạo.
Thạt Luổng năm nay đẹp rực rỡ và lung linh hơn mọi năm còn vì chính quyền Lào trùng tu giai đoạn 4, với quy mô chỉnh trang toàn bộ các hạng mục trong và ngoài Thạt Luổng, dùng 23 kg vàng để đúc thêm tượng mới và dùng 9 kg vàng, 9 bat vàng, 9 saloung vàng và 9 hooun vàng để bọc đỉnh tháp Thát Luổng. Theo các đơn vị khối lượng vàng dân gian của Lào, mỗi bat là 4 chỉ, mỗi saloung là 1 chỉ, mỗi hooun là 1/10 của 1 chỉ.
Vườn xanh tại lễ hội Thạt Luổng, một trong những điểm nhấn nhằm quảng bá nông nghiệp sạch cũng như cuộc sống xanh là một trong những mục tiêu của Lào năm nay.
Chính quyền Lào cho biết, năm nay, lễ hội Thạt Luổng được tổ chức lớn nhất từ trước đến nay với nhiều mục tiêu như quảng bá du lịch nhằm thu hút 4,5 triệu lượt du khách nước ngoài, thúc đẩy thương mại, quảng bá nông nghiệp sạch và văn hóa truyền thống.
Nhân dịp lễ hội Thạt Luổng, hội chợ đêm Thạt Luổng cũng được tổ chức hằng tối với hơn 1.000 gian hàng. Năm nay, các mặt hàng rất đa dạng và phóng phú, đặc biệt nhằm thúc đẩy các hàng hóa chất lượng cao, chính quyền đã tổ chức hàng trăm gian hàng bán các hàng hóa mỗi quận/huyện một sản phẩm (ODOP), gian hàng gia truyền cũng như gian hàng các sản phẩm thương hiệu quốc gia.
Lễ hội diễn ra từ ngày 5 và kết thúc vào ngày 11-11, tức ngày 15-12 Phật lịch.
Theo Nhandan
Ý kiến ()