Lễ hội Kỳ Cùng – Tả Phủ: Đơn giản, vui tươi, ý nghĩa
Được triển khai đúng theo kịch bản, kế hoạch xây dựng từ những ngày đầu năm 2016, Lễ hội Kỳ Cùng – Tả Phủ năm nay vẫn diễn ra trong khuôn khổ thời gian và nội dung chương trình như những năm trước. Đặc biệt, đây là năm đầu tiên thực hiện Thông tư số 15/2015/TT-BVHTTDL của Bộ VHTTDL quy định về việc tổ chức, quản lý lễ hội, Ban Tổ chức lễ hội phường Vĩnh Trại (Đền Kỳ Cùng) và phường Hoàng Văn Thụ (Đền Tả Phủ) đã tổ chức đơn giản với số lượng khách mời có chọn lọc và không tổ chức cơm khách. Nhờ đó, ban tổ chức, ban quản lý lễ hội có thời gian đầu tư kỹ lưỡng hơn cho chất lượng của các chương trình.
Điều này có thể nhận thấy qua những chiếc kiệu “sơn son, thiếp vàng” được chuẩn bị chu đáo, những trang phục lễ hội lộng lẫy, đẹp mắt của “Đồng nam”, “Đồng tử” và các nghi lễ cầu cúng được tổ chức trang trọng ở cả hai đền. Qua đó đã giúp người dân địa phương, du khách hiểu hơn về những nét đẹp văn hóa của quê hương Xứ Lạng.
Múa rồng tại lễ hội Kỳ Cùng – Tả Phủ
Bà Chu Thị Thu Lan, Phó Chủ tịch UBND, Phó Trưởng Ban Tổ chức lễ hội phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn cho biết: Tuy phương châm là “đơn giản gọn nhẹ” song lễ hội Đền Kỳ Cùng xuân Bính Thân 2016 vẫn được xác định là một sự kiện văn hóa quan trọng, nằm trong chương trình lễ hội du lịch lớn của tỉnh. Vì thế Ban tổ chức đã chuẩn bị những điều kiện tốt nhất về giao thông, an ninh trật tự, môi trường để lễ hội diễn ra được trang trọng về nghi lễ, đa dạng, phong phú về phần hội.
Tuy được tổ chức đơn giản nhưng Lễ hội Kỳ Cùng – Tả Phủ năm nay vẫn diễn ra hết sức tưng bừng, trong niềm vui hân hoan của nhân dân Xứ Lạng và du khách gần xa. Năm nay, Lạng Sơn có 3 lễ hội được Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch xếp vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, trong đó có Lễ hội Kỳ Cùng – Tả Phủ. Ông Nguyễn Phúc Hà, Giám đốc Sở VHTTDL cho biết: Lễ hội Kỳ Cùng – Tả Phủ được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia là một vinh dự, niềm vui lớn đối với cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn. Có thể nói, đây là một di sản đặc biệt vì nằm ngay giữa lòng thành phố, tập trung đông dân cư, hội tụ các điều kiện thuận lợi để khai thác và phát triển du lịch trong tương lai.
Niềm vui đó lan tỏa khắp các con đường, tuyến phố. Trước khi khai hội 2 ngày (22 tháng Giêng âm lịch), nhân dân ở các tuyến phố lớn (Bà Triệu, Ngô Quyền, Bắc Sơn…) đã dựng rạp, chuẩn bị cỗ bàn thịnh soạn, mời đoàn múa sư tử đến múa, từ nhà ra đền để dâng lễ. Đến ngày khai hội, không khí càng trở nên náo nức, tưng bừng bởi các đoàn múa rồng, múa sư tử, trống chiêng rộn rã. Những băng rôn mang dòng chữ “Hội liên gia đoàn kết mừng Lễ hội Kỳ Cùng – Tả Phủ” đỏ rực phố phường. Nhân dân ở hai bên đường nơi đoàn rước kiệu đi qua chuẩn bị lễ vật tươm tất, bày ra trước cửa để đón đoàn đi qua với quan niệm mỗi năm chỉ có một lần đoàn rước kiệu thần qua cửa nhà nên đây chính là dịp tốt để chiêm bái, cầu mong những điều may mắn tốt lành “nhân khang, vật thịnh” cho gia đình.
Sau phần lễ, phần hội diễn ra hết sức vui tươi với nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn như: cờ người, đẩy gậy, kéo co, bịt mắt đánh trống… thu hút đông người tham gia và cổ vũ nhiệt tình. Em Vi Hồng Luyến (thôn Sơn Hồng, xã Gia Cát, huyện Cao Lộc) cho biết: “Học xong buổi sáng, em cùng các bạn đạp xe ra đây đi hội. Ở đây tổ chức nhiều trò chơi hay, không chỉ hấp dẫn chúng em mà nhiều người lớn tuổi cũng tham gia chơi rất vui”.
Mặc dù ngày hội không trùng vào ngày nghỉ nhưng Lễ hội Kỳ Cùng – Tả Phủ năm nay vẫn diễn ra hết sức tươi vui ý nghĩa, thu hút đông đảo nhân dân ở các huyện, thành phố và du khách thập phương đến tham gia. Điều này khẳng định sức hấp dẫn của các lễ hội xuân trên địa bàn tỉnh nói chung, Lễ hội Kỳ Cùng – Tả Phủ nói riêng.
Ý kiến ()