Lễ hội đường sách Tết Mậu Tuất 2018
Chiều 1-2, Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh tổ chức họp báo giới thiệu về Lễ hội đường sách Tết Mậu Tuất 2018, với ý tưởng chủ đạo là hình ảnh một “khu vườn tri thức”, được lồng ghép nhẹ nhàng và tinh tế vào những nét hiện đại của thành phố.
Với chủ đề “Ươm mầm tri thức, khát vọng vươn cao”, Lễ hội có bốn chủ đề: Ươm mầm tri thức, hào khí phương nam – thành phố phát triển, khát vọng vươn cao, biển đảo thiêng liêng. Mỗi chủ đề đều có điểm nhấn nổi bật.
Đại diện Ban Tổ chức (BTC) cho biết, với chủ đề 1 (ươm mầm tri thức), BTC sẽ sử dụng hình ảnh chủ đạo là vườn ươm chồi non vươn lên mạnh mẽ đầy sức sống. Đây là không gian gần gũi và sáng tạo dành cho lớp trẻ thỏa sức đam mê đọc sách và có những hoạt động vui chơi dành cho thiếu nhi như: Múa rối, trò chơi dân gian. Đặc biệt, khách tham quan có dịp giao lưu với các tác giả trong chuyên đề “100 quyển sách thanh, thiếu niên thành phố cần đọc”.
Không gian của chủ đề 2 (Hào khí phương nam – thành phố phát triển) sẽ triển lãm, trưng bày sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh, giới thiệu tư liệu về “Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968; trưng bày, giới thiệu về quá trình hình thành, xây dựng và phát triển Sài Gòn – TP Hồ Chí Minh 320 năm. Tại không gian chủ đề này, BTC sẽ triển lãm báo xuân năm 2018. Điểm mới trong thiết kế tại không gian này là công trình “cây tri thức” độc đáo.
Điểm nhấn của Lễ hội là ở chủ đề 3 với sách điện tử. Bạn đọc yêu công nghệ có thể tìm hiểu sách điện tử tại không gian ở chủ đề 3 (khát vọng vươn cao), với thiết kế theo phong cách hiện đại, thể hiện hình ảnh thành phố 4.0 đang không ngừng phát triển.
Tại chủ đề 4 (biển đảo thiêng liêng), BTC sẽ giới thiệu với khách tham quan những hình ảnh, bản đồ mới về chủ quyền đất nước.
Lễ hội năm nay có sự tham gia của 12 đơn vị, với kinh phí tổ chức được xã hội hóa hoàn toàn. Ước tính, có hơn 26 nghìn bản sách sẽ được trưng bày tại lễ hội.
Lễ hội sẽ diễn ra từ ngày 13-2 (28 tháng Chạp) đến ngày 19-2 (mùng 4 tháng Giêng Âm lịch), tại ba trục đường chính: Mạc Thị Bưởi, Nguyễn Huệ và Ngô Đức Kế.
Theo Nhandan
Ý kiến ()