Lễ hội đình Vằng Khắc: Nét văn hóa độc đáo của Xứ Lạng
LSO- Không diễn ra vào tháng Giêng - tháng lễ hội của Xứ Lạng, Lễ hội đình Vằng Khắc (thôn Khòn Chả, xã Vân Mộng, huyện Lộc Bình) lại được tổ chức hằng năm vào hai ngày 17 và 18 tháng 4 âm lịch. Tuy đường sá khó khăn, thời tiết nóng bức nhưng lễ hội này luôn thu hút đông đảo nhân dân về tham dự với những hoạt động văn hóa, tín ngưỡng độc đáo.
Người cao tuổi trong xã đến dự lễ hội từ rất sớm
Tọa lạc trên một bãi đất bằng phẳng bên bờ sông Kỳ Cùng, đình Vằng Khắc có kiến trúc vừa mang nét chung của đình làng Việt Nam, vừa mang nét riêng của một ngôi đình ở vùng núi Xứ Lạng. Đình làm theo kiểu chữ Công, phía trước là gian tiền đường, phía sau là hậu cung, được nối với nhau bởi hai dãy hành lang tạo nên một bố cục kiến trúc chặt chẽ theo kiểu truyền thống. Đây là một trong số những ngôi đình có niên đại rất sớm của tỉnh ta hiện còn được lưu giữ đến ngày nay.
TÍN NGƯỠNG THỜ THẦN NƯỚC – HIỆN THÂN CỦA QUAN LỚN TUẦN TRANH
Đình Vằng Khắc là một trong những di tích thờ thần Rắn – tức vị thần sông Kỳ Cùng nổi tiếng tại tỉnh Lạng Sơn. Từ bao đời nay, nhân dân trong vùng quanh năm hương khói thờ tự với niềm tin tưởng nhờ có thần sông che chở, phù hộ được mùa màng bội thu, ấm no, hạnh phúc. Theo sắc phong còn lưu giữ, đình được xây dựng vào thời Lê Cảnh Hưng (năm 1740 – 1768) gắn với truyền thuyết về sự tích thần Rắn, hiện thân của vị Quan lớn Tuần Tranh. Theo truyền thuyết kể lại, vị thần này làm con nuôi của ông già người Tày họ Đinh, giúp dân làng giết thủy quái, thoát khỏi lũ lớn. Chính vì vậy, để tưởng nhớ công ơn của thần Rắn và lòng đức độ của cụ già họ Đinh, dân làng tôn phong rắn làm Thành Hoàng và xây dựng nơi thờ tự rắn chính là đình Vằng Khắc ngày nay. Hiện đình Vằng Khắc được con cháu dòng họ Đinh trong xã có trách nhiệm trông nom và quản lý, đến nay đã trải qua được 25 đời.
Nghi lễ tại đình do con cháu họ Đinh thực hiện
NGHI LỄ “RƯỚC THẦN SÔNG” ĐỘC ĐÁO
Lễ hội chính của đình được tổ chức vào ngày 17 – 18 tháng 4 âm lịch hằng năm với nhiều nghi lễ, trò chơi dân gian. Đặc biệt, hội có nghi lễ “Rước thần Sông” rất độc đáo, hấp dẫn, thu hút đông đảo nhân dân quanh vùng đến dự hội. Sáng ngày 17, dân làng chuẩn bị lễ vật thịnh soạn gồm lợn cả con, xôi, gà, rượu, quả… ra đình khai hội. Sau khi làm lễ, khoảng 10 giờ trưa, Ban tế lễ khoảng 5-7 người gồm hai chức sắc, đội kèn trống hộ tống dùng bè di chuyển ra vực nước giữa lòng sông Kỳ Cùng, thắp hương cầu khấn thần Rắn về dự Hội với dân làng và lấy nước ở dưới sông cho vào bình rồi đặt lên ngai của kiệu rước về đình. Nước mang về được đặt trang trọng trên ban thờ của gian chính điện và làm lễ tế cầu mong thành hoàng che chở, phù hộ cho dân làng bình an, hạnh phúc, mùa màng bội thu. Chiều ngày hôm sau lại rước nước thần về sông. Tất cả nghi lễ này đều do con cháu dòng họ Đinh tại xã thực hiện. Cụ Hoàng Thị Tuyền, thôn Khòn Chả cho biết: “Không biết Đình được xây từ bao giờ nhưng từ khi lớn lên, tôi đã được đi hội. Và cho đến bây giờ, năm nào, tôi cũng cho con cháu ra đây vui hội và đi lễ, cầu sức khỏe, bình an, mùa màng bội thu. Những người cao tuổi như tôi được hàng hội tín nhiệm giao cho viết sớ, chỉ dẫn con cháu ở xa về hiểu về phong tục, tập quán, tín ngưỡng của đình.”
Cùng với phần lễ là phần hội vui tươi với các trò chơi dân gian truyền thống như: múa sư tử, múa võ, đánh gậy, đánh cờ người… Đêm 17 còn có diễn xướng văn nghệ với các làn điệu hát sli, hát lượn làm mê đắm lòng người.
CHUNG TAY GIỮ GÌN, PHÁT HUY NÉT ĐẸP TRUYỀN THỐNG
Trải qua sự thăng trầm của thời gian và lịch sử, đến nay, đình Vằng Khắc đã bị hư hỏng, mục nát nhiều. Tuy vậy, nơi đây vẫn lưu giữ được nhiều di vật quý có giá trị về lịch sử, mỹ thuật, tín ngưỡng như: bức chạm cổ và 6 sắc phong của các triều vua. Đây thực sự là một viên ngọc quý trong kho tàng di sản văn hoá Xứ Lạng cần được quan tâm gìn giữ và phát huy.
Mùa lễ hội năm nay, đình Vằng Khắc đón rất nhiều du khách từ tỉnh xa về tham dự. Đó là kết quả từ công tác tổ chức, tuyên truyền, quảng bá của chính quyền địa phương. Đặc biệt nhờ có sự quan tâm của cấp ủy đảng, chính quyền và doanh nghiệp địa phương, xã được đầu tư xây dựng cây cầu kiên cố bắc qua sông Kỳ Cùng giáp với xã Xuân Lễ. Qua đó, rút ngắn khoảng cách, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con và du khách đến với lễ hội. Ông La Văn Thiệu, Phó Chủ tịch UBND xã, Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội cho biết: “Ban tổ chức lễ hội của xã ngay từ đầu năm đã xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội. Phân công cụ thể cho các thành viên phụ trách từng phần lễ và phần hội đảm bảo diễn ra trang trọng, vui tươi, an toàn. Đồng thời chú trọng tuyên truyền để bà con nhận thức được ý nghĩa ngày hội truyền thống của dân tộc mình.”
Là người con của đất Vân Mộng, ông Đinh Văn Bản (phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn) tự hào kể: “Năm nào, gia đình tôi cũng đến dự lễ hội và cảm thấy biết ơn tổ tiên đã chọn nơi vừa có sông nước, bãi bồi, rừng cây xung quanh để xây dựng đình tạo nên sự uy nghiêm, trầm mặc. Mỗi lần về thấy làng quê thay da đổi thịt, chúng tôi rất vui mừng, mời nhiều bạn bè đến tham dự lễ hội và cùng đóng góp tôn tạo để đình ngày càng khang trang hơn.”
Có thể thấy, tục thờ rắn gắn với tín ngưỡng thờ thần sông của người dân xã Vân Mộng là một trong những nét văn hóa, tín ngưỡng độc đáo của đồng bào các dân tộc miền núi phía Bắc, chứa đựng những ước mơ, những khát vọng về cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Những giá trị truyền thống đặc sắc này cần được nghiên cứu một cách đầy đủ, có hệ thống để bảo tồn và phát huy, làm phong phú thêm kho tàng văn hoá tín ngưỡng của đồng bào các dân tộc tỉnh Lạng Sơn.
Bài, ảnh: NGỌC HIẾU
Ý kiến ()