Lễ hội đền Kỳ Cùng – đền Tả Phủ: Điểm hẹn văn hoá đầu xuân
- Cùng với các thành tố văn hóa khác, lễ hội đã góp phần tạo nên sự đa dạng, phong phú của kho tàng văn hóa dân gian Lạng Sơn. Trong số những lễ hội tiêu biểu, không thể không nhắc tới lễ hội đền Kỳ Cùng – đền Tả Phủ. Đây được coi như điểm hẹn văn hóa không thể bỏ lỡ của mỗi du khách vào dịp đầu xuân mới khi đến với Lạng Sơn.

Theo một số tài liệu ghi chép lại, đền Kỳ Cùng (phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn) được xây dựng vào khoảng thời Hậu Lê, ban đầu là ngôi miếu nhỏ thờ Thần Giao Long (Thần sông Kỳ Cùng). Trải qua quá trình lịch sử, hiện tại, đền thờ Quan lớn Tuần Tranh, một vị quan được cử lên trấn ải tại Lạng Sơn. Đền Tả Phủ (phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn) được Nhân dân 7 phường của Lạng Sơn và khách buôn 13 tỉnh Trung Quốc xây dựng vào năm Chính Hòa thứ 4 (1683) để tri ân, phụng thờ Tả Đô đốc Hán Quận công Thân Công Tài. Năm 1993, hai di tích đã được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng cấp quốc gia.
Di sản chứa đựng giá trị văn hóa đặc sắc
Ông Hoàng Văn Páo, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa tỉnh cho biết: Lễ hội truyền thống đền Kỳ Cùng – đền Tả Phủ là sự gắn kết về các nghi thức tế lễ, rước kiệu và các trò chơi, diễn xướng dân gian đặc sắc của Nhân dân các dân tộc thành phố Lạng Sơn. Đồng thời cũng là dịp để người dân tỏ lòng biết ơn công đức của Tả Đô đốc Hán Quận công Thân Công Tài và quan lớn Đệ ngũ Tuần Tranh, những người có công dẹp giặc, giữ gìn sự bình yên cho Nhân dân. Đặc biệt là Tả Đô đốc Hán Quận công Thân Công Tài - người có công trong việc mở mang thương trường giao lưu buôn bán trên mảnh đất Lạng Sơn giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc cuối thế kỷ XVII, đồng thời mở mang 7 con đường và 7 phường cho phố chợ Kỳ Lừa, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống Nhân dân các dân tộc Lạng Sơn.
Lễ hội truyền thống đền Kỳ Cùng - đền Tả Phủ cùng với những lễ hội khác đã góp làm tăng thêm vẻ đẹp và sức hấp dẫn của một vùng đất giàu truyền thống văn hóa nơi địa đầu Tổ quốc. Mối liên hệ và sự gắn kết giữa hai đền thông qua truyện kể về nỗi oan khuất của Quan lớn Tuần Tranh được Hán Quận công Thân Công Tài chứng minh và giải oan. Vì vậy, để báo đáp công ơn của Hán Quận công Thân Công Tài, hằng năm trong dịp lễ hội đền Tả Phủ - đền Kỳ Cùng, Nhân dân rước kiệu Quan lớn Tuần Tranh lên đền Tả Phủ (nơi thờ Hán Quận công Thân Công Tài) để dự hội Đầu pháo và tạ ơn người giải oan. Đến ngày 27 tháng Giêng, kiệu Quan lớn Tuần Tranh lại được rước về đền Kỳ Cùng. Đây chính là sự liên quan, gắn kết trong lễ hội truyền thống giữa hai di tích đền Kỳ Cùng và đền Tả Phủ, tuy hai di tích nhưng gọi chung một lễ hội là lễ hội truyền thống đền Kỳ Cùng – đền Tả Phủ.
Bà Phạm Tuyết Lê, Thủ nhang đền Kỳ Cùng, phường Vĩnh Trại cho biết: Phần lễ chính của lễ hội tập trung chủ yếu vào hai ngày (ngày 22 và ngày 27 tháng Giêng), trong đó có lễ tế khai hội, đón rước và lễ an vị, lễ tạ. Phần hội bao gồm những nghi thức rước kiệu và các trò chơi, như: tranh đầu pháo, cờ tướng, kéo co, đẩy gậy, võ thuật, lễ hội ẩm thực, hát sli, lượn, quan họ... được diễn ra với sự tham gia của đông đảo các tầng lớp Nhân dân thành phố Lạng Sơn và du khách thập phương.
Đặc sắc nhất trong lễ hội đền Kỳ Cùng - đền Tả Phủ là nghi lễ tranh đầu pháo vào sáng ngày 27 tháng Giêng. Theo nhiều nguồn thông tin, lễ hội được duy trì tổ chức vào trước năm 1950. Sau năm 1950, do chiến tranh nên không còn được tổ chức nữa; đến năm 1991 mới được phục dựng lại...
Ông Phạm Văn Tuần, Trưởng bộ phận Thường trực di tích đền Tả Phủ cho biết: Trong ngày 27 tháng Giêng, mọi người tập trung tại khu vực sân trước đền Tả Phủ để chứng kiến hội Đầu pháo. Đầu pháo được thờ cúng quanh năm theo đúng phong tục của nhà đền. Đầu pháo linh thiêng là một vòng nhỏ bằng kim loại quấn vải đỏ, bên trong rỗng, được gắn trên một quả pháo lớn đặt trong lồng pháo, nối vào những dây pháo nhỏ, cuốn thành nhiều vòng, treo trên một cây nêu bằng tre tươi dựng trước sân đền trong ngày hội. Khi pháo được đốt, đầu pháo nổ và vòng kim loại bay lên không trung, mọi người chờ vòng kim loại rơi xuống rồi tranh đầu pháo.
Tại ngày hội, người nào tranh được đầu pháo thì đem đến trình báo với nhà đền, sau đó Ban tổ chức sẽ thông báo và vinh danh, tặng thưởng rồi rước về nhà để thờ... Đến ngày 20 tháng Giêng năm sau, người tranh được đầu pháo phải mang đầu pháo và lễ vật đến đền tạ ơn và trả lại nhà đền.
Với những giá trị tiêu biểu, năm 2015, lễ hội đền Kỳ Cùng – đền Tả Phủ đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Gìn giữ cho mai sau
Năm 2021, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2124/KH-UBND phê duyệt Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lễ hội đền Kỳ Cùng - đền Tả Phủ, thành phố Lạng Sơn giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Mục đích của đề án nhằm bảo tồn, phát huy hiệu quả, bền vững giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; xây dựng lễ hội đền Kỳ Cùng - đền Tả Phủ trở thành một sự kiện văn hóa tiêu biểu của tỉnh, một sản phẩm du lịch lễ hội đặc sắc với nhiều nét văn hóa đặc trưng riêng có.
Thực hiện đề án, thời gian qua, UBND thành phố đã triển khai nhiều giải pháp tích cực nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống của lễ hội. Theo đó, hằng năm, UBND thành phố ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, tăng cường công tác quản lý nhà nước tổ chức lễ hội đảm bảo phù hợp với văn hóa truyền thống địa phương; chỉ đạo UBND hai phường nghiêm túc triển khai, thực hiện công tác quản lý, tổ chức lễ hội theo quy định của pháp luật…
Năm 2025, lễ hội đền Kỳ Cùng được lựa chọn là lễ hội điểm của thành phố. Đến thời điểm này công tác chuẩn bị đã được UBND thành phố triển khai chu đáo, chi tiết.
Bà Hoàng Minh Thảo, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lạng Sơn cho biết: Ngay từ đầu năm 2025, UBND thành phố đã ban hành văn bản hướng dẫn các đơn vị xây dựng nội dung tham gia các hoạt động của lễ hội, đồng thời chỉ đạo UBND phường Vĩnh Trại và phường Hoàng Văn Thụ thành lập ban chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên đảm bảo lễ hội diễn ra thành công tốt đẹp. Ngoài ra, UBND thành phố đã triển khai thành lập các đoàn kiểm tra lễ hội trên địa bàn thành phố nhằm kiểm tra công tác chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân sự, kịch bản chương trình, lên phương án đảm bảo an ninh trật tự, phòng, chống cháy nổ, vệ sinh môi trường; chỉ đạo các đơn vị có liên quan tăng cường viết tin, bài về các hoạt động của lễ hội nhằm tuyên truyền, quảng bá đến người dân, du khách.
Năm nay, UBND thành phố chọn lễ hội đền Kỳ Cùng là lễ hội điểm của thành phố với ba nét mới, nổi bật so với mọi năm. Tiêu biểu trong ngày khai mạc lễ hội 22 tháng Giêng sẽ diễn ra cuộc thi trưng bày mâm lễ và gói bánh chưng của các hội liên gia; cuộc thi vẽ tranh hoa đào tại lễ hội và diễn tích về Quan Tuần Tranh. Ngoài ra còn có rất nhiều hoạt động hưởng ứng lễ hội đặc sắc như: đêm diễn văn nghệ ngày 24 tháng Giêng, vẽ tranh thư pháp…
Là một trong hai địa bàn chính nơi lễ hội đền Kỳ Cùng – đền Tả Phủ diễn ra, UBND phường Vĩnh Trại đã có sự chuẩn bị chu đáo, ông Nguyễn Đức Vũ, Chủ tịch UBND phường Vĩnh Trại thông tin: Chúng tôi đã ban hành kế hoạch, chương trình tổ chức lễ hội, thành lập ban tổ chức và các tiểu ban phục vụ lễ hội. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã chủ động chuẩn bị tốt các điều kiện về cơ sở vật chất; lên sơ đồ maket bố trí lắp đặt sân khấu và sử dụng phông thiết kế phù hợp không gian tổ chức, đảm bảo tính thẩm mỹ; đảm bảo tốt công tác an ninh trật tự; triển khai tập văn nghệ phục vụ chương trình, liên hệ các đơn vị tham gia rước kiệu phục vụ lễ hội; phối hợp với Công an thành phố xây dựng các phương án phân luồng giao thông…
Lễ hội đền Kỳ Cùng – đền Tả Phủ không chỉ là dịp để người dân tưởng nhớ công lao của hai vị quan, mà còn là dịp để du khách giao lưu, gặp gỡ, vui chơi và tham gia vào các hoạt động văn hóa truyền thống; đồng thời quảng bá những giá trị văn hóa đậm đà bản sắc của Lạng Sơn đến với du khách trong và ngoài nước.
Ý kiến ()