Lê Duẩn - một nhà lãnh đạo kiệt xuất, một tư duy sáng tạo lớn
Ðồng chí Lê Duẩn là một nhà yêu nước lớn, một chiến sĩ cộng sản kiên cường, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Là một nhà lãnh đạo kiệt xuất của Ðảng và của nhân dân ta, đồng chí đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Ðảng và của dân tộc. Lịch sử ghi đậm những công lao to lớn của đồng chí trong nhiều thời kỳ: thời kỳ đất nước bị chìm đắm dưới ách thuộc địa, thời kỳ kháng chiến chống Pháp, thời kỳ đất nước bị chia cắt làm hai miền với hai chiến lược cách mạng khác nhau, đặc biệt trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước chuyển lên cách mạng xã hội chủ nghĩa.
GS, NGND NGUYỄN ÐỨC BÌNH
Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Ðảng
Ðồng chí Lê Duẩn là một nhà yêu nước lớn, một chiến sĩ cộng sản kiên cường, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Là một nhà lãnh đạo kiệt xuất của Ðảng và của nhân dân ta, đồng chí đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Ðảng và của dân tộc. Lịch sử ghi đậm những công lao to lớn của đồng chí trong nhiều thời kỳ: thời kỳ đất nước bị chìm đắm dưới ách thuộc địa, thời kỳ kháng chiến chống Pháp, thời kỳ đất nước bị chia cắt làm hai miền với hai chiến lược cách mạng khác nhau, đặc biệt trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước chuyển lên cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Ở đây, tôi chỉ muốn được nói lên vài cảm nghĩ riêng về đồng chí Lê Duẩn như một nhà cách mạng mác-xít lê-nin-nít nổi bật ở tư duy sáng tạo.
Cuối năm 1952, trên đường từ Nam Bộ ra Việt Bắc, đồng chí Lê Duẩn có ghé lại cơ quan Liên khu ủy IV; nói chuyện với cán bộ lãnh đạo và cán bộ nghiên cứu các ban thuộc Liên khu ủy xoay quanh chủ đề dân tộc – dân chủ – giai cấp, về lịch sử dân tộc và hiện tình đất nước, về cách mạng và kháng chiến, về thế giới và Việt Nam, về tình hình Nam Bộ, trong đó có kinh nghiệm giải quyết vấn đề ruộng đất. Một ấn tượng mạnh đến với tôi ngay từ buổi đầu nghe đồng chí Lê Duẩn nói chuyện – đây quả là một tư duy chính trị lớn, một tư duy lý luận sáng tạo.
Thời kỳ phong trào cách mạng 1936 – 1939, với cương vị Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ, đồng chí Lê Duẩn đã cùng tập thể Xứ ủy lãnh đạo phong trào Mặt trận Dân chủ ở miền trung với nhiều sáng tạo trong chủ trương và phương pháp, góp phần làm phong phú kinh nghiệm chung của phong trào cả nước… Năm 1939, là Ủy viên Thường vụ Trung ương Ðảng, đồng chí Lê Duẩn đã sát cánh cùng Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ chuẩn bị và chủ trì Hội nghị Trung ương 6 (tháng 11-1939), một hội nghị có ý nghĩa lịch sử đánh dấu sự chuyển hướng đúng đắn, sáng tạo trong chỉ đạo chiến lược sáng suốt và kịp thời của Ðảng chuẩn bị đưa cách mạng lên cao trào trong Chiến tranh thế giới thứ hai.
Tư duy sáng tạo lớn ở đồng chí Lê Duẩn thể hiện nổi bật nhất là trong quá trình cùng tập thể Bộ Chính trị – với Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu và cả sau khi Người đi xa, đồng chí có nhiệm vụ kế tục Bác – lãnh đạo công cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Một trong những tiêu điểm phản ánh điều đó là tập Thư vào Nam của Lê Duẩn. Thư vào Nam đã quán triệt một cách sâu sắc phép biện chứng vào việc giải quyết những vấn đề cực kỳ phức tạp, ở những thời điểm cực kỳ phức tạp, trong một giai đoạn cực kỳ phức tạp của cách mạng Việt Nam. Thật vậy, toàn bộ tinh thần, thực chất, cái linh hồn sống toát lên từ tập Thư vào Nam có thể nói là phép biện chứng – phép biện chứng của sự sáng tạo cách mạng. Ðồng chí Lê Duẩn đã tổng kết như sau trong tác phẩm nổi tiếng Dưới lá cờ vẻ vang của Ðảng, vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội, tiến lên giành những thắng lợi mới, viết năm 1970: “Không lĩnh vực nào đòi hỏi người cách mạng phát huy trí sáng tạo nhiều như lĩnh vực phương pháp tiến hành cách mạng. Cách mạng là sáng tạo; không sáng tạo thì cách mạng không thể thắng lợi. Xưa nay không có và sẽ không bao giờ có một công thức duy nhất về cách tiến hành cách mạng thích hợp với mọi hoàn cảnh, mọi thời gian”(1). “Chỉ có thể coi một phương pháp nào đó, một hình thức đấu tranh nào đó là tốt nhất, là đúng nhất khi nó đáp ứng đầy đủ yêu cầu của tình thế cụ thể, khi nó hoàn toàn phù hợp với những điều kiện trong đó nó được sử dụng, cho phép huy động đến mức cao nhất các lực lượng cách mạng và tiến bộ lên trận tuyến đấu tranh, cho phép khai thác triệt để những chỗ yếu của kẻ địch, và do tất cả những điều đó, có khả năng đưa lại thắng lợi lớn nhất mà tình hình so sánh lực lượng mỗi lúc cho phép”(2).
Tóm lại, “chân lý là cụ thể, cách mạng là sáng tạo” – đó là tư tưởng, là tư duy của Lê Duẩn. Ðó là điểm cơ bản về phương pháp luận, từ đó đồng chí suy nghĩ và soi sáng các vấn đề thực tiễn cách mạng và chiến tranh cách mạng. Cũng chính vì lẽ đó, hồi hoạt động trong nam, những năm 1950, Anh Ba được cán bộ các cấp mến phục gọi là “Ông Ðơ xăng bu-gi” (Ông sáng như ngọn đèn 200 nến).
Ðiếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng do đồng chí Trường Chinh đọc tại lễ truy điệu đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn viết: Ðồng chí Lê Duẩn “là một người mác-xít lê-nin-nít chân chính, đồng chí luôn luôn suy nghĩ, tìm tòi, xuất phát từ tình hình thực tế, phân tích, giải quyết những vấn đề mới do cuộc sống đề ra. Sự sáng suốt của đồng chí thể hiện nổi bật trước những bước ngoặt của lịch sử và những tình huống phức tạp”(3).
Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 được ký kết, Ðảng có khuyết điểm chậm chỉ đạo chuyển hướng chiến lược đấu tranh. Khách quan thế giới lúc đó cũng có chuyện phức tạp. Có Ðảng anh em khuyên ta “chung sống hòa bình”, “thi đua kinh tế” giữa hai miền, chỉ cần bằng cách “nêu gương” rốt cuộc miền bắc sẽ thắng, nước nhà thống nhất. Còn Ðảng anh em khác lại khuyên “trường kỳ mai phục”, chờ đợi thời cơ. Trong khi đó, tình hình miền nam ngày càng nước sôi lửa bỏng, Mỹ – Diệm trắng trợn chà đạp Hiệp định Giơ-ne-vơ, thẳng tay khủng bố tàn sát đồng bào và các cơ sở cách mạng, gây bao đau thương, tang tóc cho nhân dân ta. Trong linh cảm đặc biệt của mình và với năng khiếu chính trị hết sức nhạy bén, với tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo, Lê Duẩn đã lăn lộn từ miền Tây Nam Bộ lên Bến Tre rồi Sài Gòn, Ðà Lạt để chỉ đạo phong trào, đồng thời từ thực tiễn, nung nấu suy nghĩ con đường tiến lên cho cách mạng miền nam. Ðề cương cách mạng miền Nam do Lê Duẩn dự thảo năm 1956 chỉ rõ: “Nhân dân ta ở miền nam chỉ có một con đường là vùng lên chống lại Mỹ – Diệm để cứu nước và tự cứu mình. Ðó là con đường cách mạng. Ngoài con đường đó không có con đường nào khác”. Trong bối cảnh cực kỳ khó khăn tưởng chừng bế tắc của cách mạng miền nam lúc bấy giờ, Ðề cương cách mạng miền Nam có giá trị đột phá, khai thông, làm dấy lên cả một không khí tràn đầy tin tưởng, phấn chấn, tạo ra phong trào Ðồng khởi mạnh mẽ của nhân dân miền nam những năm 1959 – 1960. Và không chỉ thế, ý nghĩa to lớn của Ðề cương là ở chỗ nó góp phần chuẩn bị cơ sở lý luận và chính trị cho Nghị quyết Hội nghị Trung ương 15 lịch sử (năm 1959), tiếp đó là Nghị quyết Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ III (tháng 9-1960).
Từ năm 1957, đồng chí Lê Duẩn được Trung ương và Chủ tịch Hồ Chí Minh điều động ra Hà Nội nhận trọng trách mới. Dưới sự chủ trì của Bác và cùng tập thể Bộ Chính trị, đồng chí đã góp phần quan trọng hoạch định đường lối chính trị và chiến lược giải quyết các vấn đề lý luận và thực tiễn cách mạng trong phạm vi cả nước. Xác định như thế nào đường lối cách mạng miền bắc, miền nam và mối quan hệ giữa cách mạng hai miền? Xác định như thế nào mối quan hệ giữa cách mạng hai miền với nhiệm vụ chung cả nước? Xử lý như thế nào mối quan hệ giữa cách mạng Việt Nam với cuộc đấu tranh chung vì hòa bình, cách mạng và chủ nghĩa xã hội trên thế giới lúc đó? Quả là một tổ hợp rộng lớn các quan hệ và các vấn đề phức tạp đặt ra trước Ðảng ta, làm sao có thể giải quyết đúng đắn nếu thiếu tư duy cách mạng sáng tạo? Tình hình càng phức tạp vì khi đó đã xuất hiện rồi ngày càng phát triển những bất đồng trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, trước hết là giữa hai Ðảng lớn, hai nước lớn xã hội chủ nghĩa. Ðảng ta, Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giải quyết thành công các vấn đề trọng đại đó, đưa sự nghiệp cách mạng Việt Nam vượt qua bao khó khăn, hiểm trở không ngừng vững bước tiến lên. Ở cương vị Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương từ Ðại hội III (năm 1960), đồng chí Lê Duẩn đã góp phần to lớn vào thành công đó.
Thử thách cực kỳ nặng nề đối với cách mạng Việt Nam, đối với dân tộc Việt Nam, đối với Ðảng ta thời kỳ này là đế quốc Mỹ nhảy vào xâm lược Việt Nam với một mưu đồ, một tham vọng lớn “ngăn làn sóng đỏ” lan xuống Ðông – Nam Á. Mỹ leo thang chiến tranh hết bước này đến bước khác, nhất là khi họ có được những tín hiệu chắc chắn khỏi bị giáng trả từ phía các nước lớn. Một loạt vấn đề phức tạp đặt ra cho Ðảng ta trước “cuộc đụng đầu lịch sử” quyết liệt này: từ nhận định bối cảnh quốc tế đến đánh giá âm mưu và hành động của kẻ thù; từ phân tích so sánh lực lượng địch – ta đến khẳng định quyết tâm chiến lược; từ vạch đường lối chiến lược, đến xác định phương châm đánh địch; từ xác định nhiệm vụ, mục tiêu và các bước thực hiện đến lựa chọn cách đánh; từ phân tích hình thái chiến tranh qua từng bước ngoặt đến phân tích tình thế cách mạng, đến xác định thời cơ, thời cơ chiến lược và thời cơ trực tiếp, v.v.
Cái tinh túy nhất xuyên suốt Thư vào Nam, là một tư duy sáng tạo lớn, là phép biện chứng mác-xít, không phải chỉ trên lý thuyết mà còn ở phép biện chứng sống động trong chỉ đạo thực tiễn quá trình cách mạng và chiến tranh nhân dân.
Thư vào Nam đã phân tích so sánh lực lượng giữa ta và địch một cách biện chứng, khoa học và đúng đắn cả quân sự và chính trị, cả thế, lực và thời cơ, cả điều kiện khách quan và nghệ thuật lãnh đạo; xem xét các yếu tố ấy trong quá trình vận động, trong không gian và thời gian nhất định. Làm rõ và đánh giá thật chính xác so sánh lực lượng địch – ta là cơ sở không chỉ để hạ quyết tâm chiến lược mà còn để vạch chính xác bản thân đường lối chiến lược, các phương châm chiến lược, cho đến cả tư tưởng chỉ đạo chiến thuật và cách đánh. Biện chứng chung của sự phân tích so sánh lực lượng như trên được tác giả Thư vào Nam quán triệt cụ thể trong từng thời kỳ, ở từng bước ngoặt của chiến tranh, v.v. Biện chứng khách quan của sự biến chuyển trong so sánh lực lượng địch – ta cũng như âm mưu, hành động của địch, đối sách của ta, được tác giả Thư vào Nam theo sát từng bước và phân tích cụ thể, thậm chí đến từng chiến trường lớn, hoặc sau từng chiến dịch và trận đánh lớn, hoặc qua mỗi động thái ít nhiều có ý nghĩa trên sân khấu chính trị Mỹ hoặc Sài Gòn, khi xét thấy những sự kiện quân sự và chính trị đó có thể tác động đến toàn cục dù mới ở dạng khả năng.
Xuất phát từ sự phân tích chính xác tương quan lực lượng địch – ta, từ cục diện chính trị thế giới nói chung, từ yêu cầu sự nghiệp cách mạng cả nước xét trên lợi ích toàn cục, Ðảng ta và đồng chí Lê Duẩn đã rất sáng suốt đề ra chủ trương kiềm chế và thắng địch trong phạm vi miền Nam. Phương hướng chiến lược là tiến công và mục tiêu cuối cùng là toàn thắng, nhưng nghệ thuật chỉ đạo là phải biết thắng từng bước cho đúng, bảo đảm thắng địch theo yêu cầu cụ thể của ta trong mỗi lúc và không phương hại đến đại cục – đó là tư duy chiến lược ở Lê Duẩn. Tư duy đó tạo khả năng làm chủ các quá trình và xu thế phát triển của sự vật trên cơ sở nắm vững tính quy luật diễn biến trong cuộc chiến giữa ta và địch, từ thắng lợi từng bước tiến tới thắng lợi hoàn toàn.
Tư duy chiến lược và khả năng làm chủ cuộc chiến của Ðảng ta, của bộ thống soái tối cao và người chịu trách nhiệm chính ở đây – đồng chí Bí thư thứ nhất Lê Duẩn – thể hiện nổi bật ở chỗ không chỉ biết khởi sự, biết điều khiển tiến trình mà còn biết kết thúc chiến tranh đúng lúc và có lợi nhất. Kết luận đợt 1 Hội nghị lịch sử Bộ Chính trị năm 1974, đồng chí Lê Duẩn chỉ rõ: Lúc này chúng ta đang có thời cơ chiến lược để giải phóng miền nam. Hai mươi năm chiến đấu mới tạo được thời cơ này, chúng ta phải nắm lấy để đưa sự nghiệp giải phóng dân tộc đến thắng lợi hoàn toàn. Mỹ tung vào hàng chục vạn quân với những cố gắng chiến tranh cao nhất, rút cục phải rút ra, Mỹ đã thua và đã lùi một bước nghiêm trọng. So sánh lực lượng ta – địch đã có một thay đổi quan trọng. Lúc này Mỹ và một số cường quốc khác mặc cả, thỏa hiệp với nhau tìm mọi cách chặn bước tiến của Việt Nam. Tuy âm mưu của họ rất nguy hiểm nhưng lúc này chưa ai sẵn sàng, chưa ai đủ sức làm nổi. Ngoài thời cơ này không có thời cơ khác nữa, nếu để chậm, bọn ngụy gượng dậy được, các thế lực xâm lược, can thiệp phục hồi và mạnh lên thì tình hình sẽ phức tạp vô cùng… Trong đợt 2 Hội nghị Bộ Chính trị (tháng 12-1974), đồng chí kết luận khẳng định quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị thực hiện trận quyết chiến cuối cùng giải phóng miền nam, thông qua chiến lược hai năm 1975 – 1976 và chỉ rõ chúng ta phải cố gắng cao nhất để thắng gọn trong năm 1975. Ðó là một khả năng hiện thực. Và nêu ý kiến chọn Tây Nguyên làm hướng chiến lược chủ yếu, mở trận đầu đánh Buôn Ma Thuột.
Ðồng chí Lê Duẩn khẳng định: “Quyết tâm của ta là động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Ðảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy cuối cùng, đưa chiến tranh cách mạng phát triển đến mức cao nhất, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ quân ngụy, đánh chiếm Sài Gòn, sào huyệt trung tâm của địch cũng như tất cả các thành thị khác, đánh đổ ngụy quyền ở trung ương và các cấp, giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân, giải phóng hoàn toàn miền nam, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước, tiến tới thống nhất nước nhà. Ngay từ bây giờ phải tiến hành mọi công việc chuẩn bị thật khẩn trương, tạo điều kiện và cơ sở vật chất đầy đủ nhất để đánh mạnh, đánh nhanh, thắng gọn và thắng triệt để trong thời gian hai năm 1975 – 1976… Thời cơ này không cho phép lừng chừng, do dự!”.
Phong cách tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo là nét rất đặc trưng ở đồng chí Lê Duẩn. Ðầu óc luôn suy nghĩ, tìm tòi, trăn trở với những vấn đề do cuộc sống đặt ra, đó là bản tính của đồng chí Lê Duẩn. Có cảm tưởng đồng chí sinh ra để suy nghĩ, không suy nghĩ dường như không chịu nổi. Mỗi khi quá trình thực tiễn hoặc nhận thức có vấn đề nảy sinh ít nhiều quan trọng đối với sự nghiệp lớn, đồng chí Lê Duẩn đeo đuổi nó đến cùng.
Ðặc điểm ở đồng chí Lê Duẩn là không bao giờ tự thỏa mãn với những gì nhận thức đã đạt tới; không bao giờ cho là vấn đề đã xong xuôi. Chân lý, với đồng chí Lê Duẩn, là vô cùng tận, và do đó suy nghĩ không ngừng được đẩy tới, nâng lên. Ðồng chí Lê Duẩn vừa có tầm nhìn xa trông rộng, bao quát, vừa rất chú ý cái cụ thể, nhạy cảm với sự vật mới và có tài nắm bắt kịp thời cái mới khi vừa nảy sinh, từ đó sớm rút ra những kết luận cần thiết cho nhận thức và hành động. Có thể kể ra một vài trong vô số ví dụ: từ chiến thắng Bình Giã, Ba Gia của Quân giải phóng, Anh rút ra kết luận là Mỹ đã thất bại trong chiến lược “chiến tranh đặc biệt”; từ trận Vạn Tường, Anh kết luận ta hoàn toàn có khả năng đánh thắng quân Mỹ; sau chiến thắng Buôn Ma Thuột, đến giải phóng Huế có nghĩa giải phóng Ðà Nẵng; giải phóng Ðà Nẵng, Anh khẳng định ngay, có nghĩa giải phóng Sài Gòn. Và như vậy, thời cơ đẻ ra thời cơ, kế hoạch chiến lược toàn thắng hai năm 1975 – 1976 rút xuống một năm, rồi trước mùa mưa năm 1975, cuối cùng chỉ cần 56 ngày với phương châm hành động “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”. Như vậy, lệnh của Bác Hồ: “Vì độc lập, vì tự do; đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào!” được thực hiện trọn vẹn.
Ðồng chí Lê Duẩn thường nhắc: “Trong một hoàn cảnh lịch sử nhất định không phải chỉ có một khả năng mà luôn luôn có thể có nhiều khả năng tiến lên và sự vật tiến theo khả năng này hay khả năng kia còn tùy thuộc vào ý định con người… Sự phát triển của lịch sử là kết quả sự thống nhất biện chứng của nhân tố khách quan và chủ quan”. Ðồng chí Lê Duẩn cũng thường nói: Chính trị là nghệ thuật về các khả năng.
Với ý chí gang thép, dũng khí cách mạng kiên cường kết hợp thống nhất với tư duy khoa học, tính kiên định cách mạng thống nhất với tính uyển chuyển trong tư duy – đó là nguồn gốc sự sáng tạo cách mạng ở Anh Ba, và về mặt này, Anh là một trong những tấm gương sáng.
Vô cùng sắc sảo trong cách mạng dân tộc dân chủ, trong kháng chiến và chiến tranh nhân dân, tư duy sáng tạo của đồng chí Lê Duẩn cũng ghi những dấu ấn trong cách mạng xã hội chủ nghĩa mặc dù ở đây có mặt không thành công, nguyên nhân có nhiều và rất không đơn giản. Có điều khẳng định được là độc lập, tự chủ, sáng tạo, phong cách tư duy đó vẫn là nhất quán ở đồng chí Lê Duẩn. Trước sau đồng chí Lê Duẩn vẫn là kẻ thù không khoan nhượng với chủ nghĩa giáo điều, bệnh rập khuôn, sao chép, cũng như với chủ nghĩa kinh nghiệm, chủ nghĩa thực dụng thiển cận, vô nguyên tắc, với mọi khuynh hướng và biểu hiện xa rời chủ nghĩa Mác – Lê-nin. Ðiều thật sự tâm huyết ở đồng chí Lê Duẩn là cố gắng suy nghĩ cùng tập thể lãnh đạo tìm kiếm cho đất nước một mô hình đi lên chủ nghĩa xã hội phù hợp với đặc điểm xuất phát và những điều kiện lịch sử cụ thể Việt Nam. Những đặc thù này, Lê Duẩn luôn trăn trở, tìm tòi không chỉ về mặt kinh tế mà cả về các mặt truyền thống văn hóa – lịch sử và con người Việt Nam.
Trong tư duy chiến lược về cách mạng xã hội chủ nghĩa của đồng chí Lê Duẩn, vấn đề xây dựng và phát triển văn hóa, con người giữ vị trí hết sức trọng yếu. Trong bao nhiêu điều thường xuyên trăn trở ở Lê Duẩn, có một chủ đề lớn là con người Việt Nam, văn hóa Việt Nam, lịch sử dân tộc và truyền thống Việt Nam. Anh day dứt: Ta là người Việt Nam nhưng ta hiểu rõ ta không phải là dễ; hiện nay chưa phải là chúng ta đã hiểu người Việt Nam lắm đâu. Anh thường nói: Có lẽ do biết coi trọng đạo lý làm người và biết làm người mà dân tộc Việt Nam ta đã đấu tranh tồn tại được và trưởng thành nên một dân tộc độc lập, một quốc gia độc lập. Ðạo lý làm người đã hun đúc nên dân tộc Việt Nam và tạo cho dân tộc ta một sức sống mãnh liệt và cũng nhờ thế mà ngày nay chúng ta mới có được những trang lịch sử vô cùng oanh liệt và vẻ vang. Ðồng chí Lê Duẩn căn dặn các nhà sư phạm: Thầy giáo muốn dạy học tốt phải hiểu con người một cách sâu sắc. Hơn nữa, thầy giáo phải hiểu rõ hơn ai hết con người Việt Nam, lịch sử Việt Nam với tất cả truyền thống vẻ vang của dân tộc. Phải xuất phát từ những tư tưởng, tình cảm của thời đại và những vốn đã có của dân tộc và trên cơ sở ấy mà xây dựng tri thức, tình cảm cho học sinh phù hợp với giai đoạn mới của lịch sử. Dạy học tức là trang bị cho các em những tri thức khoa học, đồng thời phải rèn luyện các em về đạo đức. Cái gốc của đạo đức, của luân lý là lòng nhân ái. Những quan điểm nêu trên là những yếu tố hợp thành rất quan trọng trong tư duy sáng tạo của đồng chí Lê Duẩn trên lĩnh vực phát triển văn hóa và con người.
Trong cách mạng xã hội chủ nghĩa, phải nói “bước đi ban đầu” là một khái niệm làm nổi bật tư duy sáng tạo ở đồng chí Lê Duẩn làm nức lòng giới lý luận đầu những năm 70 thế kỷ 20. Rất tiếc, khái niệm này bị chìm đi tại Ðại hội IV (năm 1976) trong không khí chung say sưa vì thắng lợi. Ðến Ðại hội V của Ðảng (năm 1982), tư tưởng về “bước đi ban đầu” được trở lại cùng với sự tự phê bình khuyết điểm chủ quan nóng vội trong xây dựng và phát triển, bảo thủ trì trệ trong cơ chế quản lý, đồng thời có một số điều chỉnh bước đầu về cơ cấu và cơ chế kinh tế. Ðại hội V về mặt này cùng với Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa IV (năm 1979) “làm cho sản xuất bung ra”, Chỉ thị 100 của Ban Bí thư Trung ương về khoán sản phẩm trong nông nghiệp (năm 1981), v.v. được coi là những tín hiệu đổi mới đầu tiên, nhưng phải đến Ðại hội VI (năm 1986) mới đạt tới bước ngoặt thật sự mở ra công cuộc đổi mới. Ðại hội VII rất quan trọng ở chỗ đã vạch ra đường lối chung, cơ bản cho toàn bộ sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa, từ đó chỉ đạo cho công cuộc đổi mới. Với Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, trong đó tư tưởng “bước đi ban đầu” dưới thuật ngữ “chặng đường đầu tiên” được thật sự trở lại với nội dung có phát triển mới và đến Ðại hội VIII thì những mục tiêu của chặng đường này đã được thực hiện.
Tư duy chính trị lý luận sáng tạo là nét rất nổi bật ở đồng chí Lê Duẩn – cái tư chất đó đã góp phần quyết định những công lao to lớn đưa Lê Duẩn đi vào lịch sử như một trong những lãnh tụ lỗi lạc của cách mạng Việt Nam, của dân tộc Việt Nam ở thế kỷ 20, của Ðảng ta – Ðảng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
(1) Lê Duẩn: Dưới lá cờ vẻ vang của Ðảng, vì độc lập, tự do, vì chủ nghĩa xã hội, tiến lên giành những thắng lợi mới, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1970, tr. 32, 33.
(2) Lê Duẩn: Sđd, tr. 33.
(3) Báo Nhân Dân, ngày 16-7-1986.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()