Lễ cấp sắc: Đánh dấu sự trưởng thành của người đàn ông dân tộc Dao
–Đối với người đàn ông dân tộc Dao, cấp sắc là nghi lễ bắt buộc để công nhận sự trưởng thành. Nếu người đàn ông nào chưa thực hiện nghi lễ này thì dù lớn tuổi đến đâu vẫn chỉ được coi là chưa trưởng thành và không được tham gia các công việc hệ trọng của cộng đồng. Chính vì vậy, lễ cấp sắc là nghi lễ quan trọng của người Dao hiện còn được gìn giữ và lưu truyền.
Các thầy cúng và người cấp được cấp sắc thực hiện lễ khai màn cho lễ cấp sắc
Trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, cộng đồng dân tộc Dao chiếm khoảng 3,6% dân số toàn tỉnh, gồm có 4 nhóm chính: Dao Lù Gang, Dao Đỏ, Dao Thanh Y và Dao Lù Đạng (hay còn gọi là Dao Coóc Mần). Các nhóm người Dao sinh sống rải rác tại các huyện như: Dao Lù gang tại huyện Lộc Bình, Bắc Sơn; Dao Thanh Y tại huyện Đình Lập; Dao Đỏ tại huyện Tràng Định và Dao Lù Đạng tại huyện Hữu Lũng, Bình Gia. Tuy mỗi nhóm Dao đều có trang phục truyền thống, nét văn hoá, phong tục tập quán có nhiều điểm khác biệt nhưng lại có chung một quan điểm là người đàn ông của dân tộc họ đều phải làm lễ cấp sắc.
Nghi lễ cấp sắc đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Dao. Đây là một nghi lễ mang đậm dấu ấn lịch sử, văn hóa, có tính chất giáo dục cao đối với thế hệ trẻ. Lễ cấp sắc vì vậy trở thành niềm tự hào của cộng đồng người Dao ở Lạng Sơn nói riêng và cộng đồng người Dao nói chung.
Trình tự của nghi lễ cấp sắc được thực hiện các bước cơ bản gồm: lễ trình diện của người được cấp sắc; lễ cấp đèn và hạ đèn; lễ đặt pháp danh; lễ giao âm binh và gạo nuôi quân; lễ qua cầu; lễ cấp dụng cụ cúng bái; lễ truyền pháp lực; lễ cúng thần mặt trời. Cúng Bàn Vương là lễ chung cho lễ cấp sắc ở các cấp bậc 3 đèn, 7 đèn và 12 đèn. Trong trường hợp làm lễ cấp sắc từ 7 đèn trở lên thì tiếp tục làm các nghi lễ tiếp theo: lễ tơ hồng, lễ cúng hồn lúa, lễ thăm thiên đình và lễ thăng đàn. Trong suốt thời gian diễn ra nghi lễ, từng “hoạt cảnh” linh thiêng, huyền bí được các thầy cúng và người được cấp sắc diễn xướng trong tiếng chuông, trống, tiếng kèn đồng… Các thầy cúng thay nhau đọc về lịch sử, cội nguồn, quá trình thiên di của người Dao, những khó khăn khi vượt sông, biển tìm về miền đất mới. Thể hiện nét đẹp truyền thống đặc sắc, quý giá của người dân tộc Dao.
Từ nhiều năm nay, nghi lễ cấp sắc trong đồng bào người Dao ở Lạng Sơn đã có sự cải biến phù hợp. Bản sắc gốc được gìn giữ, lưu truyền, song cách làm được thực hiện phù hợp hơn với tâm lý, tình cảm của mọi người trong cộng đồng. Một số nghi lễ như nhảy múa thì được tối giản hơn, tạo điều kiện cho những người già hay những người không thể nhảy múa.
Những ngày cuối năm, theo hướng dẫn của cán bộ văn hoá xã, chúng tôi có mặt ở gia đình anh Bàn Phúc Thắng, thôn Làng Chu, xã Nhất Tiến, huyện Bắc Sơn để tận mắt chứng kiến công đoạn của lễ cấp sắc 7 đèn và 3 đèn của người Dao Lù Gang. Trong đó, anh Bàn Phúc Thắng (sinh năm 1973) làm lễ cấp sắc 7 đèn còn anh Bàn Phúc Lý (sinh năm 1988) và Bàn Phúc Báo (sinh năm 1990) làm lễ 3 đèn. Anh Bàn Phúc Thắng cho biết: Để có lợn, gà, rượu và tiền làm lễ, gia đình đã chuẩn bị trước đó mấy tháng. Rồi mời anh em họ hàng, làng xóm đến phụ giúp việc thịt lợn, gà và nấu ăn phục vụ trong thời gian thực hiện nghi lễ. Làm lễ cấp sắc bậc càng cao thì cần nhiều lễ vật, nhiều chi phí hơn. Do vậy công tác chuẩn bị phải chu đáo, cẩn thận không để thiếu các đồ lễ, tiền cảm ơn cho thầy và tổ chức những bữa ăn khao làng.
Ông Bàn Nho Hiển (sinh năm 1948), thôn Làng Chu, xã Nhất Tiến, huyện Bắc Sơn là một trong những thầy cúng có địa vị, chức sắc cao nhất của người Dao Lù Gang hiện nay ở khu vực các xã: Nhất Tiến, Nhất Hoà, Tân Thành (Bắc Sơn). Theo ông Hiển, lễ cấp sắc của người Dao nói chung và người Dao Lù Gang nói riêng thường được diễn ra trong khoảng thời gian từ tháng 10 năm trước đến tháng Giêng năm sau. Người đàn ông Dao Lù Gang được làm lễ cấp sắc phải là người đã lập gia đình có đầy đủ vợ, con. Lễ cấp sắc thường được thực hiện từ 1 đến 5 ngày (hiện nay đa số là thực hiện trong 2 ngày 1 đêm). Lễ cấp sắc của Dao Lù Gang có ba cấp bậc để thực hành nghi lễ, gồm cấp 3 đèn, 7 đèn và 12 đèn. Mỗi cấp bậc phản ánh một ý nghĩa và trình độ khác nhau. Nguyên tắc đối với người phụ nữ Dao Lù Gang có chồng được làm lễ cấp sắc là không được quan hệ vợ chồng trong thời gian từ một tuần trở lên. Trong suốt buổi lễ, người được cấp sắc không được đứng gần phụ nữ (kể cả các cháu gái nhỏ tuổi), người vợ của họ cũng không giao tiếp và không đứng gần đàn ông.
Hay như nhóm Dao Thanh Y, lễ cấp sắc của họ cũng được thực hiện trong 2 ngày 1 đêm với nhiều bước như: chuẩn bị, khai đàn, đặt tên âm, khao quân, tạ ơn tổ tiên và thần linh. Sau lễ cấp sắc, tất cả các thành viên dự buổi lễ sẽ được thụ lộc và cùng nhau quây quần bên mâm cỗ ấm cúng mà gia đình đã chuẩn bị để khao làng. Khác với nhóm Dao Lù Gang, lễ cấp sắc của Dao Thanh Y được tổ chức một lần duy nhất trong đời. Đàn ông Dao Thanh Y đã qua cấp sắc cũng được coi là người trưởng thành, được phép tham gia vào những công việc hệ trọng của làng, đủ tư cách thắp hương bàn thờ các ngày lễ tết, cúng tổ tiên, đi cúng cầu may, cầu mùa cho hàng xóm…
Còn đối với nhóm Dao Đỏ, lễ cấp sắc cũng phải tuân thủ từ trên xuống theo thứ tự huyết thống, người đàn ông có vợ thường được cấp sắc trước. Mỗi đợt cấp sắc sẽ được cấp tối đa cho 13 người. Người phụ nữ Dao Đỏ khi có chồng làm lễ cấp sắc phải trùm kín đầu bằng chiếc khăn đỏ suốt buổi lễ. Người được cấp sắc đặc biệt lưu ý phần mũ đội trên đầu, vì theo quan niệm đó là nơi thần linh trú ngụ.
Ông Hoàng Văn Páo, Chủ tịch Hội Di sản văn hoá tỉnh cho biết: Lễ cấp sắc của người Dao nói chung tại Lạng Sơn trong những năm qua đã và đang được lưu giữ, bảo tồn qua các thế hệ trong cộng đồng người Dao. Đó là văn hoá tín ngưỡng thể hiện được những giá trị tốt đẹp về ghi nhớ cội nguồn, dân tộc và giáo dục con người hướng đến những điều tốt đẹp. Do đó, trong thời gian tới, việc bảo tồn, gìn giữ những nét đặc trưng và truyền thống của nghi lễ cần được các cấp chính quyền, các ngành quan tâm để khuyến khích, hỗ trợ cộng đồng Dao thực hiện và duy trì.
Lễ cấp sắc của người Dao mang tính truyền thống dân tộc rất cao, thể hiện ở các điều, giáo huấn ghi trong sắc cấp. Không chỉ công phu, hoành tráng, lễ cấp sắc mang một ý nghĩ lớn như một tấm thẻ vào đời của người Dao trưởng thành với đầy đủ trách nhiệm và quyền lợi của công dân. Quan trọng nhất là người được cấp sắc bước ra ngoài đời tuyệt đối không được làm điều xấu, điều ác mà hướng con cháu tới sự chân – thiện – mỹ. Sâu xa trong truyền thống cấp sắc của người Dao chính là giáo dục con người ghi nhớ cội nguồn của tổ tiên, dân tộc. Trong xu thế hội nhập hiện nay, nghi lễ cấp sắc đã có một số biến đổi nhưng nội dung chính và ý nghĩa của nó thì vẫn được bảo lưu, tạo nên nét đặc trưng trong văn hóa cộng đồng người Dao tại Lạng Sơn.
ĐĂNG THÙY
Ý kiến ()