Lấy ý kiến về báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết 49
Ngày 7/12, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội nghị lấy ý kiến đóng góp Dự thảo Báo cáo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 khu vực phía Bắc.
Ngày 7/12, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội nghị lấy ý kiến đóng góp Dự thảo Báo cáo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 khu vực phía Bắc.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương; ông Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình đồng chủ trì hội nghị.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương biểu dương các bộ, ngành trong quá trình tiến hành tổng kết chiến lược cải cách tư pháp theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, với tinh thần trách nhiệm cao.
Chủ tịch nước nhấn mạnh chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản đề ra là một quyết định mang tính lịch sử, được thể chế hóa trong Hiến Pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001).
Thực hiện chủ trương này, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 49-NQ/TW về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Thực hiện chiến lược có ý nghĩa đặc biệt quan trọng này sẽ tạo ra bước ngoặt cho nền tư pháp nước nhà với mục tiêu đề ra: “Xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.” Đây là một trong những yêu cầu cơ bản của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Chủ tịch nước cho rằng qua 8 năm triển khai thực hiện với sự triển khai đồng bộ nên đã đạt được những kết quả bước đầu, thành tựu của cách tư pháp đã có tác động tích cực đến đời sống xã hội, đời sống chính trị-pháp lý của đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh đó, việc thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp cũng đặt ra nhiều vấn đề cần tiếp tục giải quyết để kịp thời điều chỉnh phù hợp với giai đoạn mới.
Tham luận và thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung làm rõ việc triển khai thực hiện Nghị quyết thời gian qua trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá kỹ kết quả thực hiện các quan điểm, mục tiêu, yêu cầu, từng nhiệm vụ cụ thể của công tác cải cách tư pháp, các công việc đã làm được, chưa hoặc không làm được, những vấn đề không còn phù hợp, hoặc ý kiến còn khác nhau, rút ra những bài học kinh nghiệm.
Đặc biệt, các đại biểu thảo luận điều chỉnh, bổ sung một số nội dung về quan điểm, phương hướng, nhiệm vụ cải cách tư pháp và hoạt động của các cơ quan tư pháp như Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, tổ chức lại cơ quan điều tra…Nhằm phù hợp với các văn kiện của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Hiến pháp 1992 sửa đổi 2013 vừa được thông qua, để có định hướng, xây dựng lộ trình và biện pháp thực hiện với tình hình thực tế của đất nước trong thời gian tới.
Hội nghị sẽ tiếp tục được tổ chức lấy ý kiến đóng góp của đại diện các tỉnh khu vực phía Nam trong tuần tới./.
Theo vietnamplus.vn
Ý kiến ()