Lấy ý kiến vào dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi)
LSO-Hôm nay (10/10), Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi).
Ông Dương Xuân Hòa, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu tiếp thu ý kiến
Ông Dương Xuân Hòa, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; ông Lý Đức Thanh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh đồng chủ trì hội nghị.
Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đang được lấy ý kiến với các nội dung quan trọng như: quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động; thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa; tuổi nghỉ hưu; tiền lương; tranh chấp lao động tập thể và đình công; thời gian làm việc bình thường…
Tại hội nghị, các đại biểu đã phát biểu đóng góp ý kiến tập trung vào các vấn đề như: đề xuất một số giải pháp ngăn ngừa xảy ra tranh chấp lao động và đình công; bổ sung các điều: 90, 91, 93 và kiến nghị một số bất cập trong quá trình xây dựng thang lương, bảng lương và nâng lương cho người lao động; đề nghị khi xem xét việc nâng lương tối thiểu hằng năm cần xem xét đến những khó khăn của doanh nghiệp. Riêng quy định về ngày nghỉ lễ hằng năm, các ý kiến đều đồng tình tăng thêm 3 ngày nghỉ vào Quốc khách (2/9), ngày toàn dân đưa trẻ đến trường (5/9) và ngày Gia đình Việt Nam (28/6) là cần thiết để tạo điều kiện cho người lao động gần gũi, chăm sóc gia đình, tái tạo sức lao động.
Tham gia đóng góp vào quy định về làm thêm giờ, hầu hết các đại biểu thống nhất với phương án 1 là quy định theo hướng giữ khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa như hiện nay là 300 giờ/năm, tức 44 giờ/tuần. Đối với quy định về tuổi nghỉ hưu, nhiều đại biểu cho rằng tuổi nghỉ hưu của người lao động điều chỉnh theo lộ trình là 62 tuổi đối với nam và đủ 60 tuổi đối với nữ là chưa phù hợp. Do đó, cần xem xét nghiên cứu độ tuổi nghỉ hưu tùy theo đặc thù ngành nghề.
Phát biểu tại hội nghị, ông Dương Xuân Hòa, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh khẳng định: Bộ luật Lao động có vai trò rất quan trọng, là cơ sở pháp lý bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người lao động và người sử dụng lao động, trực tiếp thúc đẩy thị trường lao động phát triển. Vì vậy, với các ý kiến đóng góp tại hội nghị, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh nghiêm túc tiếp thu, tổng hợp để trình Quốc hội nghiên cứu, xem xét sửa đổi, bổ sung phù hợp trước khi thông qua.
Ý kiến ()