Lấy ý kiến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Đảm bảo tiến độ, chất lượng và hiệu quả
– Thực hiện Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15 ngày 23/12/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các văn bản của Chính phủ về tổ chức thực hiện lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), UBND tỉnh đã ban hành các văn bản tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở. Đến nay, việc thực hiện lấy ý kiến đã được các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh triển khai đảm bảo chất lượng, hiệu quả, thu hút sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp Nhân dân.
Ông Bùi Văn Côi, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) nhấn mạnh: Với mục tiêu phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết, thể hiện ý chí, nguyện vọng của Nhân dân để hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, sở đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch số 17 ngày 17/1/2023 về tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trên địa bàn tỉnh. Thời gian bắt đầu lấy ý kiến từ ngày 3/1/2023 đến hết ngày 15/3/2023. Cùng đó, sở cũng phối hợp với các cơ quan như: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh… tổ chức lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đảm bảo dân chủ công khai.
Các đại biểu dự hội nghị lấy ý kiến đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại huyện Cao Lộc
Qua thực tiễn theo dõi, trên cơ sở dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và sự chỉ đạo của tỉnh, UBND các huyện, thành phố, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp đã thực hiện lấy ý kiến Nhân dân đồng bộ và chất lượng.
Khảo sát thực tế tại thành phố Lạng Sơn cho thấy, công tác tổ chức lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã nhận được sự quan tâm rất lớn của các cơ quan, đơn vị và tầng lớp Nhân dân. Theo thống kê sơ bộ của Phòng TN&MT thành phố, từ cuối tháng 1/2023 đến đầu tháng 3/2023, thành phố đã tổ chức được 35 hội nghị lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với tổng số 3.721 lượt người tham gia và 287 ý kiến đóng góp.
Ông Trần Văn Lằm, thôn Rọ Phải, xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn cho biết: Trong quá trình lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), xã Mai Pha đã tổ chức lấy ý kiến rất dân chủ, công khai. Tại hội nghị, tôi đã có các kiến nghị, cụ thể là: đối với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, khi Nhà nước công bố, cần tổ chức niêm yết công khai nhất là các quy hoạch sử dụng đất thực hiện các dự án đầu tư phát triển; về giá đất, khi tư vấn xác định giá đất, cần có đại diện người dân bị thu hồi đất tham gia để đóng góp ý kiến trước khi ban hành giá cụ thể.
Bà Trần Thị Mai Anh, Trưởng Phòng TN&MT thành phố Lạng Sơn cho biết: Thực tiễn thực hiện Luật Đất đai năm 2013 đã xảy ra một số bất cập, vướng mắc trong công tác quản lý đất đai, do đó việc tổ chức lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã nhận được sự quan tâm lớn của các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn. Các ý kiến đóng góp tập trung chủ yếu vào các nội dung: công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư, giá đất, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… Tất cả các ý kiến đóng góp của Nhân dân đều được phòng tiếp thu, tổng hợp, gửi cấp có thẩm quyền theo đúng quy định.
Tương tự thành phố Lạng Sơn, tại các huyện như: Cao Lộc, Chi Lăng, Hữu Lũng…, việc tổ chức lấy ý kiến cũng được UBND các huyện phối hợp với Ủy ban Mặt trận tổ quốc huyện triển khai thực hiện bảo đảm dân chủ, công khai. Các nội dung lấy ý kiến được đề cập phù hợp với thực tiễn công tác quản lý đất đai trên địa bàn và được Nhân dân rất quan tâm.
Cùng với các huyện, thành phố, hiện nay các sở, ngành liên quan của tỉnh cũng đang tích cực, khẩn trương lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Bà Hồ Thị Lan Anh, Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tỉnh cho biết: Sau khi nhận được Kế hoạch số 06 ngày 27/1/2023 của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao về việc tổ chức lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh đã ban hành công văn yêu cầu cán bộ, công chức triển khai thực hiện nghiêm túc. Cùng đó, đăng tải nội dung dự thảo lên Trang thông tin điện tử Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh để cán bộ, công chức nghiên cứu, tham gia đóng góp ý kiến. Kết quả, tính đến hết ngày 6/3/2023, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh đã tiếp nhận được 19 lượt ý kiến góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Qua nắm bắt tình hình thực hiện lấy ý kiến của Nhân dân vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nhận thấy các tầng lớp Nhân dân cơ bản đều đồng tình với các nội dung của dự thảo. Song song với đó cũng có các ý kiến đóng góp, bổ sung để hoàn thiện dự thảo. Theo thống kê sơ bộ, tính đến hết ngày 6/3/2023, 11/11 đơn vị cấp huyện đã xây dựng kế hoạch và tổ chức được 691 hội nghị lấy ý kiến góp ý; có 98/200 xã, thị trấn hoàn thành tổ chức hội nghị lấy ý kiến cấp xã; 21 cơ quan đơn vị cấp huyện tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý. Thông qua tổ chức hội nghị, hội thảo, các cơ quan từ cấp huyện đến các xã đã tiếp nhận được trên 1.000 lượt ý kiến đóng góp của Nhân dân vào dự thảo.
Hiện nay, các huyện, thành phố, các cơ quan, đơn vị vẫn đang tiếp tục tập trung lấy ý kiến Nhân dân vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Thời gian kết thúc là ngày 15/3/2023.
Từ những kết quả bước đầu trong thực hiện lấy ý kiến Nhân dân vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thời gian qua trên địa bàn tỉnh cho thấy, các cơ quan, đơn vị đã tổ chức thực hiện nghiêm túc, bảo đảm tiến độ, chất lượng. Công tác lấy ý kiến đã đáp ứng được các yêu cầu phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, thể hiện ý chí, nguyện vọng của Nhân dân. Đồng thời, tạo được sự thống nhất, đồng thuận của Nhân dân đối với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đất đai.
Đa dạng hình thức tuyên truyền, lấy ý kiến từ cơ sở
– Nhằm thực hiện có hiệu quả việc lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia thông qua nhiều hình thức.
Ông Phùng Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng: “Tăng cường tuyên truyền, đảm bảo phát huy quyền làm chủ của Nhân dân”
Liên quan đến việc thực hiện lấy ý kiến đóng góp của Nhân dân vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), UBND huyện đã ban hành kế hoạch, chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị liên quan, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn triển khai thực hiện. Cùng đó, huyện chỉ đạo Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông huyện tăng cường tuyên truyền trên trang thông tin điện tử của huyện, qua hệ thống loa phát thanh… đảm bảo phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Kết quả, từ ngày 3/1/2023 đến hết ngày 6/3/2023, trên địa bàn huyện đã tổ chức được 364 hội nghị với 357 lượt ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); xây dựng được 12 tin, bài với 32 lượt phát sóng tuyên truyền về nội dung liên quan đến lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Ông Ma Văn Đức, Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bình Gia: “Tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm để lấy ý kiến góp ý trực tiếp vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đảm bảo công khai, dân chủ”
Để thực hiện có hiệu quả việc lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Phòng Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND huyện ban hành kế hoạch, triển khai thực hiện đến 19/19 xã, thị trấn trên địa bàn. Cùng đó, phòng đã tham mưu UBND huyện chỉ đạo các cơ quan, tổ chức trên địa bàn tăng cường tuyên truyền nội dung dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), từ đó khẩn trương lấy ý kiến góp ý vào dự thảo… Đặc biệt, phòng đã tăng cường phối hợp tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm để Nhân dân được trực tiếp góp ý vào dự thảo … Trên cơ sở các ý kiến góp ý, phòng sẽ tiếp thu, tổng hợp, báo cáo UBND huyện đảm bảo đúng tiến độ và thời gian quy định. Theo số liệu thống kê sơ bộ, tính đến ngày 6/3/2023, toàn huyện đã tổ chức được 107 hội nghị, hội thảo lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với trên 6.300 lượt người tham dự.
Ông Trần Quốc Chính, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Xuân Long, huyện Cao Lộc: “Phát huy vai trò của đảng viên trong công tác tuyên truyền lấy ý kiến vào dự thảo Luật Đất Đai (sửa đổi)”
Thực hiện Kế hoạch số 44/KH-UBND ngày 13/2/2023 của UBND huyện Cao Lộc về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), UBND xã đã ban hành kế hoạch, triển khai đến 5/5 thôn của xã. Theo đó, UBND xã đã phối hợp tổ chức hội nghị lấy ý kiến trực tiếp vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Cùng đó, cấp ủy, chính quyền xã tổ chức triển khai nội dung lấy ý kiến vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đến từng chi bộ để các đảng viên tiên phong, gương mẫu thực hiện và tuyên truyền, vận động quần chúng Nhân dân tham gia cho ý kiến. Ngoài ra, xã cũng tiến hành tuyên truyền, phổ biến nội dung, hình thức lấy ý kiến góp ý vào dự thảo thông qua các nhóm zalo nội bộ, trên loa phát thanh (4 buổi/tuần)… Kết quả, tính đến ngày 6/3/2023, chính quyền xã đã tiếp nhận trực tiếp 5 ý kiến của Nhân dân góp ý. Ngoài ra, người dân thực hiện gửi ý kiến bằng hình thức trực tuyến qua Trang thông tin điện tử UBND huyện. Từ nay đến hết ngày 15/3, cấp ủy, chính quyền xã tiếp tục tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia góp ý vào dự thảo, trên cơ sở đó tổng hợp các ý kiến góp ý, gửi UBND huyện đảm bảo tiến độ, chất lượng, hiệu quả.
Ý kiến ()