Lấy thị trường để điều chỉnh lại sản xuất nông nghiệp
Thực tiễn nhiều năm qua, khi đất nước có những biến động về kinh tế-xã hội, nông nghiệp luôn là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế. Không chỉ vậy, đây là lĩnh vực còn nhiều tiềm năng phát triển.
Tuy nhiên, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội chỉ ra nhiều tồn tại, khó khăn của ngành nông nghiệp. Nổi cộm là vấn đề thị trường; giá vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi tăng cao; thiếu liên kết giữa sản xuất với chế biến, tiêu thụ…
Giá nông sản thấp nhưng tiêu thụ khó, chi phí cao
Nêu câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan, đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắc Nông) nhắc tới tình trạng nông nghiệp có phát triển nhưng đời sống người nông dân chưa cao; tình trạng được mùa mất giá và những cuộc giải cứu nông sản chưa có hồi kết; cơ chế, chính sách chưa đủ hấp dẫn để thu hút các nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp…
Còn đại biểu Chu Thị Hồng Thái (đoàn Lạng Sơn) quan tâm đến vấn đề giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống, thức ăn chăn nuôi cao, làm cho người nông dân rơi vào hoàn cảnh khó khăn, lấy công làm lãi, thậm chí thua lỗ. Vậy, Bộ trưởng có giải pháp gì để hỗ trợ nông dân yên tâm sản xuất?
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì, điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều 7-6. Ảnh: Trọng Hải |
Trong khi đó, đại biểu Hoàng Anh Công (đoàn Thái Nguyên) nêu những băn khoăn, lo lắng về tình trạng ùn tắc hàng nông sản xuất khẩu ở phía Bắc thời gian qua làm tăng chi phí, ảnh hưởng nhiều đến nền sản xuất nông nghiệp. Một trong những nguyên nhân là do chính sách nhập khẩu liên quan đến tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa nông sản phía Trung Quốc có nhiều thay đổi, đòi hỏi chất lượng nhập khẩu ngày càng cao hơn.
Đại biểu đặt câu hỏi, đâu là giải pháp để nâng cao chất lượng nông sản, xây dựng nền xuất khẩu bền vững? Tương tự, đại biểu Nguyễn Văn Thi (đoàn Bắc Giang) đề cập tới vấn đề trong những năm qua, kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam tương đối cao, tuy nhiên, chủ yếu vẫn là xuất khẩu thô, giá trị nông sản thấp. Đây chính là một trong những rào cản để phát triển nông nghiệp.
Về định hướng phát triển ngành nông nghiệp, đại biểu Trần Thị Kim Nhung (đoàn Quảng Ninh) nêu câu hỏi, từ khi giữ trọng trách “tư lệnh ngành” NN&PTNT đến nay, Bộ trưởng đã có những giải pháp cụ thể nào và sẽ có những giải pháp trọng tâm nào trong thời gian tới để cụ thể hóa, hiện thực hóa quan điểm kinh tế nông nghiệp?
Có cùng cách nhìn nhận như trên, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) nêu: “Chúng ta chung tay cho sứ mệnh đưa nông nghiệp nước nhà đến tầm cao mới, định hướng đổi mới nào Bộ trưởng đã, đang và sẽ thực hiện để đưa nông nghiệp nước nhà đến tầm cao mới”.
Tổ chức lại sản xuất để hạn chế rủi ro
Trước khi trả lời các câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Lê Minh Hoan bày tỏ chia sẻ với bà con nông dân, thời gian qua, dịch Covid-19 ảnh hưởng nhiều đến tình hình sản xuất nông nghiệp và đời sống của nông dân; tình trạng ùn ứ nông sản, đầu vào của ngành nông nghiệp đều tăng cao trong bối cảnh thị trường bị đứt gãy.
Bộ trưởng cảm ơn 14 triệu nông dân Việt Nam đã năng động, linh hoạt góp phần đóng góp vào kết quả xuất khẩu nông-lâm-thủy sản năm 2021 đạt 48,6 tỷ USD trong bối cảnh rất khó khăn.
Đại biểu Trần Thị Kim Nhung (đoàn Quảng Ninh) nêu câu hỏi chất vấn. Ảnh: Trọng Hải |
Đi vào những vấn đề cụ thể, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là đẩy mạnh chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, trong đó nhấn mạnh đến yếu tố thị trường.
Như vậy, về mặt vĩ mô, con đường phát triển nông nghiệp, nông thôn phía trước đã được xác lập, với những bước đi cụ thể, phù hợp trong từng giai đoạn, vấn đề còn lại là cách thức vận hành của cả hệ thống chính trị. “Chính sách vĩ mô được hoạch định từ cấp Trung ương nhưng tổ chức thực hiện lại bắt đầu từ cấp cơ sở. Điều đó cần đến sự phối hợp theo tư duy hệ thống và hành động hệ thống. Đó là yếu tố quyết định cho sự thành công”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Về tình trạng ùn ứ nông sản, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, cần phải nhìn nhận rõ thị trường Trung Quốc ngày càng “khó tính” hơn, trong khi nông dân Việt Nam vẫn quen đây là thị trường dễ tính. Để khống chế quy luật được mùa mất giá, ùn ứ nông sản, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, đây là quy luật kinh tế cung-cầu và phải khống chế quy luật này qua hai cách. Khi dư thừa thì phải tăng chế biến để giảm lượng đưa ra thị trường và chuẩn hóa sản phẩm nông sản để thị trường thông suốt.
“Giải pháp cho câu chuyện được mùa mất giá là tổ chức lại sản xuất một cách bài bản hơn, để hạn chế rủi ro trong vấn đề xuất khẩu nông sản; cần thông tin minh bạch về số lượng, mùa vụ và phân bổ phù hợp đối với từng thị trường, trong đó có thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu. Từ đó, định hướng, dẫn dắt nông dân thay đổi từ tư duy sản xuất sang kinh tế nông nghiệp”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho hay.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Bộ NN&PTNT cùng với các bộ, ngành có các đề xuất, giải pháp để chuyển dần xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch. Cùng với đó, bộ đã giao các viện nghiên cứu chuẩn hóa lại quy trình sản xuất, trồng trọt để giảm chi phí đầu vào. “Các nước đang hướng tới nền nông nghiệp ít hơn để được nhiều hơn. Tức là tối thiểu hóa chi phí và tối đa hóa lợi nhuận bằng khoa học nông nghiệp. Chúng ta cũng phải phấn đấu theo hướng này”.
Giải trình thêm về vấn đề thị trường cho nông sản, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, nông sản của Việt Nam đã vào được thị trường rất khó tính, như: Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, các nước phát triển. Điều đó chứng tỏ, những sản phẩm đi được là những sản phẩm đạt được tiêu chuẩn của thị trường.
Như vậy, người sản xuất đã quán triệt tinh thần bán những thứ thị trường cần chứ không phải cái mình có, sản xuất này đã đáp ứng được nhu cầu thị trường, đã theo tín hiệu thị trường. Thời gian tới, để hàng hóa nông sản Việt Nam tiến sâu vào thị trường thế giới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ NN&PTNT, các ngành chức năng làm thật tốt việc thông tin thị trường, định hướng sản xuất cho các vùng trồng, vùng nuôi và các địa phương; tiếp tục đẩy mạnh việc đàm phán, mở rộng thị trường, tận dụng lợi thế của các hiệp định thương mại tự do…
Với các địa phương, phải làm tốt việc quy hoạch vùng trồng, vùng nuôi, tổ chức sản xuất đạt chuẩn và theo tín hiệu thị trường, xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Liên quan tới vấn đề giá vật tư đầu vào tăng cao, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, đây là thực trạng phổ biến trên toàn cầu do đứt gãy nhiều chuỗi cung ứng, do lạm phát tăng cao bởi chính sách kích cầu của nhiều quốc gia.
Trước tình hình này, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, Bộ Công Thương thực hiện nhiều chính sách, đặc biệt là chính sách thuế, hay một số chính sách hỗ trợ trực tiếp, như: Giảm tiền điện, giảm lãi suất, hỗ trợ việc tìm kiếm những nguồn nguyên liệu thay thế, tăng cường việc kiểm tra, kiểm soát thị trường… để hạ chi phí đầu tư cho người dân, doanh nghiệp.
Theo Quandoinhandan
Ý kiến ()