Lấy sự hài lòng của cá nhân, tổ chức làm thước đo hiệu quả công tác cải cách hành chính
– Sáng nay (13/8), UBND tỉnh tổ chức Hội nghị trực tuyến 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) phân tích kết quả chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS) và chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) tỉnh Lạng Sơn năm 2020. Đồng chí Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
Cùng dự tại điểm cầu cấp tỉnh có lãnh đạo HĐND tỉnh; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh…
Các đại biểu tại điểm cầu tỉnh nghe báo cáo kết quả chỉ số SIPAS và PAR INDEX năm 2020 của tỉnh Lạng Sơn
Theo báo cáo của Sở Nội vụ, năm 2020, với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo UBND tỉnh; nỗ lực, quyết tâm của các cấp, ngành và sự ủng hộ của người dân, tổ chức, chỉ số PAR INDEX và chỉ số SIPAS của tỉnh đã được cải thiện về cả điểm số và xếp hạng.
Cụ thể năm 2020, chỉ số SIPAS được đánh giá dựa theo điều tra xã hội học kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) của 30 cơ quan, đơn vị (6 sở, 6 huyện và 18 xã, phường, thị trấn) với tổng số 454 phiếu khảo sát. Theo đó, kết quả đạt 83,97%, xếp hạng 39/63 tỉnh, thành phố, tăng 2,8% và tăng 7 bậc so với năm 2019. Trong 5 chỉ số thành phần của SIPAS 2020, có 3/5 chỉ số tăng cả về điểm và xếp hạng; 2/5 chỉ số giảm hạng (trong đó có 1 chỉ số giảm cả xếp hạng và điểm số).
Chỉ số PAR INDEX cấp tỉnh năm 2020 được Bộ Nội vụ phối hợp với các bộ, ngành, Trung ương thẩm định, đánh giá, công bố; nội dung đánh giá trên 8 lĩnh vực với 43 tiêu chí, 102 tiêu chí thành phần. Theo đó, Lạng Sơn đạt 83,80/100 điểm, đạt 83,80%, xếp hạng 36/63 tỉnh, thành phố, tăng 6 bậc so với năm 2019. Trong 8 chỉ số thành phần, có 4/8 chỉ số tăng cả về điểm số và xếp hạng; 1/8 chỉ số tăng điểm và giữ nguyên xếp hạng; 1/8 chỉ số tăng điểm nhưng giảm xếp hạng; 2/8 chỉ số thành phần giảm cả về điểm và xếp hạng so với năm 2019.
Tại hội nghị, đại diện các ngành, các cấp đã phát biểu ý kiến đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng hai chỉ số trên. Trong đó, tập trung vào các vấn đề như: cải cách thể chế, nâng cao chất lượng xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật; cải cách tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách TTHC, nâng cao mức độ hài lòng của người dân, tổ chức về TTHC; cải cách tài chính công; đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập; triển khai chính quyền điện tử, chính quyền số; cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; giải pháp của chính quyền cơ sở trong việc giải quyết các TTHC, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, tổ chức…
Đồng chí Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh phát biểu kết luận
Phát biểu kết luận, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, xã tiếp tục nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính (CCHC); hoàn thành kế hoạch, nhiệm vụ CCHC do UBND tỉnh ban hành, duy trì các chỉ số đạt điểm tối đa, thăng hạng các chỉ số còn thấp. Đồng thời, hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, tạo môi trường thông thoáng thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển; chú trọng công khai, minh bạch các TTHC.
Đồng chí nhấn mạnh: Các cơ quan, đơn vị cần kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy khoa học, hiệu quả, nâng cao năng lực, thái độ làm việc, phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tăng hiệu quả cải cách tài chính công; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số…
Ý kiến ()