Đó là đánh giá của đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) thảo luận ở tổ về Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2015; kết quả thực hiện 5 năm 2011-2015 và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2016-2020 của Chính phủ, sáng 24-3 tại Quốc hội.
Nguy cơ nợ công vẫn tăng cao
Cho rằng bên cạnh những thành tựu đạt được trong năm năm qua của Chính phủ, 16 chỉ tiêu đạt thì còn 10 chỉ tiêu chưa đạt được, trong đó có bội chi ngân sách và nợ công cao. Theo đại biểu Võ Thị Dung (TP Hồ Chí Minh), nợ công tăng nhanh, có nguyên nhân chủ quan là chưa quyết liệt trong các giải pháp đã đề ra; trong đó có việc tinh giản gọn bộ máy và chi tiêu thường xuyên. Bộ máy càng lớn, càng gánh nợ công, bội chi ngân sách.
Đồng tình mới mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn năm năm tiếp theo, đại biểu Võ Thị Dung cho rằng cần đưa ra các dự báo thật sát hơn.
Nhất trí với tám tồn tại trong báo cáo nhiệm kỳ của Chính phủ, tuy nhiên đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) cảnh báo đến tình hình nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài, cho dù trong giới hạn nhưng con số tuyệt đối đáng lo ngại.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, cần có giải pháp chi tiết hơn. Và phải đặt các giải pháp trong hai bối cảnh nền kinh tế nước ta đang hội nhập sâu rộng.
Về vấn đề nợ công, theo đại biểu Bùi Đức Thụ (Lai Châu), thì giảm nợ công trong điều kiện bội chi chưa thể giảm sốc ngay. Ông Thụ đề nghị phải bố trí hợp lý cho nợ công. Khi đảo nợ tăng lên thì nợ công vẫn tăng vọt, không có ý nghĩa gì. Nên phải trả nợ gốc bên cạnh trả lãi.
Đối với nợ Chính phủ thì giảm bằng cách nào? Theo ông Thụ, phải giảm nợ Chính phủ bảo lãnh, đồng thời nợ chính quyền địa phương phải kiểm soát chặt chẽ.
Nhìn nhận trong bối cảnh năm năm tới, đại biểu Bùi Đức Thụ nhận định, kinh tế nước ta còn chưa thoát khỏi những tồn tại năng suất lao động thấp, sức cạnh tranh của hàng hóa thấp trong khi hội nhập rộng, sức ép cạnh tranh tăng lên.
Ông Thụ cho biết, gần 800 doanh nghiệp thì có 95% là doanh nghiệp nhỏ và vừa với công tác quản trị kém, năng suất lao động thấp. Trong khi đó việc hội nhập kinh tế quốc tế là tất yếu, nhưng theo đại biểu Bùi Đức Thụ, trong lộ trình đó phải khắc phục tối đa những hạn chế, phát huy được những lợi thế, giữ được những lợi thế cốt yếu của nền kinh tế.
Theo đại biểu Bùi Đức Thụ, cần xác định rõ quan điểm phát triển, mục tiêu phát triển. Cụ thể, chúng ta cần tăng trưởng nhanh hay chú trọng ổn định kinh tế vĩ mô là hàng đầu.
“Quan điểm của tôi là không thể tăng trưởng nóng được. Phải lấy phát triển ổn định lâu dài làm định hướng chính chứ không phải là phát triển nhất thời trong một hai năm. Điều kiện tiên quyết là phải luôn kiên trì giữ vững những cân đối lớn” – ông Thụ bày tỏ.
Biến đổi khí hậu, vấn đề không mới
Nhìn nhận nông nghiệp chất lượng cao là vấn đề không mới theo chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước, đại biểu Lê Thanh Hải (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, trong tình hình biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn như hiện nay thì đây là nguy cơ lớn và lâu dài.
“Đây là đòi hỏi cấp bách, chúng ta cần sớm có chính sách mạnh mẽ, đột phá cho vấn đề này” – ông Hải ý kiến.
Nhìn nhận về phương hướng phát triển trong năm năm tới, đại biểu Trần Du Lịch lo ngại việc chúng ta có thể tiến hành tái cơ cấu nông nghiệp và công nghiệp một cách căn bản để thay đổi không?
Theo vị đại biểu và cũng là chuyên gia kinh tế này, thì bài toán nông nghiệp hiện đang nổi lên hai điểm, đó là rủi ro về thị trường và rủi ro về biến đổi khí hậu.
“Vậy, liệu chúng ta có vượt qua không?” – ông Lịch băn khoăn.
Trong khi đó, đại biểu Đỗ Văn Đương (TP Hồ Chí Minh) cho biết, hiện nay toàn bộ vùng đồng bằng sông Cửu Long đang được coi là vựa lúa của cả nước nhưng trong năm nay thất thu hàng triệu tấn lúa.
“Do đó nếu không dự báo chính xác và có tầm nhìn dài hạn để đầu tư phát triển bền vững vào vùng lúa này, thì đến lúc nào đó chúng ta sẽ thật sự trắng tay” – ông Đương nói.
Đại biểu Đỗ Văn Đương cho rằng, trong khi các quốc gia phía thượng nguồn đồng loạt xây thủy điện gây ra cạn kiệt nguồn nước. Cùng với đó, thiên tai do nước biển dâng khiến khu vực này bị xâm ngập mặn.
“Cần phải đắp đê bao đồng loạt hoặc chuyển đổi cơ chế vật nuôi cây trồng, từ trồng lúa sang nuôi trồng thủy sản. Cùng với đó cơ quan chức năng cần sớm nghiên cứu cho ra được giống lúa chịu mặn” – ông Đương đề nghị.
Ý kiến ()