Lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể trong chuyển đổi số
- Chiều 10/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số chủ trì hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 về chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06 của Chính phủ. Cùng dự có Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số. Hội nghị được tổ chức trực tuyến tới các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố.
Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn có đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số tỉnh, Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Đề án 06 tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, 6 tháng đầu năm 2024, lĩnh vực chuyển đổi số đạt được nhiều kết quả nổi bật. Cụ thể, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình (trên tổng số hồ sơ thủ tục hành chính) cả nước đạt 42% (cuối năm 2023 là 17%); kinh tế số ước đạt tăng trưởng 22,4% và tỷ trọng kinh tế số trong GDP ước đạt 18,3%; doanh thu lĩnh vực công nghệ thông tin (kinh tế số ICT) tăng trưởng 26% so với cùng kỳ năm 2023; doanh số trên sàn giao dịch bán lẻ trực tuyến tăng 80%; số lượng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tăng 8%; giao dịch chia sẻ dữ liệu giữa các nền tảng, hệ thống thông tin qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia tăng 67%...
Về Đề án 06, theo báo cáo của Bộ Công an, trong 6 tháng vừa qua đã có những đột phá, cụ thể: đã đơn giản hoá gần 800/1.000 thủ tục hành chính liên quan đến quản lý dân cư; cổng dịch vụ công quốc gia cung cấp hơn 4.500 dịch vụ công trực tuyến; có 16,39 triệu tài khoản và 28,8 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền trên 14.500 tỷ đồng; 63/63 địa phương thực hiện chi trả an sinh xã hội qua tài khoản cho hơn 1,9 triệu người với số tiền trên 8.200 tỷ đồng; Bộ Công an đã kích hoạt trên 55,2 triệu tài khoản định danh điện tử, cung cấp 10 tiện ích trên VneID;..
Đối với tỉnh Lạng Sơn, trong 6 tháng đầu năm 2024, công tác chuyển đổi số và triển khai Đề án 06 được Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh tiếp tục quan tâm chỉ đạo thực hiện; các nhiệm vụ, giải pháp được các cấp, ngành, địa phương triển khai toàn diện, hiệu quả và đạt nhiều kết quả nổi bật. Trong đó, số hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính được số hoá là 818.000/879.000 hồ sơ; mạng lưới viễn thông của tỉnh được duy trì kết nối thông suốt 3 cấp, 100% xã, phường, thị trấn được phủ sóng di động, internet tốc độ cao; toàn tỉnh có trên 72% người trưởng thành có tài khoản thanh toán điện tử; trên 90% điểm kinh doanh cố định có dịch vụ thanh toán qua mã QR Code; 100% doanh nghiệp khai báo hóa đơn điện tử; tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp nộp qua mạng đạt 100%...
Tại hội nghị, đại biểu các bộ ngành, địa phương đã báo cáo, làm rõ những kết quả, bài học kinh nghiệm cùng những khó khăn, vướng mắc và giải pháp trong thời gian tới trong công tác chuyển đổi số và Đề án 06.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt của các bộ ngành địa phương, sự đồng lòng tham gia của người dân và doanh nghiệp trong thời gian qua.
Đồng chí chỉ ra những hạn chế, tồn tại và bài học kinh nghiệm cần lưu ý. Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ ngành, địa phương cần tiếp tục nâng cao nhận thức, vai trò vị trí, tầm quan trọng của chuyển đổi số; lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể trong chuyển đổi số; tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu của các bộ ngành, địa phương, đồng thời chia sẻ những dữ liệu này theo quy định; trưởng các bộ ngành, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố cần trực tiếp quán triệt, tổ chức, thúc đẩy công tác chuyển đổi số với tinh thần và quyết tâm cao, coi đây là động lực quan trọng để tăng trưởng; phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu chuyển đổi số vào năm 2025.
Thủ tướng Chính phủ cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ ngành liên quan, yêu cầu các đơn vị khẩn trương giải quyết các vấn đề, đạt hiệu quả, yêu cầu đề ra.
Ý kiến ()