Lật tẩy chiêu trò "thổi giá" trong đấu giá đất
Thời gian qua, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội có nhiều chỉ đạo nhanh chóng, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc giúp các địa phương tổ chức đấu giá đất để bổ sung nguồn thu cho ngân sách đầu tư phát triển kinh tế-xã hội; đồng thời giúp người dân có nhu cầu cải thiện chỗ ở, phát triển lành mạnh thị trường bất động sản. Tuy nhiên, các hội nhóm đã lợi dụng kẽ hở, cấu kết “thổi giá” đất đấu giá để trục lợi, gây hoang mang cho người dân, nhiễu loạn thị trường. Các chiêu trò "thổi giá" đang được các cơ quan chức năng làm rõ, từng bước bị lật tẩy.
Từ đầu năm 2024 đến nay, giá bất động sản, nhất là giá bán căn hộ chung cư trên thị trường Hà Nội liên tục tăng cao. Công tác đấu giá đất cũng sôi động trở lại, với nhiều phiên đấu giá thu hút đông đảo người dân tham gia. Tuy nhiên, không ít phiên đấu giá xuất hiện mức trúng đấu giá cao bất thường, khiến người dân hoang mang, không biết đâu là giá trị thật của bất động sản trong khu vực.
Anh Nguyễn Văn Hà, người dân sinh sống tại thị trấn Phúc Thọ cho biết, gia đình anh có nhu cầu mua đất để cho con trai lập gia đình riêng. Anh đã tìm hiểu rất kỹ các thửa đất trong khu dân cư trên địa bàn xã Trạch Mỹ Lộc, có hạ tầng tương đối tốt, có mức giá khoảng 25-32 triệu đồng/m2.
Tuy nhiên, từ khi các phiên đấu giá đất tại khu Dộc Tranh, xã Trạch Mỹ Lộc diễn ra, với mức trả giá rất cao, từ 50, 60, rồi 70, 75 triệu đồng/m2, mỗi thửa đất rộng từ 100-150 m2, tương đương gần 10 tỷ đồng/thửa đất, khiến thị trường bất động sản khu vực chung quanh khu đấu giá “hỗn loạn”.
Người bán đất “chạy theo” giá đất khu đấu giá, liên tục nâng giá bán lên gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi, vượt quá khả năng kinh tế của người có nhu cầu đất ở hoặc dừng giao dịch khiến gia đình anh không thể mua được đất ở mới. Giấc mơ mua đất, xây dựng nhà để con trai sang năm cưới vợ có chỗ ở riêng đành phải gác lại.
Trước đó, người dân ở huyện Thanh Oai cũng sửng sốt khi phiên đấu giá 68 thửa đất thôn Thanh Thần, xã Thanh Cao, có mức trúng đấu giá từ hơn 51 triệu đến hơn 100 triệu đồng/m2, cao gấp 6-8 lần so giá khởi điểm.
Hay, tại huyện Hoài Đức, 19 thửa đất ở xã Tiền Yên trải qua phiên đấu giá kéo dài xuyên đêm có giá trúng đấu giá cao nhất hơn 133 triệu đồng/m2, giá thấp nhất là 91,3 triệu đồng/m2... Ngay bên lề các cuộc đấu giá, nhiều cuộc mua bán các suất trúng đấu giá cũng diễn ra, với mức chênh lệch hàng trăm triệu đồng.
Tuy nhiên, phần lớn những thửa đất đấu giá có mức trả giá cao bất thường sau đó phải tổ chức đấu giá lại khi người trúng đấu giá không hoàn thành nghĩa vụ tài chính, chấp nhận bỏ tiền đặt cọc.
Đặc biệt, các cơ quan chức năng của thành phố đã nhanh chóng vào cuộc, làm rõ các tồn tại, hạn chế trong các phiên đấu giá. Cụ thể, cuối năm 2023, phiên đấu giá quyền sử dụng hơn 9.660m2 đất ở quận Bắc Từ Liêm cũng gây bất ngờ sau khi trải qua 7 “vòng đấu”, giá trúng đấu giá với giá chỉ hơn 114 triệu đồng/m2, cao hơn giá khởi điểm 1,8 triệu đồng/m2. Ngay sau đó, Thanh tra thành phố Hà Nội vào cuộc, chỉ rõ nhiều tồn tại trong quá trình đấu giá và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã không công nhận kết quả đấu giá.
Điển hình là ngày 3/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an thành phố Hà Nội) đã ra Lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, Lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, Quyết định tạm giữ đối với các đối tượng liên quan vi phạm quy định đấu giá quyền sử dụng đất ở tại Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật chỉnh trang, phát triển khu dân cư nông thôn tại thôn Đông Lai, xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn.
Các đối tượng bị bắt gồm: Phạm Ngọc Tuấn (trú ở thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, Hà Nội); Nguyễn Thị Quỳnh Liên (trú ở xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh, Hà Nội); Ngô Văn Dương (trú ở xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh, Hà Nội); Nguyễn Đức Thành (trú ở phường Vân Dương, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh); Nguyễn Thế Trung và Nguyễn Thế Quân (cùng trú tại xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh, Hà Nội).
Trước đó, căn cứ Quyết định số 1467/QĐ-UBND ngày 19-3-2024 của UBND TP Hà Nội về việc giao 15.868,8m2 đất tại xã Quang Tiến cho UBND huyện Sóc Sơn để thực hiện Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật chỉnh trang, phát triển khu dân cư nông thôn tại thôn Đông Lai, xã Quang Tiến, UBND huyện Sóc Sơn đã ban hành các quyết định về việc đấu giá quyền sử dụng đất ở tại thôn Đông Lai và phê duyệt phương án đấu giá quyền sử dụng đất ở tại thôn Đông Lai.
Nội dung là tổ chức đấu giá 58 thửa đất, diện tích từ 90-224m2 tại thôn Đông Lai, giá khởi điểm 2.488.000 đồng/m2; bước giá 3.000.000 đồng/m2; tiền cọc đấu giá từ 44 triệu đồng-111 triệu đồng (bằng 20% giá trị thửa đất đấu giá theo giá khởi điểm); đấu giá 6 vòng bắt buộc tại Nhà thi đấu huyện Sóc Sơn vào ngày 29/11/2024; do Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Sóc Sơn phối hợp Công ty đấu giá hợp danh Thanh Xuân thực hiện.
Thông tin ban đầu, Phạm Ngọc Tuấn biết thông tin về cuộc đấu giá 58 thửa đất, tại thôn Đông Lai, giá khởi điểm 2.488.000 đồng/m2; bước giá 3.000.000 đồng/m2; tiền cọc đấu giá từ 44 triệu đồng-111 triệu đồng; đấu giá 6 vòng bắt buộc tổ chức ngày 29/11/2024, nên nhờ Ngô Văn Dương mua hồ sơ đấu giá.
Do đã có kinh nghiệm trong việc thẩm định giá đất, Tuấn mua hồ sơ và tìm hiểu thông tin các thửa đất sẽ tiến hành đấu giá và xác định mức giá có thể đưa ra để mua đối với từng thửa đất. Bên cạnh đó, các đối tượng cũng gặp nhau để cùng nghiên cứu thể lệ đấu giá và các quy định pháp luật về việc đấu giá, sau đó trao đổi thống nhất thực hiện việc đấu giá.
Tuấn đưa bảng giá tham khảo đối với từng lô đất do Tuấn đã làm từ trước, là giá cao nhất có thể mua của từng lô đất. Trường hợp ở vòng thứ 4 mà người đấu giá đang trả giá cao nhất, nhưng dưới mức giá Tuấn đã ghi trong bảng tính thì các đối tượng Dương, Liên, Thành, Quân và Trung mới tham gia tiếp vòng thứ 5 và vòng thứ 6, nhưng không được trả giá vượt quá giá trị do Tuấn đã thẩm định.
Theo quy định, nếu đến vòng thứ 4 mà có người trả giá vượt mức giá tối đa do Tuấn đưa ra thì người tham gia đấu giá sẽ phải đưa giá cao bất thường tại vòng thứ 5 và bỏ đấu giá tại vòng cuối cùng. Nếu vậy, 6 người tham gia sẽ không mất tiền đặt cọc và việc đấu giá lô đất trên sẽ buộc phải dừng lại để tổ chức đấu giá lại lần sau do không đấu giá đủ 6 vòng theo quy chế. Khi đó 6 người tham gia đấu giá sẽ có cơ hội tiếp tục tham gia đấu giá để mua lô đất như ý đồ.
Thực hiện theo ý đồ này, các đối tượng đã đăng ký đấu giá 58/58 lô đất tại cuộc đấu giá. Ban đầu, các đối tượng đấu giá theo trình tự giá đạt mức có thể mua được, nhưng khi phát hiện giá đấu của 36/58 lô đất vượt mức tối đa đã thống nhất, trong thời gian đơn vị tổ chức kiểm duyệt phiếu vòng 4, Tuấn đã ra ngoài gặp các đối tượng và yêu cầu đưa ra giá rất cao tại vòng thứ năm (khoảng 100 triệu-200 triệu đồng/m2), sau đó bỏ vòng đấu giá cuối cùng đối với các thửa đất đã đăng ký đấu giá. Các đối tượng đã đồng ý và cùng thực hiện việc nâng giá.
Do biết không thể thoát tội, ngày 2/12, Ngô Văn Dương và Nguyễn Thị Quỳnh Liên đã đầu thú và thành khẩn khai báo hành vi phạm tội của bản thân với Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Hà Nội.
Thực tế tại phiên đấu giá ngày 29/11/2024, tại vòng đấu giá thứ 5 các đối tượng đã đưa ra mức giá rất cao, vượt xa giá khởi điểm, thậm chí Tuấn còn đưa ra mức giá trên 30 tỷ đồng/m2 (cao gấp khoảng 12.000 lần mức giá khởi điểm)… dẫn đến việc đấu giá 36 lô đất không thành công.
Trước các dấu hiệu bất thường của cuộc đấu giá, Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường phối hợp các đơn vị liên quan khẩn trương điều tra xác minh, làm rõ các hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật của các đối tượng. Giám đốc Công an thành phố chỉ đạo các đơn vị tăng cường rà soát, kịp thời phát hiện, đấu tranh ngăn chặn và xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn thành phố.
Ý kiến ()