Lập trang điện tử bán hàng ưu đãi để lừa đảo khách hàng
Thời gian qua, hoạt động mua sắm trực tuyến diễn ra nhộn nhịp. Để thu hút khách hàng, nhiều hãng kinh doanh tổ chức các chương trình khuyến mãi, giảm giá sản phẩm.
Lợi dụng thời điểm này, một số đối tượng đã lập fanpage bán hàng siêu khuyến mãi để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Mới đây, tòa soạn nhận được thông tin phản ánh của bạn đọc về các fanpage: Hàng Germany Săn Sale; Đồ bếp nhập Germany – EU đã có hành vi lừa đảo khách hàng.
Với thủ đoạn hàng sale (hạ giá) cần chốt nhanh, không nhận COD (dịch vụ giao hàng thu tiền hộ), khách muốn mua được hàng phải trả tiền trước hoặc đặt cọc bằng 50% giá trị sản phẩm, đối tượng đã yêu cầu khách hàng chuyển tiền trả trước vào các số tài khoản: 678915121996, Ngân hàng MBbank, chủ tài khoản Trương Thị Cẩm Thúy; 109873314970, Ngân hàng Vietinbank, chủ tài khoản Lê Phúc Hạnh, số điện thoại 0937786625. Tuy nhiên, khi khách hàng đã trả tiền bằng hình thức chuyển khoản thì đối tượng không chuyển hàng theo đúng cam kết và chặn facebook, ngắt liên lạc điện thoại. Trước đó, một số bạn đọc cũng phản ánh về việc đặt mua rau, củ, quả từ fanpage “Hữu cơ Đà Lạt” nhưng bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tiền với thủ đoạn tương tự.
Nguy hiểm hơn, nhiều đối tượng làm giả trang web của các ngân hàng nhằm mục đích lừa đảo. Vừa qua, cơ quan chức năng đã đưa ra cảnh báo về một website giả mạo trang tin của Ngân hàng Thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank).
Website giả mạo này sử dụng tên, hình ảnh của Ngân hàng Eximbank với đuôi tên miền khác (eximbank.xyz), có thiết kế, logo, mầu sắc, thậm chí đăng tải nhiều nội dung thông tin, dịch vụ của ngân hàng Eximbank dễ gây nhầm lẫn cho người dùng khi truy cập. Bên cạnh đó, website giả mạo này đưa cả một số thông tin cảnh báo về lừa đảo liên quan đến dịch vụ ngân hàng trực tuyến, thanh toán trực tuyến, quy định cấp lại mật khẩu đăng nhập, những lưu ý khi sử dụng dịch vụ Internet Banking… và đăng tải đường dẫn để dụ người dùng truy cập.
Nếu truy cập các đường dẫn này, người dùng dễ có nguy cơ bị lộ lọt dữ liệu, thông tin cá nhân và nhiều thiệt hại khác. Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC – thuộc Cục An toàn thông tin), Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam (Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử)-Bộ Thông tin và Truyền thông liên tục đưa ra cảnh báo các trang web giả mạo tới người tiêu dùng, nhất là từ khi đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát đến nay. Tuy nhiên tình trạng lừa đảo thông qua các trang web giả mạo vẫn tiếp tục diễn ra.
Ý kiến ()