Lập tổ công tác rà soát vướng mắc pháp luật về quản lý bảo hiểm xã hội
Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa ký quyết định thành lập tổ công tác rà soát các vướng mắc pháp luật trong lĩnh vực quản lý của bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Đào Việt Ánh làm tổ trưởng tổ công tác.
Tổ công tác có nhiệm vụ giúp Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam chỉ đạo, rà soát các vướng mắc pháp luật liên quan đến quy định tại các luật, nghị định, quyết định, thông tư liên quan đến lĩnh vực quản lý của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đặc biệt là các quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Việc làm, Luật Thanh tra, bảo đảm đồng bộ, khả thi, phù hợp với các Nghị quyết của Trung ương. Đồng thời, báo cáo Tổng Giám đốc việc đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền phương hướng, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực quản lý của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Tổ công tác làm nhiệm vụ theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số, đề cao trách nhiệm cá nhân của từng thành viên và người đứng đầu; các thành viên thực hiện nhiệm vụ theo chế độ kiêm nhiệm và chịu trách nhiệm về công việc được phân công theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị.
Đồng thời, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng có Công điện gửi Giám đốc bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc phát triển người tham gia và đôn đốc thu, nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Công điện nêu rõ, để hoàn thành chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và kế hoạch do Bảo hiểm xã hội Việt Nam giao, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam yêu cầu Giám đốc bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai đồng bộ các giải pháp tuyên truyền, vận động, đôn đốc, thanh tra, kiểm tra để phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo Kế hoạch số 2800/KH-BHXH ngày 9/9/2021, Kế hoạch số 3532/KH-BHXH ngày 3/11/2021 và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Theo đó, trọng tâm là tích cực tuyên truyền, vận động các đối tượng tham bảo hiểm y tế hộ gia đình,học sinh-sinh viên và người trước đây được ngân sách đóng bảo hiểm y tế theo nhóm đối tượng người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; người ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn nay không thuộc đối tượng được ngân sách đóng bảo hiểm y tế theo Quyết định 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ để đóng gia hạn thẻ bảo hiểm y tế.
Bên cạnh đó, phối hợp với đơn vị sử dụng lao động vận động người lao động chấm dứt hoặc tạm hoãn HĐLĐ tham gia bảo hiểm y tế. Cùng với đó, huy động cán bộ – viên chức, người lao động, người thân, các doanh nghiệp và mạnh thường quân hỗ trợ kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho người có hoàn cảnh khó khăn.
Yêu cầu Giám đốc bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố phân công lãnh đạo, cán bộ bám sát, phối hợp đại lý thu, các trường học, đơn vị sử dụng lao động hàng ngày tuyên truyền, vận động, đôn đốc việc lập danh sách tham gia, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đúng thời hạn. Đồng thời, tổng hợp số liệu quyết toán, đề nghị cơ quan tài chính, cơ quan quản lý người tham gia bảo hiểm y tế chuyển hết số tiền chưa đóng, hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện đến hết năm 2021, không để nợ.
Ý kiến ()