Lạp sườn Phong Liên: Món ngon Xứ Lạng
– Lạp sườn là một trong những món ăn ngon, mang đậm bản sắc văn hóa Xứ Lạng. Tại cơ sở sản xuất lạp sườn tươi Phong Liên, khu 5, thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng, thời gian qua, với những công thức riêng có, cơ sở đã tạo nên món lạp sườn với hương vị riêng, thu hút sự lựa chọn của nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh.
Những ngày giữa tháng 8/2022, chúng tôi có mặt tại cơ sở sản xuất lạp sườn tươi Phong Liên và được chia sẻ về cơ duyên đến với nghề làm lạp sườn. Bà Nguyễn Thị Liên, chủ cơ sở cho biết: Trước đây, gia đình tôi làm nghề bán thịt lợn, khi có thịt ngon, gia đình thường làm lạp sườn với số lượng ít để ăn, nhiều lúc biếu họ hàng, người thân. Khi họ ăn thấy ngon lại nhờ làm hoặc đặt mua. Cứ thế, “tiếng lành đồn xa”, nhiều người biết đến và đặt mua nên tôi bắt đầu kinh doanh từ năm 2006.
Sản phẩm lạp sườn Phong Liên được đóng túi hút chân không
Để làm ra sản phẩm lạp sườn thơm ngon, điều quan trọng nhất phải chọn được thịt lợn ngon. Theo đó, thịt để làm lạp sườn là thịt nạc vai, được chọn mua vào sáng sớm, thịt còn tươi, ấm. Thịt sau khi mua về rửa sạch và thái thành miếng rồi cho vào máy thái, sau đó được trộn với các gia vị như: bột canh, hạt tiêu, một gia vị không thể thiếu là rượu gừng núi đá (loại gia vị tạo nên màu sắc, hương vị đặc trưng của món lạp sườn). Thịt và các loại gia vị được trộn đều bằng tay, sau đó được ướp 2 tiếng để gia vị ngấm đều. Sau đó, hỗn hợp trên được cho vào máy nhồi để nhồi vào ruột lợn. Ruột lợn dùng để nhồi lạp sườn là ruột non đã được rửa sạch và ngâm bằng rượu trắng để khử mùi. Tiếp đó, lạp sườn được cho vào lò sấy khoảng 2 tiếng cho khô rồi sẽ mang đi phơi nắng từ 2 đến 3 ngày rồi được đóng túi hút chân không và bảo quản trong tủ lạnh.
Để nâng cao giá trị sản phẩm, kế thừa tinh hoa ẩm thực truyền thống, cơ sở đã quan tâm xây dựng sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm), nâng tầm sản phẩm truyền thống. Theo đó, gia đình bà Liên đã đầu tư hơn 100 triệu đồng để mua các loại máy như: máy thái thịt, máy sấy, máy nhồi, máy hút chân không… và xây dựng giàn phơi lạp sườn thay vì làm thủ công như trước đây. Ngoài ra, cơ sở chú trọng đến mẫu mã, bao bì và cách bảo quản sản phẩm. Trên bao bì ghi rõ thông tin sản phẩm, hướng dẫn sử dụng, tem truy xuất nguồn gốc. Ngoài ra, cơ sở còn chú trọng đến việc tham gia các hội chợ triển lãm, trưng bày sản phẩm trong và ngoài tỉnh để nhiều khách hàng biết đến. Nhờ đó, năm 2021, sản phẩm lạp sườn tươi của cơ sở đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh, thị trường không chỉ tiêu thụ trong tỉnh mà con mở rộng ra các tỉnh, thành khác trong cả nước. Nếu như trước đây, mỗi năm cơ sở chỉ bán ra thị trường khoảng 3 đến 4 tạ lạp sườn (thành phẩm) thì năm 2021, cơ sở bán ra thị trường trên 1 tạ sản phẩm lạp sườn, với giá bán 250 nghìn đồng/kg.
Lạp sườn khi ăn có thể mang ra nướng hoặc xào tỏi, rán… khi ăn có mùi thơm của thịt, gừng núi đá, độ dai của lòng, độ đậm của gia vị. Tất cả đã tạo nên hương vị đặc trưng, trở thành món ngon của xứ Lạng, nhiều người có thể thưởng thức mà không chán.
Bà Nguyễn Thị Liên phơi lạp sườn
Chị Trần Thị Hải, khách hàng đến từ tỉnh Thái Bình cho biết: Tôi có người bạn trên Lạng Sơn, khi có dịp lên chơi được thưởng thức món lạp sườn cảm thấy rất ngon. Đặc biệt là lạp sườn tươi của cơ sở sản xuất lạp sườn Phong Liên có những hương vị rất đặc trưng, khi ăn thơm mùi gừng núi nên mỗi lần lên Lạng Sơn đều thưởng thức và mua làm quà.
Ông Đinh Mạnh Khiêm, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Lãng cho biết: Cơ sở sản xuất lạp sườn tươi Phong Liên là cơ sở chấp hành tốt quy định vệ sinh an toàn thực phẩm. Với sự nỗ lực không ngừng trong việc đổi mới, nâng cao giá trị sản phẩm, năm 2021, sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh, qua đó đã tạo động lực cho cơ sở đẩy mạnh phát triển, quảng bá sản phẩm, giúp nâng cao thu nhập cho gia đình.
Ý kiến ()