Lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước: Còn nhiều khó khăn
– Lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước là một trong những nhiệm vụ quan trọng để bảo vệ nguồn nước, phòng, chống thiên tai. Tuy nhiên hiện nay, việc thực hiện cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước trên địa bàn tỉnh đang gặp nhiều khó khăn.
Theo Quyết định số 1857 ngày 24/9/2018 của UBND tỉnh về phê duyệt danh mục các nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ, toàn tỉnh có 108 đoạn sông, suối; 24 hồ chứa (dung tích từ 1 triệu mét khối trở lên) phải thực hiện cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước. Để thực hiện nhiệm vụ này, năm 2019, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 176/KH-UBND triển khai thực hiện cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 – 2030. Theo đó, giai đoạn 2020 – 2025, tập trung hoàn thành việc cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước thuộc danh mục (108 đoạn sông, suối; 24 hồ chứa dung tích từ 1 triệu mét khối trở lên).
Cán bộ Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi thành phố Lạng Sơn kiểm tra đập Nà Tâm, xã Hoàng Đồng
Đến ngày 10/1/2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) có Công văn số 194 về việc thực hiện cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước. Trong đó, đề nghị các địa phương chủ động thực hiện cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước thuộc danh mục; hoàn thành việc cắm mốc trước ngày 31/12/2022. Theo đó, tháng 2/2022, UBND tỉnh có Công văn số 743 chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương xây dựng phương án, dự toán kinh phí thực hiện cắm mốc đối với từng danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ; hoàn thành việc cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước trước ngày 31/12/2022.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở TN&MT, việc thực hiện cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước đối với các nguồn nước thuộc danh mục phải thực hiện trên địa bàn tỉnh đang rất chậm so với tiến độ. Tính đến hết tháng 2/2023, toàn tỉnh có 5/24 hồ chứa thuộc danh mục thực hiện cắm xong mốc hành lang bảo vệ và bàn giao mốc cho UBND xã, thị trấn quản lý, bảo vệ; 1 hồ chứa đang thực hiện cắm mốc; 16 hồ chứa đã được các đơn vị vận hành, khai thác lập phương án cắm mốc. Tuy nhiên, qua thẩm định các phương án đều chưa đảm bảo theo quy định, 2 hồ chứa chưa được lập phương án cắm mốc.
Về cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước đối với sông, suối, đến nay trên địa bàn tỉnh chưa có sông, suối nào thuộc danh mục được cắm mốc hành lang bảo vệ. Sở TN&MT mới chỉ tiếp nhận 3 hồ sơ phương án của 3/11 huyện, thành phố với 17/108 đoạn sông, suối. Tuy nhiên, trong quá trình thẩm định phương án cắm mốc đã gặp khó khăn, vướng mắc về việc xác định nguồn kinh phí thực hiện và kỹ thuật xây dựng.
Ông Nguyễn Văn Hanh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cao Lộc cho biết: Trên địa bàn huyện có 5 nguồn nước phải cắm mốc hành lang bảo vệ theo quy định. Từ cuối năm 2019, phòng đã tham mưu UBND huyện xây dựng phương án cắm mốc hành lang bảo vệ. Tuy nhiên, do chưa có văn bản quy định rõ ràng về chất lượng vật liệu đúc mốc, chỉ thị mốc, khoảng cách giữa các mốc cần cắm… Do đó, huyện gặp khó khăn trong quá trình lập phương án và xây dựng dự toán kinh phí thực hiện. Điều này dẫn đến phương án huyện trình cơ quan chức năng thẩm định chưa đảm bảo yêu cầu, phải thực hiện bổ sung.
Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Lạng Sơn là đơn vị trực tiếp vận hành, khai thác nhiều công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh. Công ty đã chủ động lập phương án cắm mốc hành lang bảo vệ đối với hồ chứa thủy lợi có dung tích trên 1 triệu mét khối gửi cơ quan chuyên môn thẩm định.
Ông Hà Văn Duẩn, Trưởng Phòng Quản lý, khai thác công trình thủy lợi, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Lạng Sơn cho biết: Công ty hiện đang vận hành, khai thác 17 hồ chứa thủy lợi có dung tích trên 1 triệu mét khối. Trong đó, hiện chỉ có hồ Kai Hiển (huyện Hữu Lũng) đã được thực hiện cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước theo quy định. Từ năm 2019, công ty đã thuê đơn vị tư vấn lập phương án cắm mốc đối với 16 công trình hồ chứa còn lại . Theo đó, kinh phí để thực hiện việc cắm mốc hành lang bảo vệ đối với các hồ chứa này là trên 8,5 tỷ đồng. Do khó khăn về nguồn kinh phí nên đến nay đơn vị vẫn chưa thể triển khai thực hiện việc cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước theo quy định.
Không chỉ các đơn vị trên, tìm hiểu thực tế tại một số huyện như: Văn Quan, Lộc Bình, Bình Gia… được biết, hiện nay, các huyện cũng đang khó khăn trong xây dựng phương án cắm mốc; chưa bố trí được nguồn kinh phí để triển khai thực hiện cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước theo quy định. Do đó, hiện còn 8/11 huyện, thành phố chưa xây dựng xong phương án cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước trình cơ quan chức năng thẩm định.
Được biết, nhu cầu về kinh phí để thực hiện cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước trên địa bàn tỉnh ước tính khoảng 102 tỷ đồng; chia thành 2 giai đoạn: giai đoạn 2020 – 2025, nhu cầu kinh phí là 51,4 tỷ đồng, trong đó, đề nghị trung ương hỗ trợ 25,7 tỷ đồng; giai đoạn 2026 – 2030, nhu cầu kinh phí là 51,5 tỷ đồng, trong đó đề nghị trung ương hỗ trợ 25,75 tỷ đồng.
Ông Lương Văn Nhất, Phó trưởng Phòng Tài nguyên nước và Khoáng sản, Sở TN&MT cho biết: Tiến độ thực hiện cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước trên địa bàn tỉnh còn chậm. Nguyên nhân là do khó khăn trong bố trí nguồn kinh phí ngân sách Nhà nước để triển khai thực hiện. Cùng đó là chưa có quy định rõ ràng về kỹ thuật lập phương án cắm mốc; còn có sự chồng chéo giữa các phương án cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi và hành lang bảo vệ nguồn nước; chưa quy định rõ các mốc quy chiếu đối với công trình hồ chứa thủy lợi, hồ chứa thủy điện đối với mốc hành lang bảo vệ nguồn nước, dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong quá trình thẩm định phương án cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước… Thời gian tới, phòng sẽ tiếp tục tham mưu sở báo cáo UBND tỉnh, có văn bản đề nghị trung ương bố trí kinh phí hỗ trợ thực hiện; ban hành các văn bản quy định rõ ràng, cụ thể nội dung còn trùng lặp, chồng chéo… Đồng thời, tham mưu sở báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thành phố đẩy nhanh lập phương án cắm mốc hành lang bảo vệ đối với nguồn nước thuộc danh mục phải thực hiện trên địa bàn…
Việc chậm trễ trong cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước khiến công tác quản lý, bảo vệ nguồn nước trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn. Thiết nghĩ, các ngành chức năng cần tiếp tục tham mưu UBND tỉnh đề nghị trung ương có giải pháp tháo gỡ để đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Qua đó, góp phần quan trọng trong công tác quản lý, bảo vệ nguồn tài nguyên nước, bảo đảm an ninh nguồn nước và bảo vệ môi trường.
Ý kiến ()