Lắp máy Việt Nam lớn lên từ những công trình
Tổng công ty Lắp máy Việt Nam - LILAMA là một doanh nghiệp Nhà nước, hoạt động trong các lĩnh vực xây lắp, gia công, chế tạo thiết bị cho các công trình công nghiệp và dân dụng, có đội ngũ cán bộ, kỹ sư trình độ khoa học kỹ thuật cao, công nhân lành nghề với những phương tiện, máy móc thi công chuyên ngành tiên tiến. Quá trình xây dựng và phát triển của LILAMA đã gắn liền với những công trình.Ra đời từ ba công trường lắp máy lớn nhất ở miền bắc ngày 1-12-1960, đó là Công trường Lắp máy Hà Nội, Công trường Lắp máy Hải Phòng và Công trường Lắp máy Việt Trì, với vẻn vẹn 591 cán bộ, công nhân viên, trong đó chỉ có hai kỹ sư cơ khí và tám kỹ thuật viên lắp máy với phương tiện thi công thô sơ, thiết bị lạc hậu, nhưng ngay từ những bước chập chững ban đầu, bàn tay những người thợ lắp máy đã thực hiện lắp đặt thành công nhiều công trình công nghiệp, dân dụng và quốc phòng quan trọng như: Thủy điện Thác Bà, Thủy điện Cao Bằng, Nhiệt...
Tổng công ty Lắp máy Việt Nam – LILAMA là một doanh nghiệp Nhà nước, hoạt động trong các lĩnh vực xây lắp, gia công, chế tạo thiết bị cho các công trình công nghiệp và dân dụng, có đội ngũ cán bộ, kỹ sư trình độ khoa học kỹ thuật cao, công nhân lành nghề với những phương tiện, máy móc thi công chuyên ngành tiên tiến. Quá trình xây dựng và phát triển của LILAMA đã gắn liền với những công trình.
Ra đời từ ba công trường lắp máy lớn nhất ở miền bắc ngày 1-12-1960, đó là Công trường Lắp máy Hà Nội, Công trường Lắp máy Hải Phòng và Công trường Lắp máy Việt Trì, với vẻn vẹn 591 cán bộ, công nhân viên, trong đó chỉ có hai kỹ sư cơ khí và tám kỹ thuật viên lắp máy với phương tiện thi công thô sơ, thiết bị lạc hậu, nhưng ngay từ những bước chập chững ban đầu, bàn tay những người thợ lắp máy đã thực hiện lắp đặt thành công nhiều công trình công nghiệp, dân dụng và quốc phòng quan trọng như: Thủy điện Thác Bà, Thủy điện Cao Bằng, Nhiệt điện Hàm Rồng, Nhiệt điện Lào Cai, Nhiệt điện Việt Trì, Nhiệt điện Ninh Bình, Nhiệt điện Uông Bí, Khu công nghiệp Việt Trì, Nhà máy phân đạm Hà Bắc, Nhà máy đường Vạn Điểm 2, Nhà máy Su-pe phốt-phát và hóa chất Lâm Thao, Nhà máy cơ khí Cẩm Phả, Nhà máy Dệt 8-3, Nhà máy xi-măng Hải Phòng mở rộng…
Ngày 11-10-1979, công ty lắp máy chuyển sang hoạt động theo mô hình 'Liên hiệp các xí nghiệp lắp máy' trong bối cảnh nền kinh tế nước ta chuyển sang cơ chế thị trường, sự cạnh tranh gay gắt đã ảnh hưởng trực tiếp đến người công nhân quen sản xuất theo phương thức kế hoạch hóa tập trung. Tại một số xí nghiệp, công nhân thiếu việc làm, cuộc sống khó khăn. Trước tình hình đó, Liên hiệp các xí nghiệp lắp máy đã tìm mọi biện pháp vượt qua khó khăn trở ngại, khuyến khích các đơn vị thành viên không ngừng nâng cao ý thức tự chủ, năng động mở rộng các hình thức kinh doanh theo hướng đa dạng hóa sản phẩm gắn liền với thị trường, tận dụng năng lực sẵn có, từng bước thoát khỏi cách làm ăn theo cơ chế quan liêu bao cấp bảo toàn lực lượng và đưa liên hiệp phát triển mạnh và ổn định.
Những công trình, nhà máy mới lần lượt hoàn thành, tiếp thêm sức mạnh cho những người thợ lắp máy như: Nhà máy thủy điện Hòa Bình – công trình thế kỷ lớn nhất Đông – Nam Á, Thủy điện Vĩnh Sơn, Thủy điện An Điềm, Thủy điện Trị An, Thủy điện Ya Ly, Nhiệt điện Phả Lại, Nhiệt điện Phú Mỹ, Xi-măng Bỉm Sơn, Xi-măng Hoàng Thạch, Nhà máy Giấy Bãi Bằng, Trạm phát sóng Tam Đảo, Ba Vì và rất nhiều nhà máy lớn, nhỏ khác thuộc mọi lĩnh vực kinh tế quốc dân ra đời. Bước đột phá lớn từ năm 1993 khi đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng vọt, nhiều công trình có vốn đầu tư nước ngoài được triển khai đầu tư xây dựng. Đây là cơ hội để ngành lắp máy Việt Nam vươn lên và đạt được giá trị sản xuất, kinh doanh vượt trội. Bên cạnh việc lắp đặt trọn gói nhiều công trình lớn, nhỏ của đất nước, những người thợ lắp máy đã chế tạo hàng nghìn tấn thiết bị các loại cho Nhà máy Xi-măng Chinfon, các nhà máy Điện Hiệp Phước, Ya Ly, Sông Hinh, Phú Mỹ…, nhất là chế tạo được các loại bình, bồn, bể chứa khí gas, chứa dầu đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế cho các Dự án như Shell Gas Hải Phòng, Sài Gòn Petro, Petro Việt Nam…
Thực hiện chủ trương của Đảng và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc đổi mới, sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước, ngày 1-12-1995, ngành lắp máy Việt Nam lại một lần nữa chuyển đổi mô hình hoạt động từ Liên hiệp các xí nghiệp Lắp máy thành Tổng công ty Lắp máy Việt Nam. Đây là bước ngoặt, một sự thay đổi to lớn về chất cho các doanh nghiệp nhà nước nói chung và của Tổng công ty Lắp máy Việt Nam nói riêng. Với phong cách làm việc mới, lực lượng lắp máy Việt Nam đã phát huy truyền thống của ngành, tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ, chuyên gia, kỹ sư, công nhân ngày càng lớn mạnh, đủ sức cạnh tranh bình đẳng với các nhà thầu trong nước và quốc tế tại các công trình lớn của đất nước. Trong giai đoạn 1996 – 2000, LILAMA đã đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, tăng cường năng lực về mọi mặt, khẳng định ưu thế lớn của ngành lắp máy Việt Nam. Tổng công ty đã đầu tư xây dựng và mở rộng nhiều nhà máy chế tạo thiết bị tại Ninh Bình, Phú Yên, Biên Hòa, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng,… đầu tư đa dạng hóa trang thiết bị hiện đại, tiên tiến, cải tạo nâng cấp, nâng cao năng lực chế tạo thiết bị cho các nhà máy hiện có. Đã thành lập Công ty cơ giới tập trung LILAMA, Công ty tư vấn lắp máy LILAMA, Công ty liên doanh Cimas, Công ty liên doanh Pos-LILAMA… Tại Hải Phòng đã sáp nhập Công ty đóng tàu thuộc Sở Công nghiệp Hải Phòng và đổi tên thành Công ty chế tạo thiết bị và đóng tàu Hải Phòng (LISEMCO) để vừa chế tạo thiết bị, vừa đa dạng hóa sản xuất, kinh doanh. Đến năm 2000, năng lực chế tạo thiết bị toàn Tổng công ty đạt hơn 100 nghìn tấn/năm. Trong lĩnh vực tư vấn, LILAMA đã xây dựng lực lượng có đủ năng lực để lập hồ sơ thiết kế, quản lý dự án, giám sát thi công,… theo hình thức trọn gói trong nhiều dự án. Không những thế, trong việc điều hành thi công, LILAMA đã có nhiều biện pháp tích cực để đổi mới công nghệ trong việc gia công chế tạo và lắp đặt thiết bị, tăng cường các biện pháp quản lý chất lượng và quản lý dự án, đáp ứng mọi yêu cầu của các chủ đầu tư. Chất lượng sản phẩm được nâng cao, thời gian thi công được rút ngắn một nửa, thậm chí chỉ còn một phần ba như: Nhà máy nhiệt điện Phả Lại I công suất 440 MW phải lắp đặt trong tám năm, thì nay Nhà máy nhiệt điện Phả Lại II có công suất gần gấp 1,5 lần, chỉ thi công với thời gian dưới 2 năm; Nhà máy nhiệt điện Phú Mỹ I tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có công suất 1.080 MW chỉ thi công trong gần hai năm… Đặc biệt, trong giai đoạn 2001 – 2005, LILAMA với vai trò Tổng thầu EPC, đã thực hiện Dự án Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí mở rộng công suất 300 MW với vốn đầu tư gần 300 triệu USD. Kết quả này được minh chứng bằng việc Chính phủ lại tiếp tục giao cho LILAMA làm Tổng thầu EPC Dự án Nhà máy điện Cà Mau 1 công suất 750 MW với giá trị 360 triệu USD. Với quyết tâm và sự chuyên nghiệp cao, những người thợ LILAMA đã dựng lên 'Người khổng lồ nơi đất Mũi', một cụm từ mà báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng nhắc rất nhiều lần khi nói về Nhà máy điện Cà Mau. Từ bãi đất sình lầy, với bàn tay và khối óc đã được tôi rèn qua thử thách, LILAMA đã lập nên một kỳ tích đáng tự hào khi hoàn thành bàn giao Nhà máy bảo đảm chất lượng trong thời gian kỷ lục chỉ còn hai năm. Đây là nỗ lực rất lớn của gần 7.000 kỹ sư, công nhân viên lao động của LILAMA khi hoàn thành bàn giao hai Nhà máy điện Cà Mau 1 và Cà Mau 2 với tổng công suất 1.500 MW bảo đảm chất lượng và tiến độ. Nhà máy đi vào hoạt động đã tạo nên một bức tranh công nghiệp, bức tranh hội nhập quốc tế do chính những kỹ sư và công nhân trẻ tuổi LILAMA dệt nên.
Năm 2009, trong bối cảnh tình hình kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn do khủng hoảng kinh tế, tài chính toàn cầu, vượt qua những thách thức, LILAMA đã phấn đấu thực hiện giá trị sản xuất, kinh doanh đạt hơn một tỷ USD. Để thực hiện được mục tiêu này, LILAMA đã phải tập trung triển khai hàng loạt các dự án lớn, nhỏ. Trong quý I – 2009, Dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã được bàn giao cho chủ đầu tư, từ đây, những sản phẩm xăng, dầu đầu tiên của Việt Nam có đóng góp một phần không nhỏ của những người thợ lắp máy đã được đưa ra thị trường. Tiếp đến là việc hoàn thành bàn giao Nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 1 tháng 4-2009, Nhiệt điện Uông Bí mở rộng tháng 6-2009, Nhà máy xi-măng Sông Thao trong tháng 11-2009. Dự án thủy điện Sông Vàng, Sông Ông cũng đã cơ bản hoàn thành để bắt đầu hòa lưới điện.
Trong bối cảnh ngành cơ khí Việt Nam đang bị lấn sân và cạnh tranh quyết liệt của các nhà thầu nước ngoài, nhất là sau khi Việt Nam gia nhập WTO, với ý chí tự cường, ngành lắp máy Việt Nam lại phải tự khẳng định mình, một mặt phải tự đổi mới, tăng năng lực thi công, chế tạo thiết bị, nâng cao khả năng cạnh tranh để giành giật thị trường với các tập đoàn nước ngoài bảo đảm việc làm và thu nhập cho hơn 25 nghìn lao động, mặt khác phải đẩy mạnh mở rộng thị trường ra nước ngoài thông qua các hợp đồng xuất khẩu cơ khí, đóng tàu, lao động kỹ thuật tay nghề cao và nhận thầu thi công các công trình tại nước ngoài. Bằng trí tuệ và tay nghề của mình, LILAMA đã mang về số lượng ngoại tệ đáng kể cho đất nước. Thiết bị lọc bụi tĩnh điện lần đầu do LILAMA 69-2 sản xuất đã được Hãng Alstom (Nhật Bản) đánh giá rất cao và tiến tới chinh phục thị trường nước ngoài đã mang về gần 10 triệu USD cho Công ty. Tiếp đến LILAMA đã ký hợp đồng cung cấp thiết bị lò hơi cho Nhà máy nhiệt điện Barth của Ấn Độ với giá trị 45 triệu USD. LISEMCO đã ký hợp đồng đóng mười tàu trọng tải 3.300 DWT cho đối tác CHLB Đức với giá trị gần 60 triệu USD và nhiều đơn hàng xuất khẩu khác như ống cút, băng tải ống, kết cấu thép,… có giá trị hàng chục triệu USD. Hướng xuất khẩu tại chỗ được xem là một thế mạnh độc quyền của LILAMA trong lĩnh vực chế tạo thiết bị và đang được các công ty con như LILAMA 69-3, LILAMA 69-1, LILAMA 18, LILAMA 45-1… phát huy theo hướng chuyên môn hóa. Tổng giá trị sản xuất kinh doanh giai đoạn 2006 – 2010 của LILAMA đạt 77.450 tỷ đồng, gấp 4,8 lần so với thời kỳ 2001 – 2005. Giá trị sản xuất, kinh doanh đã tăng từ 10.410,2 tỷ đồng năm 2006 lên đến 18.628 tỷ đồng năm 2010, tăng 1,8 lần so với năm 2006. Tăng trưởng bình quân thời kỳ 2006 – 2010 đạt 18%/năm.
Sau 50 năm xây dựng và phát triển, LILAMA đã hoàn thành bàn giao hàng nghìn dự án lớn nhỏ, góp phần quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ và phát triển kinh tế đất nước. Hiện nay, LILAMA đang tiếp tục đảm nhận vai trò Tổng thầu EPC Dự án Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1, Nhiệt điện Nhơn Trạch 2, Thủy điện Hủa Na, Xi-măng Đô Lương, Hang Ga A75… Với việc đảm nhận hầu hết công tác chế tạo thiết bị trong nước, đạt tỷ lệ nội địa hóa khoảng 50 – 70% về khối lượng, chiếm 30 – 50% về giá trị toàn nhà máy, LILAMA đã mở ra một hướng mới trong quan hệ hợp tác với nhiều tập đoàn nổi tiếng trên thế giới như Mitsubishi, Hyundai, Technip, Siemens,… để cùng liên doanh đấu thầu, thi công công trình và thành lập các công ty hoạt động tại Việt Nam cũng như nước ngoài nhằm tăng cường năng lực về tư vấn thiết kế, ổn định và phát huy khả năng cạnh tranh, thương mại, xuất nhập khẩu…
Từ tháng 7-2010, LILAMA chuyển sang hoạt động theo mô hình Công ty TNHH một thành viên của Tập đoàn Công nghiệp Xây dựng Việt Nam. Chiến lược phát triển giai đoạn 2011 – 2015 của tập đoàn, trong đó đã xác định lĩnh vực cơ khí chế tạo thiết bị và lắp máy là một trong những lĩnh vực nòng cốt, đây là cơ hội để LILAMA có điều kiện phát triển hơn nữa. Để thực hiện đúng chiến lược đã đề ra, LILAMA đã xây dựng các mục tiêu và nhiệm vụ kế hoạch như sau:
Tiếp tục duy trì, phát triển mạnh lĩnh vực chế tạo thiết bị, xây lắp cho các dự án công nghiệp, phấn đấu nâng cao khả năng tư vấn thiết kế, chế tạo thiết bị đến 70% về khối lượng. Đẩy mạnh công tác xuất nhập khẩu, mở rộng đối tác, thị trường, lĩnh vực kinh doanh, đặc biệt chú trọng hợp tác với các hãng chế tạo thiết bị cho các nhà máy điện, xi-măng, các công ty thương mại lớn của thế giới để mở rộng thị trường hoạt động ra nước ngoài thông qua các hợp đồng chế tạo thiết bị xuất khẩu hoặc đưa lực lượng lao động, kỹ sư ra nước ngoài để chế tạo thiết bị và lắp đặt công trình, trước mắt tập trung vào thị trường Trung Đông, Vê-nê-xu-ê-la…Tăng cường năng lực về tư vấn – thiết kế – quản lý dự án (E), phát triển các Công ty tư vấn hiện có theo hướng chuyên môn hóa sâu.
Tập trung đầu tư chuyên môn hóa sâu về chế tạo cơ khí để tạo sức mạnh tổng hợp, bảo đảm cho việc thực hiện vai trò Tổng thầu EPC. Đầu tư tăng năng lực thiết bị thi công, các nhà máy cơ khí chế tạo thiết bị đồng bộ, các nhà máy thủy điện, đầu tư lĩnh vực tư vấn thiết kế, quản lý dự án và một số ngành nghề khác. Tập trung nguồn vốn để hoàn thành và đưa vào vận hành các nhà máy thủy điện, nhiệt điện, xi-măng mà LILAMA làm chủ đầu tư cũng như tham gia tại các Công ty cổ phần với vai trò chi phối. Đẩy nhanh hoàn thành và quản lý hiệu quả các dự án đầu tư tại các Công ty liên kết như: Nhà máy xi-măng Sông Thao, Xi- măng Đô Lương, Thủy điện Hủa Na, Nhiệt điện Vũng Áng II,…Tổ chức triển khai ứng dụng các kết quả của Dự án KHCN xi-măng 2.500 tấn clanh-ke/ngày và triển khai thực hiện đúng tiến độ Dự án KHCN nhiệt điện đốt than 600 MW để nâng cao tỷ lệ nội địa hóa chế tạo thiết bị trong các nhà máy xi-măng và nhiệt điện cũng như các lĩnh vực hoạt động khác. Xây dựng các trung tâm nghiên cứu, tiếp nhận chuyển giao công nghệ, đầu tư trang thiết bị cho các trung tâm thực nghiệm, chế thử để có điều kiện tiếp nhận và chuyển giao công nghệ tiên tiến cũng như thử nghiệm các dự án KHCN do LILAMA chủ trì thực hiện nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm cao nhất nguyên vật liệu, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững…
Trải qua nửa thế kỷ xây dựng và phát triển, Tổng công ty Lắp máy Việt Nam đã phấn đấu không ngừng để trở thành một trong những tổng công ty hàng đầu của Việt Nam, đã tham gia lắp đặt và đưa vào sử dụng hàng nghìn công trình lớn nhỏ thuộc các lĩnh vực công nghiệp, dân dụng, văn hóa, quốc phòng… Thương hiệu LILAMA đã và đang được khẳng định một cách vững chắc trên thị trường trong nước và ngoài nước, mầu áo xanh LILAMA đã tràn ngập trên hầu hết các công trình trọng điểm có tầm cỡ quốc gia, được Đảng và Nhà nước đánh giá cao. Cùng với những phần thưởng cao quý như Huân chương Lao động, Huân chương Độc lập, Huân chương Hồ Chí Minh, năm 2005 LILAMA đã vinh dự đón nhận danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Hôm nay 1-12, trong lễ trọng đại kỷ niệm 50 năm thành lập ngành lắp máy Việt Nam, LILAMA lại tiếp tục vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập.
Những phần thưởng cao quý Những đóng góp của Tổng công ty Lắp máy Việt Nam trong 50 năm qua đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận những phần thưởng cao quý : 1 Huân chương Hồ Chí Minh. 4 Huân chương Độc lập hạng nhất 2 Huân chương Độc lập hạng nhì 6 Huân chương Độc lập hạng bà 1 Huân chương Chiến công 3 Huân chương Kháng chiến hạng ba 19 Huân chương Lao động hạng nhất 52 Huân chương Lao động hạng nhì 147 Huân chương Lao động hạng ba Ngành lắp máy đã vinh dự nhận Cờ thi đua của Chủ tịch Hồ chí Minh, bốn lần được Chủ tịch nước tặng hoa, 34 lần được nhận Cờ thi đua của Chính phủ, 156 lần được Bộ Xây dựng tặng cờ thi đua, 38 lần được tặng thưởng Huy chương vàng chất lượng cao ngành xây dựng. |
Theo Nhandan
Ý kiến ()