Lập lại trật tự trong khai thác đá ở Thủy Nguyên
Ðá vôi là nguồn nguyên liệu quan trọng phục vụ phát triển kinh tế, việc làm, đời sống cho hàng nghìn hộ dân ở huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng). Tuy nhiên, tình trạng lộn xộn trong khai thác cùng những bất cập trong quy hoạch, quản lý, khiến những ngọn núi nơi đây đang từng bước bị "xóa sổ" và trong tương lai Thủy Nguyên sẽ không còn núi đá.
Ðá vôi là nguồn nguyên liệu quan trọng phục vụ phát triển kinh tế, việc làm, đời sống cho hàng nghìn hộ dân ở huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng). Tuy nhiên, tình trạng lộn xộn trong khai thác cùng những bất cập trong quy hoạch, quản lý, khiến những ngọn núi nơi đây đang từng bước bị “xóa sổ” và trong tương lai Thủy Nguyên sẽ không còn núi đá.
Lộn xộn trong khai thác đá
Thủy Nguyên là huyện có nhiều núi đá nhất của thành phố Hải Phòng với trữ lượng 380 triệu m3 đá vôi, 360 triệu m3 sét, phân bố ở 112 điểm núi tại tám xã, thị trấn trên địa bàn. Nhiều năm qua, đá vôi đã trở thành một trong những thế mạnh của địa phương, phục vụ phát triển sản xuất công nghiệp và sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD) như: xi-măng, đá nguyên liệu, vôi, bột nhẹ, đất đèn… Tuy nhiên, việc khai thác đá những năm trước đây nhỏ lẻ, đáp ứng nhu cầu VLXD không nhiều. Những năm gần đây, khi các nhà máy xi-măng đua nhau mọc lên cùng với nhu cầu cao về VLXD thì việc khai thác đá diễn ra ồ ạt. Việc tranh đua xin khai thác mỏ đá cùng với nạn khai thác đá trộm mà người dân quen gọi là khai thác “thổ phỉ” diễn ra khá rầm rộ, khiến chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng vất vả trong quản lý, giữ gìn an ninh trật tự. Sau khi Luật Khoáng sản được thực thi, hàng nghìn lao động là xã viên các hợp tác xã (HTX) khai thác đá, sản xuất VLXD trước đây phải đi làm thuê cho các đơn vị khai thác mỏ mới (do HTX không đủ điều kiện để xin phép khai thác mỏ) hoặc tự đi khai thác thổ phỉ để kiếm sống, hoặc đi khai thác lại những địa điểm của các doanh nghiệp đã khai thác đến cao trình quy định, nhưng chưa hoàn nguyên và bàn giao cho địa phương quản lý.
Tại địa bàn các xã: Lại Xuân, Minh Tân, An Sơn, Liên Khê, Minh Ðức…, ai cũng nhận thấy những ngọn núi đang được khai thác, đào, phá nham nhở. Trên những ngọn núi đang bị xẻ đôi, xẻ ba là những người thợ đang oằn mình ấn những mũi khoan vào sườn núi đá, mình treo lơ lửng với sợi dây thừng ngang người trên vách núi đá cao và trên đầu là những tảng núi chênh vênh sẵn sàng đổ xuống bất cứ khi nào. Họ đang đánh đổi mạng sống của mình vì… đá. Các ngọn núi không phải được khai thác từ đỉnh xuống, mà thường từ lưng chừng núi, tạo ra những hàm ếch. Núi còn bị khai phá, đào sâu dưới mặt đất cả chục mét, rất nguy hiểm. Nhiều điểm khai thác đá “thổ phỉ” cũng tổ chức nổ mìn đúng vào thời gian nổ mìn của các đơn vị được cấp phép, rồi vận chuyển vào đêm tối hoặc rạng sáng để tránh các cơ quan chức năng kiểm soát.
Thường xuyên mất an toàn
Theo Chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên Nguyễn Trần Lanh, trong số các đơn vị được ngành chức năng cấp phép khai thác đá tại huyện, chỉ có một đơn vị trực thuộc Công ty Xi-măng Chinfon là bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn an toàn về khai thác đá, còn các đơn vị khác hoặc chưa thực hiện nghiêm túc, hoặc tổ chức khoán “trắng” cho các máng khai thác, hoặc sang nhượng lại quyền khai thác cho đơn vị khác…
Ðể đạt mục tiêu lợi nhuận, các đơn vị này thường bỏ qua nhiều tiêu chuẩn an toàn về khai thác đá, không thực hiện đúng quy trình khai thác cắt tầng, mà khai thác từ phía chân hoặc lưng chừng núi để giảm chi phí. Ðây là một trong những nguyên nhân chính khiến các vụ tai nạn lao động gây chết người thường xuyên xảy ra. Nghiêm trọng nhất là ngày 21-5-2012, hai vụ tai nạn liên tiếp tại mỏ đá trên địa bàn xã Lại Xuân khiến chín người chết, nhiều người bị thương hay vụ tai nạn ngày 19-12-2013 tại xã An Sơn khiến hai công nhân khai thác đá của HTX nông nghiệp An Sơn chết thảm… Mặt khác, việc nổ mìn khai thác đá cũng gây hư hại nhà cửa, hoa màu và ảnh hưởng lớn cuộc sống, gây bức xúc cho người dân.
Thượng tá Lê Văn Dương, Phó Trưởng Công an huyện Thủy Nguyên cho biết, để bảo đảm an toàn trong khai thác đá, huyện Thủy Nguyên liên tục cử các lực lượng công an, quân sự, tài nguyên và môi trường (TN-MT)… xuống kiểm tra tại các mỏ đá. Nhưng việc kiểm tra, bắt giữ, xử lý các đối tượng khai thác đá trái phép vất vả, tốn công sức và khó khăn. Nhiều khi, các đối tượng lợi dụng đêm tối, sáng sớm, mưa rét để khai thác… Năm 2012, huyện kiểm tra 29 vụ, xử phạt các đơn vị vi phạm 520 triệu đồng; năm 2013, kiểm tra 37 vụ, xử phạt hơn 500 triệu đồng, thu giữ hàng chục máy nén khí, đầu búa khoan… Mặt khác, xuất phát từ khai thác đá mà tình trạng sản xuất, buôn bán, vận chuyển thuốc nổ trên địa bàn cũng phức tạp. Chỉ trong năm 2013, Công an huyện đã bắt giữ gần mười tấn thuốc nổ tự chế… Ngoài ra, việc tranh giành nhau trong khai thác đá cũng phát sinh những phức tạp về an ninh trật tự trên địa bàn.
Vướng mắc cần tháo gỡ
Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Trần Lanh cho biết, theo quy hoạch được phê duyệt, huyện Thủy Nguyên có sáu dự án xi-măng. Trong đó, năm nhà máy đang hoạt động gồm: Hải Phòng, Chinfon, Phúc Sơn, Tân Phú Xuân, Xuân Thủy và một nhà máy đang được triển khai. Nhưng theo tính toán của Phòng TN-MT huyện, nếu hoạt động trong vòng 50 năm với công suất như hiện nay thì sáu dự án này cần đến 500 triệu m3 đá nguyên liệu, trong khi trữ lượng đá vôi của huyện chỉ khoảng 380 triệu m3. Như vậy, chưa đến 50 năm nữa, Thủy Nguyên sẽ không còn ngọn núi nào nữa. Trong khi đó, các nhà máy xi-măng vẫn đang tiếp tục có dự kiến quy hoạch tại đây.
Nhiều điểm mỏ nằm trong vùng an ninh quốc phòng, di tích lịch sử, văn hóa cũng được đưa vào quy hoạch khai thác như khu vực núi Hang Lương (xã Gia Minh). Ðây là Di tích lịch sử – nơi giấu và cung cấp lương thực trong chiến thắng Bạch Ðằng, đồng thời là một căn cứ của Thành ủy Hải Phòng trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp và thời kỳ tạm chiếm; một số hang động có tiềm năng du lịch ở các xã: Lưu Kỳ, Liên Khê, Minh Tân… Bên cạnh đó, có không ít mỏ nhỏ, chỉ là ngọn núi trông như “hòn non bộ” với trữ lượng không nhiều nhưng cũng được đưa vào danh sách khai thác làm nguyên liệu và phụ gia xi-măng. Trong khi đó, nếu khai thác những ngọn núi này sẽ ảnh hưởng diện tích không nhỏ đồng ruộng. Việc cấp phép khai thác mỏ theo thời gian hiện nay cũng nảy sinh bất cập khác. Nhiều đơn vị tổ chức khai thác mỏ với “tốc độ” nhanh, thường vượt trước thời hạn được cấp phép đã hết đá, sẽ gây thất thu cho ngân sách.
Mặt khác, việc xử lý các đơn vị vi phạm còn nảy sinh nhiều khó khăn vướng mắc. Ðối với các doanh nghiệp được Bộ TN-MT và thành phố cấp phép, huyện chỉ có thể ra thông báo yêu cầu các đơn vị này chấp hành quy định về thuê đất trước khi thực hiện khai thác mỏ, thực hiện quy trình khai thác an toàn, tuân thủ quy định về vành đai khai thác mỏ… còn việc xử lý vi phạm lại phải trông chờ vào các cơ quan chức năng khác, không thuộc thẩm quyền của địa phương. Vì thế, việc khai thác đá bừa bãi tại Thủy Nguyên đang khiến nguồn tài nguyên này cạn kiệt, ảnh hưởng lớn địa chất cũng như đời sống người dân.
Công an TP Hải Phòng kiểm tra, bắt giữ máng khai thác đá trái phép tại xã Minh Tân (Thủy Nguyên, Hải Phòng).
ÐÃ đến lúc TP Hải Phòng và Bộ TN-MT cần vào cuộc mạnh mẽ trong việc lập lại trật tự trong khai thác đá tại địa phương. Trong đó, trước mắt cần yêu cầu các đơn vị phải tuân thủ quy trình an toàn khai thác; xem xét lại quy hoạch một số mỏ và thực hiện bảo tồn, không được khai thác những di tích lịch sử, danh thắng, cảnh quan; tổ chức đấu thầu trong khai thác mỏ, tránh tiêu cực từ cơ chế “xin – cho” trong cấp phép khai thác, tăng thu cho ngân sách Nhà nước. Trong đấu thầu khai mỏ cũng cần quy định chặt chẽ trữ lượng được khai thác (không cấp theo thời gian như hiện nay) và nhất thiết buộc các doanh nghiệp phải đóng góp quỹ môi trường cho địa phương; thực hiện hoàn nguyên và bàn giao lại diện tích mặt bằng mỏ cho địa phương theo quy định sau khi khai thác hết trữ lượng theo quy định. Mặt khác, cũng cần quan tâm giải quyết việc làm cho lao động địa phương có mỏ.
Ngày 18-2, Báo Nhân Dân đăng bài “Cần làm rõ những sai phạm tại Trường trung cấp Văn hóa- Nghệ thuật Bạc Liêu”. Ngày 25-2, Bí thư Ðảng ủy, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bạc Liêu Nguyễn Chí Thiện đã có Công văn số 153 gửi Báo Nhân Dân. Nội dung công văn ghi nhận và cảm ơn Báo Nhân Dân đã phản ánh những sai phạm tại Trường trung cấp Văn hóa – Nghệ thuật Bạc Liêu trong thời gian qua. Công văn nêu rõ: “Với vai trò, trách nhiệm của ngành, ngày 20-2, Ðảng ủy và Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bạc Liêu đã mời Ban Giám hiệu, Trưởng và Phó phòng chuyên môn của Trường trung cấp Văn hóa – Nghệ thuật Bạc Liêu đến làm việc để nghe Ban Giám hiệu báo cáo những nội dung có liên quan mà Báo Nhân Dân đã phản ánh, đồng thời yêu cầu Ban Giám hiệu trường phải có báo cáo giải trình cụ thể. Trong quá trình kiểm tra, nếu tập thể, cá nhân nào có vi phạm, Ðảng ủy và Ban Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bạc Liêu sẽ xem xét, kiểm điểm và xử lý nghiêm túc theo đúng quy định của pháp luật”.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()