Lấp "khoảng trống" tư vấn tâm lý học đường
Liên tiếp xảy ra các vụ việc đau lòng liên quan học đường như: Bạo lực, trầm cảm… thời gian qua, để lại hậu quả nghiêm trọng, làm tổn thương cả về thể chất và tinh thần của các em học sinh. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên là do công tác tư vấn tâm lý học đường hiện chưa được quan tâm, thực hiện sát sao, hiệu quả.
Tham vấn tâm lý cho học sinh Trường THCS Ban Mai, quận Hà Đông (Hà Nội). (Ảnh Hải Bình) |
Mới đây, tại Trường THCS Đức Giang, huyện Hoài Đức (Hà Nội) xảy ra sự việc một nam sinh tên Q. (lớp 9) nhảy từ tầng 3 xuống đất, bị trọng thương. Qua tìm hiểu được biết, trong giờ thể dục, học sinh này bị bạn bè trêu chọc quá mức, có hành vi không phù hợp. Chuyên gia tâm lý cho rằng, nhà trường cần nhận thức về mức độ nghiêm trọng của những tổn thương tâm lý đối với học sinh. Phải tăng cường giáo dục để học sinh hiểu thế nào là bạo lực tinh thần, quấy rối, làm nhục…
Mặc dù không phải là hiện tượng mới, nhưng chưa bao giờ bạo lực học đường lại xảy ra dồn dập với tính chất ngày càng nghiêm trọng như hiện nay. Mà nguyên nhân chỉ vì những chuyện nhỏ nhặt, các em đã ứng xử với nhau thiếu lòng nhân ái, trái với truyền thống đạo lý, chuẩn mực đạo đức xã hội. Vừa qua, trên mạng xã hội liên tiếp xuất hiện clip học sinh các trường THCS, THPT ở một số tỉnh, thành phố như Cao Bằng, Tuyên Quang, Hải Phòng, Cà Mau… đánh nhau ở ngay trong lớp học hoặc bên ngoài khuôn viên nhà trường.
Trong các clip này, không chỉ hai học sinh đánh nhau để giải quyết mâu thuẫn, mà cả một nhóm học sinh xông vào đánh, đấm, giẫm, đạp lên người, lên đầu, thậm chí dùng cả gậy, mũ bảo hiểm đánh bạn một cách tàn bạo, nạn nhân chỉ biết van xin, không thể phản kháng. Chứng kiến sự việc khi đó có rất nhiều bạn bè đứng chung quanh, nhưng không ai có hành động gì để can ngăn, thậm chí còn cổ vũ, quay clip đăng lên các trang mạng xã hội.
Mặc dù không phải là hiện tượng mới, nhưng chưa bao giờ bạo lực học đường lại xảy ra dồn dập với tính chất ngày càng nghiêm trọng như hiện nay.
Đáng lưu ý, hiện tượng bạo lực hiện nay không chỉ diễn ra trong nam sinh mà còn lan sang cả nữ sinh và ngày càng gia tăng. Những clip này là cú sốc lớn đối với phụ huynh và toàn xã hội khi tất cả mọi người đều nghĩ rằng các em đến trường đều chuyên tâm học hành, được đùm bọc trong sự thương yêu của thầy cô, bạn bè.
Số liệu mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, trong một năm học, cả nước xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học. Phần lớn các vụ học sinh xô xát, đánh nhau xảy ra gần đây xuất phát từ mâu thuẫn nhỏ trên lớp, trong cuộc sống, nói xấu nhau trên mạng xã hội hay xuất phát từ sự kích động của bạn bè…
Hậu quả của các vụ việc nêu trên không chỉ gây thương tích cho cơ thể, mà không ít nạn nhân của bạo lực học đường bị cô lập, không tìm kiếm được sự bảo vệ đã bỏ học, sa ngã. Nhiều em bị trầm cảm, sang chấn tâm lý, luôn sống trong cảm giác sợ hãi.
Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam, GS, TS Nguyễn Ngọc Phú, sở dĩ tình trạng bạo lực học đường vẫn diễn ra, ngoài các nguyên nhân do đặc điểm tâm lý lứa tuổi; tính hiếu thắng, muốn thể hiện bản thân; những mâu thuẫn phát sinh qua giao tiếp; học sinh bị ảnh hưởng bởi cảnh bạo lực trong phim ảnh, sách báo; cha mẹ thiếu sự quan tâm giáo dục con em về ý thức phòng tránh bạo lực…, thì còn có nguyên nhân quan trọng, đó là, công tác tư vấn tâm lý học đường (nơi các em học sinh có những vướng mắc cần chia sẻ) chưa được quan tâm đúng mức, nhất là sau hai năm ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều học sinh phổ thông đã gặp các vấn đề tâm lý như căng thẳng, rối loạn lo âu, rối loạn hành vi, trầm cảm, tự tử…
Cách đây không lâu, trên mạng xã hội xuất hiện video ghi lại cảnh nữ học sinh lớp 8 Trường THCS-THPT Hà Thành (Hà Nội) bị đánh hội đồng trước cổng trường. Hơn một tuần sau khi vụ việc xảy ra, nữ sinh này không thể đến trường, tinh thần hoảng loạn, thân thể tổn thương, mất ngủ, luôn có tâm lý sợ đám đông.
Tâm sự với chúng tôi, Hồng Minh, một nữ học sinh cấp 3 tại Thanh Hóa cho biết: “Trước đây khi học ở bậc tiểu học, cháu từng bị một nhóm bạn đánh vì không cho bạn xem bài kiểm tra. Sau lần bị các bạn đánh, cháu mách cô giáo chủ nhiệm để nhờ cô giải quyết. Cô giáo chủ nhiệm của cháu đã gọi những bạn đe dọa cháu vào phòng giám hiệu nhà trường và phạt các bạn ấy phải viết bản kiểm điểm.
Sau đó, cháu phải chuyển trường vì bị bạn bè xa lánh và không dám đến trường. Sau này nếu có mâu thuẫn gì với bạn bè, cháu cũng tự giải quyết. Chúng cháu thường gặp bế tắc trong khi giải quyết những bất đồng giữa các bạn vì các mâu thuẫn không những không được hóa giải mà xung đột còn xuất hiện thêm. Điều này khiến chúng cháu căng thẳng hơn…”.
Tư vấn tâm lý học đường cho học sinh tại Trường THCS Phước An, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. (Ảnh THANH HUYỀN) |
Thực tế cho thấy, những mối căng thẳng này chỉ có thể được giải tỏa nếu các em được tư vấn đầy đủ và khoa học từ phía nhà trường, gia đình hay một tổ chức xã hội. Bởi các em học sinh chưa biết đầy đủ cách ứng xử và đối phó với những áp lực, bất đồng và mâu thuẫn trong các mối quan hệ xã hội, cho nên rất cần sự tư vấn tâm lý từ phía các nhà tư vấn chuyên nghiệp.
Đó có thể là giáo viên tư vấn tâm lý ở nhà trường hoặc là chuyên gia tâm lý ở các cơ quan liên quan như phòng giáo dục: đảm nhiệm công việc góp ý, định hướng và gỡ rối cho học sinh khi các em gặp bất hòa, mâu thuẫn. Tư vấn là quan trọng không phải chỉ nhằm giải quyết những khúc mắc về tâm lý, mà là mọi vấn đề từ học hành, định hướng nghề nghiệp, cách ra quyết định, cách xử lý áp lực và các cách thức ứng xử trước những tình huống không mong muốn.
Quan trọng hơn hết là những căng thẳng khi gặp mâu thuẫn giữa các nhóm học sinh sẽ có nhiều cách hóa giải, sẽ giảm được chuyện cãi vã, bạo lực không đáng có xảy ra trong nhà trường, ngoài xã hội.
Để bảo đảm và nâng cao công tác hỗ trợ tư vấn tâm lý cho học sinh, mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có Văn bản số 4252/BGDĐT-GDCTHSSV gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tăng cường triển khai hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho học sinh phổ thông. Trong đó nêu rõ: Thời gian qua, ở địa phương, công tác hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho học sinh phổ thông tại các nhà trường cơ bản đã được Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, chỉ đạo tổ chức thực hiện.
Thực tế cho thấy, những mối căng thẳng này chỉ có thể được giải tỏa nếu các em được tư vấn đầy đủ và khoa học từ phía nhà trường, gia đình hay một tổ chức xã hội. Bởi các em học sinh chưa biết đầy đủ cách ứng xử và đối phó với những áp lực, bất đồng và mâu thuẫn trong các mối quan hệ xã hội, cho nên rất cần sự tư vấn tâm lý từ phía các nhà tư vấn chuyên nghiệp.
Đồng thời, công tác này cũng thu hút sự quan tâm đặc biệt của xã hội, góp phần phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp đối với học sinh đang hoặc có nguy cơ gặp phải khó khăn về tâm lý trong học tập và cuộc sống, có hướng giải quyết phù hợp, giảm đến mức thấp nhất những tác động tiêu cực có thể xảy ra… Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác hỗ trợ tư vấn tâm lý cho học sinh vẫn còn một số hạn chế…
Để bảo đảm và nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ tư vấn tâm lý cho học sinh, các cấp ủy đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, gia đình-nhà trường-xã hội cần có sự phối hợp, đề cao vai trò, trách nhiệm của các bên liên quan trong công tác hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho học sinh. Trước hết, cần tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng, cấp chứng chỉ cho cán bộ quản lý, giáo viên trực tiếp thực hiện công tác tư vấn tâm lý trong nhà trường.
Tăng cường phối hợp các tổ chức, cá nhân liên quan tổ chức các hoạt động tư vấn tâm lý cho học sinh trong các nhà trường, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện làm việc cho các phòng tư vấn tâm lý tại các nhà trường. Thiết lập kênh thông tin, cung cấp tài liệu, thường xuyên trao đổi với cha mẹ học sinh về diễn biến tâm lý và các vấn đề cần tư vấn, hỗ trợ cho học sinh; tư vấn, tham vấn riêng, tư vấn nhóm, trực tiếp tại phòng tư vấn; tư vấn trực tuyến qua mạng nội bộ, trang thông tin điện tử của nhà trường, email, mạng xã hội, điện thoại và các phương tiện thông tin truyền thông khác.
Ý kiến ()