Lập fanpage giả mạo rồi thực hiện thủ thuật xin tích xanh nhằm lừa đảo
Nhiều nhóm đối tượng lừa đảo lựa chọn hình thức lập fanpage giả mạo rồi thực hiện thủ thuật để xin tích xanh từ Facebook. Các đối tượng lừa đảo sẽ cho chạy quảng cáo fanpage giả để tạo độ uy tín, thậm chí mua các bình luận ảo để tạo lòng tin... Chiêu trò này đã được nhiều đối tượng dùng lừa đảo đặt phòng khách sạn trong đợt cao điểm du xuân đầu năm.
CẨN TRỌNG TRƯỚC CHIÊU TRÒ LỪA ĐẢO ĐẶT PHÒNG KHÁCH SẠN TRONG CAO ĐIỂM DU XUÂN
Đầu năm là khoảng thời gian cao điểm khi nhu cầu đi du xuân của người dân tăng cao. Tuy nhiên, đây cũng là một cơ hội để các đối tượng lừa đảo du lịch, bán vé máy bay, vé tàu và phòng khách sạn giả mạo tiếp diễn những chiêu trò của chúng.
Mới đây, một du khách đặt phòng cho hai người lớn và hai trẻ em từ ngày 31/1- 3/2 trên fanpage Facebook khu nghỉ dưỡng Minawa Kênh Gà, Ninh Bình. Sau khi liên lạc và được tư vấn qua fanpage, du khách đã chuyển khoản đặt cọc 6,5 triệu đồng.
Sau khi du khách chuyển khoản tiền đặt cọc lần đầu tiên, kẻ lừa đảo thông báo khách đã chuyển sai nội dung và yêu cầu chuyển lại tiền để bộ phận kế toán xác nhận và hoàn lại số tiền thừa.
Đáng chú ý, qua nhiều lần chuyển khoản, tổng số tiền mà khách đã chuyển cho kẻ lừa đảo lên tới hơn 1 tỷ đồng. Vị du khách chỉ nhận ra mình bị lừa khi không thể liên lạc được với khu nghỉ dưỡng và trình báo công an.
Trên thực tế, nhiều nhóm đối tượng lừa đảo lựa chọn hình thức lập fanpage giả mạo rồi thực hiện thủ thuật để xin tích xanh từ Facebook. Các đối tượng lừa đảo sẽ cho chạy quảng cáo fanpage giả để tạo độ uy tín, thậm chí mua các bình luận ảo về việc đặt phòng hay khen ngợi homestay, khách sạn để tạo lòng tin với du khách.
Chuyên gia công nghệ cho biết, theo thuật toán của Facebook, các fanpage, hội nhóm có lượt theo dõi cao hơn thường sẽ hiển thị trước nên du khách dễ bị nhầm lẫn.
Đối với vấn nạn fanpage Facebook du lịch giả mạo tràn lan, các nạn nhân, đại diện một số homestay bị mạo danh và chuyên gia cho rằng cần có sự vào cuộc và phối hợp chặt chẽ giữa Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch các tỉnh với Sở Thông tin và Truyền thông và cơ quan công an để kiểm soát tình hình.
Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác, thận trọng trước các Fanpage giả mạo thông tin khách sạn, phòng nghỉ du lịch.
Thực hiện kiểm tra, xác minh thông tin kỹ về vị trí, cơ sở vật chất của nơi ở cũng như lai lịch của người cung cấp. Tuyệt đối không chuyển tiền đặt cọc khi chưa xác minh được độ uy tín của đối tượng.
Người dân được khuyến cáo nên kiểm tra kỹ nguồn gốc của tài khoản; tính xác thực của đối tượng trước khi tiếp nhận bất cứ thông tin nào. Trong trường hợp trở thành nạn nhân của đối tượng lừa đảo, người dân cần báo cáo ngay với cơ quan Công an để có thể hỗ trợ và giải quyết kịp thời.
XUẤT HIỆN THỦ ĐOẠN LỪA ĐẢO MỚI CÀI ĐẶT 12 ĐIỂM GIẤY PHÉP LÁI XE
Mới đây, Công an tỉnh Thanh Hóa vừa đưa ra cảnh báo về hình thức lừa đảo mới về cài đặt Dịch vụ công để nhận điểm giao thông.
Cụ thể, ngày 5/1/2025, chị L.T.L, ở xã Xuân Dương, huyện Thường Xuân, Thanh Hóa được một người nữ giới gọi điện thoại đến số thuê bao của chị L tự xưng là cán bộ Công an và tư vấn Luật Giao thông đường bộ có hiệu lực từ ngày 01/01/2025, áp dụng mỗi công dân tham gia giao thông được cấp 12 điểm, sẽ có cán bộ của phòng Kỹ thuật gọi điện để hướng dẫn cài đặt để tích hợp 12 điểm vào dịch vụ công.
Sau khi người phụ nữ tắt máy, khoảng 15 phút sau có số điện thoại 0818050180 gọi đến số điện thoại của chị L giới thiệu chị L cài đặt dịch vụ công để thực hiện luật giao thông mới.
Mặc dù chị L cảnh giác nói bản thân đã cài đặt dịch vụ công và nghi ngờ lừa đảo, nhưng đối tượng trấn an chị L nếu lừa đảo đối tượng sẽ yêu cầu chị L cung cấp thông tin nhưng đối tượng chỉ hướng dẫn chị L cài đặt dịch vụ và yêu cầu chị L kết bạn qua Zalo để được hướng dẫn cài đặt dịch vụ.
Tin lời đối tượng, chị L đã cài đặt dịch vụ, các đối tượng đã yêu cầu chị L nhập các thông tin giấy tờ cá nhân, chụp hình thẻ Ngân hàng mặt trước, mặt sau. Sau khi thực hiện theo hướng dẫn của đối tượng, tài khoản của chị L đã bị trừ mất số tiền 7.910.000 đồng.
Có thể thấy, thủ đoạn lừa đảo giả danh cán bộ, nhân viên cơ quan nhà nước tuy không còn mới nhưng chiêu trò của chúng lại ngày một tinh vi. Thủ đoạn chung của các đối tượng sẽ trực tiếp gọi điện đến số máy điện thoại di động cá nhân, giả danh là cán bộ Công an để tạo niềm tin và yêu cầu người dân đến trụ sở Công an gần nhất để bổ sung, chỉnh sửa, cập nhật, hoàn thiện dữ liệu về dân cư của người dân. Chúng thường gọi, yêu cầu vào những thời điểm trong giờ hành chính, giờ làm việc… để người dân không thể sắp xếp thời gian, từ chối yêu cầu “đến trụ sở Công an” và làm việc, trao đổi thông tin trực tiếp qua điện thoại.
Trước tình hình trên, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, giấy tờ tùy thân cho bất kỳ ai thông qua điện thoại, mạng xã hội. Điểm Giấy phép lái xe sẽ được tự động tích hợp khi cài đặt dịch vụ công mức độ 2 đối với người có Giấy phép lái xe, Cơ quan Công an không yêu cầu người dân phải cài đặt bất kỳ dịch vụ nào để được tích hợp điểm.
Đặc biệt lưu ý khi tiếp nhận cuộc gọi lạ tự xưng là cán bộ cơ quan nhà nước, cần thực hiện kiểm tra và xác minh danh tính đối tượng. Tuyệt đối không chuyển tiền theo yêu cầu, không tải về ứng dụng lạ hoặc các trang web không rõ nguồn gốc. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất để được hỗ trợ, giải quyết kịp thời.
CẢNH BÁO LỪA ĐẢO MUA SƠN TRÊN MẠNG TRÊN MẠNG XÃ HỘI
Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh Thái Bình) vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Phạm Trí Thành (SN 1988, trú tại thôn An Bồ, xã Dũng Tiến, huyện Vĩnh Bảo, TP. Hải Phòng) để điều tra về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự.
Theo đó, từ đầu năm 2023 đến nay, Thành sử dụng nhiều tài khoản Facebook tham gia các hội nhóm để rao bán sơn, vỏ thùng sơn. Sau khi khách hàng chốt đơn, chuyển khoản mua hàng xong, Thành cũng chặn luôn thông tin liên lạc và chiếm đoạt số tiền nhận được.
Bằng thủ đoạn trên, Phạm Trí Thành đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều bị hại trên cả nước. Bước đầu xác định, số tiền Thành chiếm đoạt trên 60 triệu đồng.
Trước thông tin trên, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo người dân nên thận trọng khi thực hiện giao dịch mua bán trên mạng xã hội hoặc qua hình thức trực tuyến.
Bên cạnh đó, người dân cần xác minh danh tính đối tượng, tìm hiểu độ uy tín của người bán và chất lượng sản phẩm trước khi mua hàng, không chuyển tiền đặt cọc trước để tránh bị chiếm đoạt tài sản. Nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động bảo mật thông tin cá nhân, nhất là các thông tin quan trọng như thẻ CCCD, thông tin tài khoản ngân hàng.
Đặc biệt, người dân không chuyển khoản, không cung cấp mã OTP cho cá nhân không quen biết; cần cẩn trọng và xác minh kỹ các thông tin tiếp nhận từ mạng xã hội và các cuộc gọi không rõ danh tính. Không nên truy cập bất kỳ liên kết hoặc tệp đính kèm nào nhận được từ những nguồn không rõ ràng.
Trường hợp nghi ngờ lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để được hướng dẫn xử lý.
MỸ: CẢNH GIÁC VỚI TIN NHẮN EMAIL GIẢ MẠO BỘ NÔNG NGHIỆP
Mới đây, Chương trình quản lý thực phẩm hữu cơ (NOP) cho biết nhiều cơ quan, tổ chức hoặc các đơn vị cung cấp chứng nhận trong lĩnh vực thực phẩm hữu cơ đã nhận được những tin nhắn email giả mạo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), yêu cầu cung cấp các thông tin cá nhân hoặc dụ dỗ truy cập vào đường dẫn có chứa mã độc.
Các đối tượng lừa đảo tạo lập tin nhắn email giả mạo, sử dụng logo của Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ, thông báo đến các doanh nghiệp, tổ chức về việc phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong quá trình sản xuất sản phẩm hoặc cung cấp chứng nhận trái phép.
Tin nhắn cũng yêu cầu người nhận nhanh chóng cung cấp các thông tin như số điện thoại, địa chỉ, thời gian bắt đầu hoạt động, doanh thu,... nhằm xác minh thông tin, nếu không sẽ đình chỉ hoặc thu hồi giấy phép hoạt động.
Để thực hiện các thao tác trên, người nhận được hướng dẫn truy cập vào đường dẫn được đính kèm trong tin nhắn. Sau khi truy cập, tin nhắn sẽ chuyển hướng người nhận tới trang web giả mạo, toàn bộ những thông tin sau khi cung cấp cho trang web đều sẽ bị thu thập và đánh cắp bởi các đối tượng lừa đảo.
Trước tình hình lừa đảo diễn ra, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo người dân đề cao cảnh giác khi nhận được tin nhắn với nội dung tương tự như trên. Cẩn trọng xác thực thông tin thông qua các trang tin uy tín hoặc cổng thông tin chính thống.
Tuyệt đối không làm theo hướng dẫn, không truy cập vào các đường dẫn lạ, không cung cấp thông tin cá nhân khi chưa chắc chắn trang web mà mình truy cập là chính chủ.
Khi nhận thấy dấu hiệu đáng ngờ, người dân cần nhanh chóng trình báo với lực lượng chức năng để kịp thời điều tra và ngăn chặn hành vi lừa đảo.
THỦ ĐOẠN GIẢ MẠO TRUNG TÂM HỖ TRỢ APPLE TIẾP TỤC TÁI DIỄN
Mới đây, trang tin về công nghệ Gadget Lite vừa đưa ra cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo giả mạo trung tâm hỗ trợ Apple, gửi tin nhắn giả mạo đến cho những nạn nhân sử dụng các thiết bị Apple nhằm đánh cắp thông tin và tài khoản Icloud.
Các đối tượng tạo lập tin nhắn giả mạo, sử dụng logo của Apple với tiêu đề :”Cảnh báo từ Apple”, thông báo rằng tài khoản Apple Pay của nạn nhân vừa thực hiện thành công một giao dịch trực tuyến.
Để tăng thêm mức độ uy tín, các giao dịch giả mạo này thường dựa trên những ứng dụng hoặc sản phẩm mà nạn nhân đã từng sử dụng hoặc đặt hàng trước đây. Các đối tượng cũng khuyến cáo liên lạc thông qua số điện thoại được đính kèm trong tin nhắn nếu giao dịch này không được thực hiện bởi chính nạn nhân.
Thông thường, những tin nhắn này thường tạo cảm giác khẩn trương, thúc ép người nhận chủ động liên hệ lại để xác minh thông tin, phòng ngừa khả năng tài khoản bị đánh cắp dẫn đến những giao dịch không mong muốn khác.
Sau khi gọi điện vào số điện thoại được đính kèm, nạn nhân sẽ được nối máy tới kẻ giả mạo nhân viên làm việc tại trung tâm hỗ trợ khách hàng, những kẻ này sẽ yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin cá nhân, tên đăng nhập và mật khẩu tài khoản Apple, đồng thời dụ dỗ tải về thiết bị các ứng dụng điều khiển từ xa như AnyDesk hoặc TeamViewer để trực tiếp xử lý và khắc phục vấn đề.
Trước diễn biến của thủ đoạn lừa đảo, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo người dân đề cao cảnh giác khi nhận được tin nhắn thông báo về những khoản tiền bất thường. Cẩn trọng xác minh nội dung tin nhắn thông qua các trang tin uy tín hoặc cổng thông tin chính thống.
Tuyệt đối không truy cập vào đường dẫn hoặc tải về ứng dụng lạ, không cung cấp thông tin cá nhân, thông tin ngân hàng hoặc chuyển tiền khi chưa xác minh được tính chính thống của trang web hoặc danh tính của người gửi.
Khi bắt gặp thấy dấu hiệu đáng ngờ, người dân cần nhanh chóng trình báo với lực lượng chức năng để kịp thời điều tra và ngăn chặn hành vi lừa đảo.
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()