Lắp đèn 'độ' xe phải đúng tiêu chuẩn kỹ thuật mới được đăng kiểm
Xe có thể thay đổi đèn theo kiểu loại khác nhưng chủ xe không được tự ý thay đổi mà phải sử dụng loại đèn đã được chứng nhận hoặc công bố hợp quy theo các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia liên quan đến đèn chiếu sáng phía trước và phải làm các thủ tục liên quan đến việc thay đổi, cải tạo theo quy định của pháp luật.
“Độ” đèn xe phải đảm bảo an toàn kỹ thuật
Liên quan đến việc nhiều chủ xe cho rằng quy định mới trong Thông tư 02 mới ban hành của Bộ GTVT cho phép “độ, chế” đèn xe, Cục Đăng kiểm Việt Nam khuyến cáo người dân cần hiểu đúng nội dung quy định.
Cụ thể, tại Phụ lục II Thông tư 02/2023/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung Thông tư 16/2021/TT-BGTVT quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, tại hạng mục kiểm tra đèn chiếu sáng phía trước đã bỏ quy định “Không đúng kiểu loại” ở hạng mục khiếm khuyết, hư hỏng.
Tuy nhiên, theo Cục Đăng kiểm Việt Nam khuyến cáo, chủ xe, người dân không nên nhầm lẫn quy định này. Bởi theo Luật Giao thông đường bộ quy định “Chủ phương tiện không được tự thay đổi kết cấu, tổng thành, hệ thống của xe không đúng với thiết kế của nhà chế tạo hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt”.
Mặt khác, Thông tư số 12/2022/TT-BGTVT cũng quy định: Đèn chiếu sáng phía trước của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ là mặt hàng thuộc Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ GTVT nên các đèn chiếu sáng phía trước khi lắp lên xe (kể cả trong trường hợp thay thế) phải là loại đèn đã được chứng nhận hoặc công bố hợp quy theo quy định (cơ sở sản xuất, lắp ráp hoặc nhập khẩu đèn chiếu sáng phía trước của xe phải làm thủ tục chứng nhận hoặc công bố hợp quy trước khi đưa ra thị trường).
Do đó, Cục Đăng kiểm khuyến cáo người dân phải hiểu đúng: Đèn chiếu sáng phía trước là một linh kiện ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn kỹ thuật của xe và các xe cùng tham gia giao thông nên hiện nay quy định các nước trên thế giới cũng như ở Việt Nam đều yêu cầu đèn chiếu sáng phía trước, trước khi được lắp đặt lên xe phải được chứng nhận thoả mãn các yêu cầu về đặc tính quang học quy định tại các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn quốc gia.
Đối với các đèn đã được chứng nhận thì khi sử dụng cho một loại xe cụ thể phải thoả mãn các yêu cầu về lắp đặt đèn trên xe như: số lượng, vị trí lắp đặt, khoảng cách giữa các đèn, tình trạng hoạt động của đèn, các yêu cầu về cường độ, độ lệch…
Xe có thể thay đổi đèn theo kiểu loại khác nhưng chủ xe không được tự ý thay đổi mà phải sử dụng loại đèn đã được chứng nhận hoặc công bố hợp quy theo các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia liên quan đến đèn chiếu sáng phía trước và phải làm các thủ tục liên quan đến việc thay đổi, cải tạo theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, đèn được thay thế phải đáp ứng được yêu cầu lắp đặt và phải đạt các yêu cầu về độ lệch, cường độ sáng… khi kiểm định.
“Theo quy định cũ (Thông tư 16/2021/TT-BGTVT) cho thấy bất cập bởi nhiều phương tiện sản xuất lâu năm đến nay không còn tiếp tục phân phối trên thị trường do đó, các phụ tùng của xe cũng không phổ biến. Quy định bắt buộc phải lắp đèn đúng kiểu loại khi thay thế đèn hỏng đã gây ra nhiều khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Do đó, Ban soạn thảo đã lắng nghe ý kiến của người dân và sửa đổi quy định trên”, đại diện Cục Đăng kiểm cho biết.
Xe không thể di chuyển đến đơn vị đăng kiểm, kiểm định thế nào?
Khoản 2, Điều 5 của Thông tư 02 quy định xe cơ giới phải được kiểm định trên dây chuyền kiểm định, trừ các trường hợp như:
Xe cơ giới chưa qua sử dụng thuộc trường hợp được miễn kiểm định lần đầu;
Xe cơ giới quá khổ, quá tải không vào được dây chuyền kiểm định: Hạng mục kiểm tra sự làm việc và hiệu quả phanh hoặc hạng mục khác không thực hiện kiểm tra được trên dây chuyền kiểm định (nếu có) được thực hiện trên đường thử ngoài dây chuyền hoặc thực hiện kiểm định ngoài đơn vị đăng kiểm theo quy định;
Xe cơ giới không thể di chuyển đến đơn vị đăng kiểm để kiểm định, bao gồm: Xe cơ giới không tham gia giao thông đường bộ; Xe cơ giới hoạt động tại các vùng đảo không có đơn vị kiểm định; Xe cơ giới đang hoạt động tại các khu vực bảo đảm về an toàn, an ninh, quốc phòng; Xe cơ giới hoạt động trong khu vực hạn chế như cảng, mỏ, công trường; Xe cơ giới đang thực hiện các nhiệm vụ cấp bách (phòng chống thiên tai, dịch bệnh).
So với Thông tư 16/2021, quy định này đã bổ sung thêm trường hợp xe cơ giới thuộc trường hợp miễn kiểm định lần đầu, ngoài ra bổ sung rõ một số khu vực hạn chế xe cơ giới không thể di chuyển đến đơn vị đăng kiểm để kiểm định như khu vực: cảng, mỏ, công trường,…
Khoản 3, Điều 8, Thông tư số 02/2023/TT-BGTVT cũng quy định về trình tự, cách thức thực hiện việc kiểm định ngoài dây chuyền kiểm định. Cụ thể:
Chủ xe có văn bản đề nghị theo mẫu tại Phụ lục IX ban hành kèm theo Thông tư nêu rõ lý do, địa điểm kiểm định ngoài đơn vị đăng kiểm kèm theo danh sách xe cơ giới đề nghị kiểm định gửi trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc hình thức phù hợp khác đến đơn vị đăng kiểm.
Đơn vị đăng kiểm kiểm tra, xem xét đề nghị của chủ xe, nếu đúng đối tượng theo quy định tại khoản 2, Điều 5 của Thông tư này và đủ điều kiện đường thử thì trong vòng 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của chủ xe, đơn vị đăng kiểm có văn bản thông báo cho chủ xe về thời gian kiểm tra. Trường hợp không đủ điều kiện đường thử thì có văn bản thông báo cho chủ xe và nêu rõ lý do.
Chủ xe đưa xe đến địa điểm kiểm tra, đơn vị đăng kiểm tiến hành kiểm định xe cơ giới theo trình tự và cách thức thực hiện theo quy định.
Chu kỳ đăng kiểm được đánh giá kỹ lưỡng, đảm bảo an toàn cho người sử dụng phương tiện
Liên quan đến việc anh Điền Mạnh Hùng (TP. Ninh Bình) có gửi câu hỏi đến Cổng Thông tin điện tử Chính phủ về vấn đề chu kỳ đăng kiểm xe gia đình. Anh Hùng cho rằng, đối với xe hộ gia đình ít sử dụng không cần thiết trên 15 năm phải đưa đi đăng kiểm 6 tháng/lần.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Tô An, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết: Không phải trong thời gian ngắn mà Ban soạn thảo ban hành được Thông tư số 02/2023 mà Cục Đăng kiểm Việt Nam đã được Bộ GTVT giao nhiệm vụ tìm hiểu, chuẩn bị, nghiên cứu và đánh giá về vấn đề này từ trước. Các nhóm nghiên cứu được thành lập và phân công nhiệm vụ cụ thể. Có nhóm thu thập thông tin về các quốc gia trên thế giới, có nhóm liên lạc với các đồng nghiệp, đối tác để thu thập những tài liệu tham khảo của các quốc gia trong khu vực Liên minh châu Âu.
“Ví dụ như Bỉ là quốc gia châu Âu, có nền kinh tế xã hội, chất lượng phương tiện, đường sá giao thông, khí hậu, cả dân trí cao hơn Việt Nam rất nhiều nhưng vẫn quy định chu kỳ kiểm định xe lưu hành trên 10 năm chỉ khoảng 3 tháng/lần. Hoặc ở Indonesia là quốc gia thuộc Đông Nam Á cũng áp dụng chặt chẽ, quy định 6 tháng/ lần với các nhóm phương tiện, bao gồm cả xe không kinh doanh vận tải”, ông An cho biết.
Từ những thông tin này, Ban soạn thảo đã nghiên cứu, tham khảo nhưng vẫn phải căn cứ vào điều kiện thực tiễn Việt Nam, từ khí hậu, tập quán sử dụng, kết quả phân tích nghiên cứu, đến hệ thống cơ sở dữ liệu của các phương tiện để thống kê, đánh giá một cách nghiêm túc. Do đó, Cục Đăng kiểm cũng khẩng định việc nghiên cứu, đánh giá các yếu tố có thể gây nguy hiểm cho phương tiện, người dân, xã hội được thực hiện một cách kỹ lưỡng, bài bản, trách nhiệm trong Thông tư 02 vừa ban hành.
Nguồn:https://baochinhphu.vn/lap-den-do-xe-phai-dung-tieu-chuan-ky-thuat-moi-duoc-dang-kiem-102230327205038376.htm
Ý kiến ()