Lấp đầy khoảng trống bảo hiểm xã hội trong khu vực phi chính thức
Mới đây, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có văn bản gửi Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội góp ý về chính sách an sinh, cải thiện điều kiện việc làm cho đối tượng tài xế xe công nghệ.
Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đến nay, cả nước có khoảng 200.000 lái xe công nghệ (mô-tô, ô-tô). Kết quả khảo sát do tổ chức đại diện người lao động phối hợp với Trung tâm Tư vấn sức khỏe và phát triển cộng đồng thực hiện cho thấy, mặc dù lái xe công nghệ phải làm việc trung bình khoảng 9 đến 16 giờ mỗi ngày và liên tục từ 26-28 ngày/tháng trong điều kiện rất vất vả, căng thẳng và áp lực… nhưng thu nhập lại khá thấp. Điều đáng nói là trong số 100 lái xe tham gia khảo sát không có người lao động nào được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc (vì chỉ được hãng Grab xem là “đối tác” mà không phải là “người lao động”) và chỉ có sáu người cho biết đang tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; một người đang hưởng lương hưu.
Trong khi đó, chỉ có 42% số người đã được nghe đến các chế độ an sinh xã hội và 67% không rõ gồm những chế độ gì; biết và nghe về bảo hiểm xã hội tự nguyện là 66%, bảo hiểm y tế là 89%. Về lý do không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, 68,4% chia sẻ họ không có đủ tiền; 21,1% thấy không có nhiều lợi ích cho bản thân và 10,5% cho biết họ không hiểu biết nhiều hoặc không có nhu cầu, chưa nghĩ đến và cũng không biết hỏi ai. Mặc dù vậy, có tới 45,5% số lái xe công nghệ được hỏi hy vọng Grab có thể tư vấn, hướng dẫn thủ tục; hỗ trợ tham gia hoặc phối hợp cơ quan bảo hiểm xã hội để họ có thể tham gia bảo hiểm xã hội…
Có thể thấy, những vấn đề liên quan an sinh xã hội nói chung, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế nói riêng mà đội ngũ lái xe công nghệ đang phải đối mặt cũng là thực trạng chung của lao động phi chính thức tại Việt Nam.
Theo các chuyên gia lao động, nếu tính cả số lao động trong khu vực nông nghiệp thì hiện nay tổng số lao động phi chính thức ở Việt Nam có thể lên tới 40 triệu người, chiếm khoảng 70% lực lượng lao động. Dù có nhiều đóng góp, nhưng phần lớn lao động trong khu vực này lại có việc làm bấp bênh, thiếu ổn định, không có hợp đồng lao động, thời gian làm việc dài, thu nhập thấp… Tuy nhiên, đến nay có tới 97,9% số lao động phi chính thức không có bảo hiểm xã hội; chỉ có 0,2% được đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, còn lại 1,9% đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Thực tế đó cho thấy, để lấp đầy khoảng trống bảo hiểm xã hội trong khu vực phi chính thức, hiện thực hóa mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân, trước hết, cần tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện Luật Bảo hiểm xã hội và các chính sách khác để tăng cường khả năng tiếp cận các chương trình an sinh xã hội cho lao động phi chính thức ở các ngành nghề, trong đó có những nghề như lái xe công nghệ theo hướng mở rộng, linh hoạt, phù hợp đặc điểm, điều kiện thực tế về việc làm, thu nhập của nhóm lao động này.
Bên cạnh đó, cần tăng cường nhận thức và hiểu biết của lao động phi chính thức về pháp luật lao động và các chính sách an sinh quan trọng như bảo hiểm xã hội. Về lâu dài, bên cạnh việc khuyến khích, hỗ trợ người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, cần có giải pháp nâng cao chất lượng lao động khu vực phi chính thức; từng bước “chính thức hóa” lao động trong khu vực này; đồng thời bảo đảm sự tuân thủ của các chủ sử dụng lao động trong ký hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động…
Ý kiến ()