Lập danh lục 1.657 loài cây thuốc ở Tây Nguyên
Theo Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, qua điều tra, nghiên cứu, trong danh lục 1.657 loài cây thuốc, đặc biệt có 88 loài cây thuốc có tên trong Sách Đỏ Việt Nam, gồm 4 loài ở mức rất nguy cấp như Thông nước (Glyptostrobus), Ba gạc Ấn Độ (Rauvolfia serpentine), Vủ hương (Cinnamomumparthenoxylon) và Kim cang (Petelot- Smilax petelotii), cùng 37 loài ở mức nguy cấp và 47 loài ở mức sẽ nguy cấp.
Hàng chục loài cây thuốc hiện phân bố tự nhiên ở Tây Nguyên đã được nghiên cứu, thử nghiệm hoạt tính sinh học (kháng khuẩn, kháng oxy hoá và gây độc tế bào) cả các dịch chiết cũng như các hợp chất sạc.
Cùng với đó là 359 bài thuốc sử dụng các loại cây thuốc tại chỗ của đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng Tây Nguyên được tập hợp, sưu tầm. Trong đó số loài cây thuốc được biết nhiều nhất tập trung vào nhóm các bệnh đường tiêu hoá, nhóm các bệnh lý về sức khoẻ sinh sản của phụ nữ. Có tới 320 bài thuốc chỉ sử dụng “độc vị” (chỉ dùng duy nhất 1 loại cây thuốc), 26 bài thuốc sử dụng 2 loài cây thuốc, 15 bài thuốc sử dụng 3 loài cây thuốc…
Các nhà khoa học đã nghiên cứu quy trình nhân giống bằng hạt, gây trồng và chăm sóc để bảo tồn và phát triển đối với một số loài cây thuốc quý hiếm, có giá trị cao như Thảo nam sơn, Xáo leo, Xoan nhừ, Tuyết ngọc, Hoàng long, Hoàng thảo nhất điểm hồng, Hoàng thảo dẹt, Bạc lan…
Hiện tại Tây Nguyên có 5 vườn quốc gia là Chư Mom Ray, Kon Ka Kinh (Gia Lai), Yok Đôn, Chư Yang Sinh (Đắk Lắk), Bidoup Núi Bà (Lâm Đồng) và 6 khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh (Kon Tum), Kon Cha Răng (Gia Lai), Ea Sô, Nam Ka (Đắk Lắk), Nam Nung, Tà Đùng (Đắk Nông). Đây chính là nơi bảo tồn tại chỗ các loài thực vật và cây thuốc khá hiện hữu. Tuy nhiên, công việc bảo tồn và khai thác các loài quý hiếm này trong các vườn quốc gia hay khu bảo tồn thiên nhiên vẫn còn đang là việc đáng phải bàn.
Theo ông Nguyễn Văn Dư, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam), công tác bảo tồn các loài cây quý hiếm trong đó có nhiều loài cây thuốc ở Tây Nguyên đã được làm từ rất sớm.
Năm 1996, lần đầu tiên Sách đỏ Việt Nam được xuất bản đầu tiên, trong đó ghi nhận nhiều loài cây thuốc ở Tây Nguyên trong tình trạng bị đe dọa tuyệt chủng. Trong các nguyên nhân làm cho các loài cây thuốc bị đe dọa tuyệt chủng phải kể đến nạn khai thác một cách triệt để, thu mua ồ ạt với số lượng lớn, liên tục trong nhiều năm. Những loài bị thu mua nhiều nhất là Lan kim tuyến, Vàng đắng, Thổ phục linh, Bình vôi… Tiếp nữa, cây thuốc bị đe dọa do sự mở rộng diện tích trồng cây công nghiệp, áp lực gia tăng dân số, dân di cư tự do, đô thị hóa nông thôn…
Vì vậy, để bảo tồn, khai thác bền vững nguồn dược liệu quý ở Tây Nguyên, nhiều nhà nghiên cứu kiến nghị khẩn trương có đề án, kế hoạch bảo tồn nguyên trạng các loài cây thuốc đang có ngoài tự nhiên, khoanh vùng quản lý, giám sát chặt chẽ việc thu hái cây thuốc phù hợp với tốc độ tái sinh tự nhiên. Bên cạnh đó, các tỉnh Tây Nguyên cũng sớm xây dựng các vườn bảo tồn và phát triển cây thuốc quốc gia tại mỗi vùng khí hậu nhằm bảo tồn ngoại vị (exsitu) các loài quý hiếm, có giá trị và phát triển chúng thành nguồn giống phục vụ cho chương trình phát triển dược liệu quốc gia; nhân giống trồng tại các vườn ươm, vườn nhà, các vùng trồng cây thuốc… nhằm bảo tồn, phát triển các loài cây thuốc vùng Tây Nguyên.
Ý kiến ()