Lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, tránh lãng phí cho doanh nghiệp
Thay vì buộc doanh nghiệp chi quá nhiều tiền cho công tác lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) duy nhất trong khi dự án chưa chắc đã được thông qua, dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) sẽ quy định, quá trình lập ĐTM sẽ giúp sàng lọc các dự án “có vấn đề” ngay từ đầu, tránh rủi ro, lãng phí cho doanh nghiệp…
Thay vì buộc doanh nghiệp chi quá nhiều tiền cho công tác lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) duy nhất trong khi dự án chưa chắc đã được thông qua, dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) sẽ quy định, quá trình lập ĐTM sẽ giúp sàng lọc các dự án “có vấn đề” ngay từ đầu, tránh rủi ro, lãng phí cho doanh nghiệp…
Đó là một trong những nội dung quan trọng được nhiều đại biểu đề cập tại Hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) do Liên hiệp các Hội khoa học kĩ thuật Việt Nam đã tổ chức sáng 1/8 tại Hà Nội.
Ảnh minh họa. Nguồn: dantri.com.vn |
Lập ĐTM để tránh lãng phí cho doanh nghiệp
Theo các chuyên gia môi trường, ĐTM là công cụ để phê duyệt các dự án có nguy cơ tổn hại tới môi trường. Các dự án bắt buộc phải làm ĐTM gồm: các dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ; các dự án có sử dụng đất của khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia, khu di tích lịch sử – văn hóa, khu di sản thế giới, khu dữ trữ sinh quyển…; các dự án có tác động xấu tới môi trường và xã hội.
Theo dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), tất cả các dự án đều phải trải qua 2 qui trình thẩm định: ĐTM sơ bộ và ĐTM chi tiết. ĐTM sơ bộ được thực hiện trong giai đoạn xin cấp g iấy phép đầu tư , ĐTM chi tiết được thực hiện trong giai đoạn thiết kế xây dựng. Nội dung ĐTM sơ bộ giúp cơ quan quản lý môi trường có đủ cơ sở cân nhắc và đưa ra các nhận xét về lựa chọn địa điểm, về lựa chọn nguyên liệu và công nghệ, từ đó quyết định có thông qua dự án hay không. Khi được chấp thuận, chủ đầu tư mới cần làm ĐTM chi tiết. Việc làm này, theo các chuyên gia, sẽ góp phần sàng lọc các dự án, tránh việc lãng phí cho doanh nghiệp.
Hiện nay, các dự án vẫn phải làm báo cáo tiền khả thi trong quá trình xin cấp giấy phép đầu tư, mất nhiều thời gian, kinh phí, sẽ là gánh nặng vật chất với doanh nghiệp nếu dự án bị bác bỏ.
Theo PGS,TS Nguyễn Đình Hòe, Tổng thư kí Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam , đ ã có những trường hợp ĐTM được đánh giá là xuất sắc nhưng cuối cùng dự án bị hủy bỏ, doanh nghiệp thiệt hại hàng tỉ đồng .
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Lê Kế Sơn cũng cho rằng, việc lập ĐTM qua 2 bước sẽ hạn chế rủi ro cho doanh nghiệp. Nếu ở ngay ĐTM sơ bộ, dự án bộc lộ “vấn đề”, không được chấp thuận đầu tư thì chủ dự án sẽ không phải mất thời gian, kinh phí làm ĐTM chi tiết. Ông Sơn lấy ví dụ về trường hợp thủy điện Đồng Nai 6, 6A, chủ đầu tư đã bỏ hàng chục tỉ đồng để làm báo cáo tiền khả thi, nếu dự án không được thông qua, doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nề.
Các chuyên gia cũng cho rằng, để đảm bảo khách quan, việc thẩm định ĐTM nên qui về đầu mối chung là Bộ Tài nguyên và Môi trường, tránh giao thẩm quyền cho quá nhiều đơn vị. Hiện nay, theo phân cấp, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ thẩm định ĐTM của các dự án do Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định; các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm, suy thoái môi trường nghiêm trọng và các dự án liên ngành, liên tỉnh. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tổ chức thẩm định ĐTM các dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của mình. Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh sẽ thẩm định ĐTM các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, PGS,TS Nguyễn Đình Hòe cho rằng, việc phân cấp này cho phép cơ quan phê duyệt dự án nào sẽ thẩm định báo cáo ĐTM của dự án đó, như thế chẳng khác nào “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Việc giao trách nhiệm thẩm định cho các địa phương phê duyệt dự án đầu tư trên địa bàn của mình cũng bộc lộ nhiều hạn chế. Bởi lẽ trên thực tế, có nhiều dự án có qui mô ảnh hưởng liên tỉnh nhưng lại nằm trong 1 tỉnh, do tỉnh đó cho phép đầu tư, địa phương bị ảnh hưởng không được tham gia. Thời gian qua, việc Đà Nẵng xây thủy điện Đắk Mi 4 chuyển nước từ sông Vu Gia về Thu Bồn khiến hàng ngàn hộ dân ở Quảng Nam rơi vào tình trạng thiếu nước sinh hoạt, thiếu nước sản xuất…đã là ví dụ tiêu biểu
Không nên nhập khẩu phế liệu dưới bất kỳ hình thức nào
Tại Hội thảo các đại biểu cũng đề cập Dự thảo Luật lần này cần tránh các vấn đề nhập khẩu phế liệu bởi có quy định tại điều 3 khoản 15, nhưng lại không có nội dung nào đề cập đến trong cả chương VIII “Quản lý chất thải”. Bởi vậy, để không mắc lại những rắc rối ở các văn bản dưới luật như vừa qua, các đại biểu kiến nghị không nên nhập khẩu phế liệu dưới bất kỳ hình thức nào.
Về quy định bảo vệ môi trường đối với làng nghề, theo các chuyên gia môi trường, Luật quy định khó có thể áp dụng rộng rãi cho làng nghề, bởi hiện nay các hộ dân trong làng nghề là những hộ cá thể, thường thiếu sự hợp tác đủ mức để cùng chăm lo đến môi trường, công nghệ lạc hậu, quản lý nghề theo kiểu gia đình truyền thống, khó áp dụng chế tài với cộng đồng nông thôn. Bởi vậy, Luật nên chăng quy định rõ những nghề gây ô nhiễm nghiêm trọng cần chuyển sang khu quy hoạch cho sản xuất riêng, không được sản xuất trong làng.
Về quy hoạch môi trường vùng kinh tế – xã hội, nhiều đại biểu cho rằng, hiện tại Việt Nam không có đơn vị hành chính nào quản lý vùng kinh tế – xã hội nên cần bỏ quy định về Quy hoạch môi trường vùng kinh tế – xã hội, thay bằng Định hướng Quy hoạch môi trường vùng kinh tế – xã hội do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành, để định hướng cho các tỉnh, thành phố trực thuộc vùng đó xây dựng quy hoạch môi trường.
Bên cạnh đó, những quan niệm về an ninh khí hậu, an ninh nguồn nước, an ninh sinh thái vốn là những bộ phận của an ninh môi trường hiện nay đã được áp dụng rộng rãi trên thế giới. Những vấn đề chiến tranh sinh thái, vũ khí sinh thái hay vũ khí môi trường cũng thuộc phạm vi an ninh môi trường. Bởi vậy, để có thể đảm bảo an ninh môi trường, Luật cần xây dựng và hoàn thiện các quy định về an ninh môi trường để nhận diện và phân loại các vấn đề môi trường theo mức độ mất an ninh về môi trường, nhằm cảnh báo sớm khi môi trường quốc gia hay khu vực trở nên kém an ninh.
Theo CPV
Ý kiến ()