Lào xúc tiến hội nhập các điều ước quốc tế về thương mại
Trụ sở Bộ Công thương Lào.
Phát biểu trong cuộc hội thảo tổ chức tại Bộ Công thương Lào ngày 19-3 nhằm tìm hiểu về CISG với sự tham gia của một số tổ chức quốc tế và các chuyên gia, công ty tư vấn pháp luật về vấn đề Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, ông Santisuck Phoumsavant, Phó Cục trưởng Cục Chính sách Ngoại thương, Bộ Công thương Lào cho biết, Lào đang rất muốn tìm hiểu các nội dung cơ bản cũng như cách giải quyết những mâu thuẫn được đề cập trong Công ước bởi Lào đang đặt mục tiêu sớm trở thành thành viên của CISG.
Do CISG có hiệu lực đối với các hợp đồng mua bán giữa các bên có trụ sở thương mại tại các nước là thành viên của Công ước, đồng thời khuyến khích tự do trong thương mại hướng tới việc giúp các nước thành viên hoàn thiện khung pháp lý về vấn đề Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, vì vậy, việc gia nhập CISG rất có lợi cho các nước có nền kinh tế mới nổi. Điều này rất phù hợp với nền kinh tế Lào khi mấy năm gần đây, nền kinh tế Lào có mức tăng trưởng cao so các nước trong khu vực.
Theo ông Santisuck Phoumsavant, hiện tại Lào chưa có các cuộc nghiên cứu, tìm hiểu về vấn đề này trong lĩnh vực thương mại. Vì vậy, có một thực tế là Lào đang gặp lúng túng khi giải quyết những vụ kiện cáo về thương mại quốc tế giữa nhà nhập khẩu và nhà xuất khẩu hàng hóa.
Có thể thấy, sớm gia nhập CISG sẽ giúp Lào tăng mức độ hội nhập, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật và đặc biệt phù hợp với các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Lào, giúp giảm chi phí giao dịch và các tranh chấp phát sinh cho doanh nghiệp.
Hiện CISG đã có 89 thành viên chính thức như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, 23 nước châu Âu,…. Trong khối ASEAN đã có Singapore và Việt Nam là thành viên của CISG. Như vậy, hầu hết các đối tác thương mại chính của Lào đã là thành viên của CISG, vì vậy, sớm gia nhập Công ước này sẽ giúp Lào không bị bất lợi khi phát sinh các tranh chấp pháp lý thương mại quốc tế, đẩy nhanh quá trình hội nhập kinh tế của Lào ra khu vực và thế giới.
Theo Nhandan
Ý kiến ()