Lào và Thái-lan đẩy mạnh hợp tác để hội nhập kinh tế ASEAN
Trong nhiều năm qua, hợp tác kinh tế song phương giữa Lào và Thái-lan có những bước tiến rõ rệt theo xu hướng tăng cường hội nhập kinh tế khu vực, góp phần thúc đẩy quá trình hiện thực hóa ước mơ xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015.Do có đường biên giới chung dài cùng với sự tương đồng về ngôn ngữ và văn hóa, hai nước có nhiều lợi thế đáng kể để thúc đẩy hợp tác song phương, Thái-lan nằm trong tốp những đối tác thương mại, nhà đầu tư hàng đầu của Lào. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư Thái-lan, giá trị kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước năm 2011 đạt 3,9 tỷ USD, tăng 35,8% so với năm trước. Trong giai đoạn 2000-2010, Băng-cốc đã đầu tư 276 công trình tại Lào trong nhiều lĩnh vực như năng lượng, giấy, đường... với tổng giá trị lên đến 2,69 tỷ USD.Thái-lan là nhà đầu tư lớn tại Lào trong các lĩnh vực khai thác mỏ và thủy điện. Đây là các ngành công nghiệp mũi nhọn, đóng vai trò chủ yếu trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Lào, chiếm khoảng...
Do có đường biên giới chung dài cùng với sự tương đồng về ngôn ngữ và văn hóa, hai nước có nhiều lợi thế đáng kể để thúc đẩy hợp tác song phương, Thái-lan nằm trong tốp những đối tác thương mại, nhà đầu tư hàng đầu của Lào. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư Thái-lan, giá trị kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước năm 2011 đạt 3,9 tỷ USD, tăng 35,8% so với năm trước. Trong giai đoạn 2000-2010, Băng-cốc đã đầu tư 276 công trình tại Lào trong nhiều lĩnh vực như năng lượng, giấy, đường… với tổng giá trị lên đến 2,69 tỷ USD.
Thái-lan là nhà đầu tư lớn tại Lào trong các lĩnh vực khai thác mỏ và thủy điện. Đây là các ngành công nghiệp mũi nhọn, đóng vai trò chủ yếu trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Lào, chiếm khoảng 80% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và 50% mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), doanh thu từ xuất khẩu đồng của Viêng Chăn đạt 1,3 tỷ USD và vàng đạt 240 triệu USD trong năm 2011. Với các dự án xây dựng hàng chục đập thủy điện mới, Lào hướng tới mục tiêu trở thành “nguồn năng lượng của Đông – Nam Á”, cung cấp 8% lượng điện cho khu vực này vào năm 2025, với tiềm năng sản xuất 28 nghìn MW điện. Băng-cốc hợp tác triển khai nhiều dự án thủy điện tại Lào, trong đó có đập thủy điện Nậm Thun 2, trị giá 1,45 tỷ USD với tổng công suất 1.086 MW, giúp tăng gấp đôi sản lượng điện của Lào kể từ tháng 3-2010. Ngoài ra, hai Công ty khai thác than Ban-pu và Công ty Điện lực Rát-cha-bu-ri (RATCH) của Thái-lan nắm giữ tổng cộng 80% cổ phần của Nhà máy nhiệt điện than non Hông-xa, trị giá 3,7 tỷ USD với công suất 1.800 MW, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2015 và trở thành nhà máy điện lớn nhất tại đất nước Triệu Voi.
Băng-cốc là nhà nhập khẩu điện chủ yếu của Viêng Chăn. Với nền kinh tế tăng trưởng liên tục trong 30 năm qua, nhu cầu điện của Thái-lan ngày càng tăng, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp. Công ty Giám sát Doanh nghiệp quốc tế (BMI) dự báo, nhu cầu tiêu thụ điện của Thái-lan tăng trung bình 4,9% mỗi năm trong giai đoạn từ năm 2011 đến 2020. Hiện nay, Lào xuất khẩu sang Thái-lan gần 2.000 MW điện mỗi năm, chiếm khoảng 80% tổng sản lượng điện của các đập thủy điện tại Lào. Băng-cốc dự kiến mua khoảng 7.000 MW điện của Viêng Chăn vào năm 2020. Thái-lan đồng thời xuất khẩu nhiều mặt hàng sang Lào. Trung bình mỗi năm, Lào nhập khẩu từ Thái-lan 2,7 tỷ USD, hầu hết là các sản phẩm xăng dầu, ô-tô, phụ tùng, cấu kiện thép, vật liệu xây dựng và các sản phẩm tiêu dùng.
Trong bối cảnh nền kinh tế các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông – Nam Á (ASEAN) đang tăng cường hội nhập, cắt giảm biểu thuế quan, Chính phủ và doanh nghiệp Lào và Thái-lan tiếp tục xúc tiến mạnh mẽ quan hệ hợp tác song phương. Tại cuộc họp mới đây ở Băng-cốc, Bộ trưởng Thương mại Thái-lan B.Tê-ri-y-a-phi-rôm và Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Lào X.Vi-nha-kệt thể hiện mong muốn tăng gấp đôi kim ngạch trao đổi thương mại giữa hai nước, lên tám tỷ USD vào năm 2015. Theo khuôn khổ Thỏa thuận hướng tới Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) năm 2015, hai nước nhất trí bãi bỏ hàng rào phi thuế quan và thúc đẩy buôn bán, đầu tư dọc các tỉnh biên giới. Đồng thời, Băng-cốc và Viêng Chăn đang bàn thảo các biện pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động giao thương. Thông tấn xã Thái-lan (MCOT) cho biết, hai nước sẽ dỡ bỏ rào cản thương mại và đầu tư, nhất là tại các trạm kiểm soát biên giới. Chương trình hợp tác này gồm việc thực hiện thủ tục hải quan một cửa, triển lãm hàng hóa địa phương, hợp tác khoa học, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp hai nước xuất nhập khẩu hàng hóa. Lãnh đạo hai nước đề xuất các bước nâng cao hiệu quả hoạt động của mười cửa khẩu chính thức và tạm thời ở Nậm Khai, U-bôn Rát-cha-tha-ni và các tỉnh khác của Thái-lan giáp biên giới Lào; hợp tác nhằm nâng giá gạo, giúp tăng thu nhập cho nông dân trong khu vực.
Sau trận lũ lịch sử năm ngoái, nền kinh tế của Thái-lan đang từng bước khôi phục với các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng của chính phủ. Trong khi đó, Lào sẽ tổ chức Diễn đàn đối tác Nghị viện Á – Âu (ASEP 7) và Hội nghị cấp cao Á – Âu (ASEM 9) năm 2012 và đang hoàn tất các thủ tục gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Cả hai nước đang đứng trước thời cơ tốt để tăng cường hợp tác nhiều mặt, góp phần thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế, hướng tới xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015.
Theo Nhandan
Ý kiến ()