Lão nông làm kinh tế giỏi
(LSO) – Ông Vy Văn Can, thôn Bó Luông, xã Đồng Ý, huyện Bắc Sơn được biết đến là người thành công nhất với mô hình trồng gừng núi đá từ nuôi cấy mô. Không chỉ vậy, ông còn là người tiên phong trồng cây ăn quả và làm vườn ươm của xã với thu nhập từ 500 – 600 triệu đồng/năm.
Ông Can sinh năm 1968 tại xã Đồng Ý. Năm 1991, sau khi lập gia đình, ông phải bươn trải nhiều nghề để kiếm sống từ làm thuê, công nhân đến phát triển ruộng vườn, chăn nuôi để có thu nhập…
Vốn là người năng động, nhạy bén, năm 2006, qua truyền thông, ông biết đến các mô hình trồng cây ăn quả cho thu nhập cao. Ngay sau đó, ông tìm về Hưng Yên mua hơn 100 cây giống bưởi Diễn (cây ghép) để trồng. Thấy cây sinh trưởng, phát triển tốt, ông tích cực chăm sóc và mở rộng diện tích trồng.
Sau 4 năm vun trồng, năm 2010, vườn bưởi Diễn của ông Can bắt đầu cho thu hoạch. Nhận thấy hiệu quả kinh tế, ông quyết tâm mở rộng vườn lên 400 cây, trong đó hơn 300 cây đang cho thu hoạch. Hiện nay, trung bình mỗi cây bưởi cho thu từ 100 – 150 quả/cây, với giá bán từ 18 – 20 nghìn đồng/quả, trừ chi phí, ông thu nhập từ 300 – 350 triệu đồng/năm.
Ông Vy Văn Can kiểm tra chất lượng quả bưởi
Ông Can tâm sự: Là người Bắc Sơn, qua các lần đi rừng tôi biết đến cây gừng núi đá. Tìm hiểu được biết đây là cây trồng bản địa có nhiều ưu điểm, phù hợp với khí hậu, tôi đã lấy trên rừng về trồng thử nhưng hiệu quả không cao vì khi tách cây, tỉ lệ hư hao rất lớn. Năm 2016, khi Trung tâm Ứng dụng Phát triển Khoa học Công nghệ và Đo lường Chất lượng sản phẩm triển khai đề tài “Ứng dụng khoa học công nghệ nhân giống gừng đá bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào”, tôi đã đăng ký tham gia. Thấy hiệu quả kinh tế, tôi quyết tâm đầu tư và dành nhiều thời gian, công sức để nghiên cứu cách trồng, chăm sóc sao cho cây đạt năng suất cao nhất.
Nhờ sự cần cù, chịu khó, ham học hỏi, chỉ sau một thời gian ngắn, ông Can đã nắm rõ quy trình chăm sóc. Từ đó, ông đầu tư hàng trăm triệu đồng để làm nhà xưởng; hệ thống tưới nước tự động… để duy trì trồng và mở rộng diện tích cây gừng núi đá. Hiện nay, trung bình mỗi năm, ông trồng từ 1.500 – 2.500 chậu gừng núi đá từ nuôi cấy mô. Trong đó, ông dành một nửa để bán gừng giống, với những cây cao từ 15 – 20 cm, giá bán trung bình từ 90 – 100 nghìn đồng/khóm (có từ 8 – 10 nhánh). Số còn lại, ông bán làm gừng thương phẩm với giá 500 nghìn đồng/kg, chủ yếu cho các nhà hàng, quán ăn tại Lạng Sơn, Thái Nguyên… để làm gia vị.
Kỹ sư Lâm Mai Tùng, Trưởng Phòng Ứng dụng chuyển giao, Trung tâm ứng dụng Phát triển Khoa học Công nghệ và Đo lường Chất lượng sản phẩm cho biết: Từ năm 2016 đến nay, thực hiện đề tài nhân giống gừng núi đá bằng nuôi cấy mô tế bào, trung tâm đã triển khai thực hiện được 15 mô hình thuộc 3 huyện: Bắc Sơn, Bình Gia, Chi Lăng. Trong đó, mô hình của ông Vy Văn Can, xã Đồng Ý được coi là mô hình trồng hiệu quả nhất. Trong suốt quá trình làm, ông Can luôn tìm tòi, sáng tạo và sẵn sàng đầu tư mở rộng quy mô ngay cả khi không được hỗ trợ. Từ đó, đã có nhiều người đến tham quan, học hỏi mô hình và mua cây giống về trồng. Điều này góp phần quan trọng trong việc nhân giống, bảo tồn nguồn gen của cây dược liệu quý này. Đồng thời tạo ra nguồn sản phẩm hàng hóa có năng suất ổn định, giúp bà con nâng cao thu nhập từ cây trồng bản địa mà tỉnh đang hướng đến bảo tồn, nhân rộng…
Ý kiến ()