Lão nông 'dành cả thanh xuân' sưu tầm 4.000 cối đá về xây công trình độc lạ
Chủ nhật, 28/04/2024 | 10:51:16 [(GMT +7)] A A
Hơn 40 năm đi sưu tầm cối đá, trục đá, ông Trần Công Nhẫn (64 tuổi, quê Thái Bình) thường nói vui rằng ông đã dành cả thanh xuân để theo đuổi đam mê "khác người".
Xã hội phát triển, nhiều công cụ hiện đại ra đời phục vụ đời sống sinh hoạt, sản xuất thì những vật dụng làm bằng đá một thời gắn bó với người nông dân như cối giã gạo, trục lúa, cối giã giò, cối giã thức ăn gia súc, hòn kê chân cột... cũng dần bị lãng quên. Có người bỏ chúng đi, có gia đình giữ lại để trồng cây xanh... Thế nhưng vẫn có những người ngày ngày miệt mài đi sưu tầm những chiếc cối ấy để lưu giữ lại những giá trị văn hoá từng tồn tại, thịnh hành ở làng quê Việt Nam. Một trong số đó là ông Trần Công Nhẫn (64 tuổi, quê xã Quỳnh Hưng, huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình).
Nhà ông Nhẫn liền kề khuôn viên đình làng. Ấn tượng đầu tiên khi đến nơi vợ chồng ông Nhẫn sinh sống ở xã Quỳnh Hưng là chiếc cổng được làm chủ yếu từ những cối đá.
Chiếc cổng do ông Nhẫn tự tay thiết kế và làm những công đoạn ở tầm thấp.
Qua con ngõ dài chừng 20m là hai trụ cổng khác cũng được tạo nên bởi những cối đá gắn với nhau.
Ông Nhẫn cho biết, ông còn tự đưa ra ý tưởng tôn tạo đình làng với các cột trụ phía trước cũng từ những cối đá xếp chồng lên nhau.
Ông Đỗ Văn Chiến (người cùng xã Quỳnh Hưng) cho hay, ông Nhẫn là người chăm chỉ, ông đi khắp nơi, không quản nắng mưa chỉ để tìm kiếm cối đá. Có hôm, ông Nhẫn còn lặn ao rồi tự mình đưa cối đá từ dưới lên.
Sau gần 45 năm sưu tầm, ông Nhẫn sở hữu gần 4.000 các sản phẩm cối đá các loại. Đó là chưa kể khoảng 2.000 chiếc ông phải bán đi vì không có chỗ để.
Theo lời kể của lão nông này, năm 21 tuổi, thấy trục đá đã vỡ từ một gia đình bỏ đi, ông mang về gắn lại để kê chậu cảnh. "Từ đó tôi nghĩ tới những chiếc cổng, ngõ có thể làm từ cối, trục đá và tôi bắt đầu quá trình đi sưu tầm của mình. Ban đầu, việc sưu tầm gặp nhiều khó khăn vì thời đó, các gia đình vẫn sử dụng cối đá như vật liền thân. Sau này, khi họ không dùng hoặc bỏ đi, việc sưu tầm của tôi cũng dễ dàng hơn", ông Nhẫn chia sẻ.
Ông Nhẫn cười bảo, ông đã dành cả thanh xuân để đi tìm cối đá, trục đá có tuổi đời cả trăm năm. Thời gian đầu, vợ ông cản với lý do "tha về chật nhà".
Khi những công trình bằng cối đá dần thành hình, mang màu sắc tươi mới, độc đáo, mọi người đã có cái nhìn khác về công việc ông Nhẫn đang theo.
Đến nay, ai cũng quen thuộc hình ảnh người nông dân tuổi lục tuần ngày ngày cùng chiếc xe lôi đi khắp các con đường ở Thái Bình để tìm đồ bằng đá. Có những ngày đi từ sáng đến tối ông mới sưu tầm được đủ một chuyến xe, có ngày chỉ được vài ba cối. Ông có thể chở được 13-14 cối đá với tổng trọng lượng khoảng 7-8 tạ. Tuổi đã cao nhưng ông vẫn tự tay bê được từng cối đá, trục đá rồi sắp xếp chúng lại gọn gàng.
"Có người cho miễn phí, có người bán. Có cối đá tôi mua lại với giá 50-100 nghìn đồng. Hễ ai gọi tôi lại đi xe tới chở về", ông Nhẫn chia sẻ và cho biết, công việc chính của vợ chồng ông là làm nông nghiệp. Tuy nhiên, ông vẫn luôn dành thời gian đi dò hỏi, sưu tầm cối đá, thực hiện đam mê của mình.
Những chiếc bàn đá trong khuôn viên nhà ông Nhẫn.
Đây là chiếc cối đá ông Nhẫn trân quý nhất trong bộ sưu tập của mình. Ông cho hay, chiếc cối đá này gắn bó với ông khoảng 40 năm, là một trong những vật đầu tiên ông sưu tầm về. Chiếc cối dày khoảng 10cm, cao 50cm. Qua thời gian dài, cối đá không còn nguyên hình dáng ban đầu, viền cối đá sắc như lưỡi dao. "Ngày trước, tôi để cối đá bên ngoài nhưng bị lấy mất. Sau khoảng 2 năm, cối đá lại được trả về với tôi", ông Nhẫn kể.
Một số cối đá vỡ thành 5-6 mảnh vỡ, ông Nhẫn vẫn nhặt về rồi dùng xi măng gắn lại với nhau.
Sau khi các mảnh vỡ liền lại, ông sử dụng cối đá đó làm chậu cây cảnh.
Bộ sưu tập cối đá đa dạng của ông Nhẫn.
Những chiếc cối đá được ông xếp chồng lên nhau ngay ngắn. Theo kinh nghiệm của ông Nhẫn, những chiếc cối thủng đáy có tuổi đời lâu hơn.
Ngoài ra, còn nhiều cối, trục đá được ông mang về nhưng chưa phân loại, đang xếp gọn một góc vườn. Ông Nhẫn khẳng định, còn sức khoẻ, ông còn theo đuổi công việc hiện tại. Đây cũng là cách ông truyền lại những cổ vật của cha ông cho các thế hệ con cháu.
Theo vtcnews
Ý kiến ()