tle=”Click vào để xem ảnh phóng to” rel=””> amesmall” src=”http://www.nhandan.com.vn/media/k2/items/cache/1995/b6919cdbd17d33f63a6f2db39e4040ca_L.jpg” border=”0″ alt=”Lễ kết nghĩa giữa nhân dân bản Lao Khô (Việt Nam) và Nà Khạng (Lào).” /> Lao Khô, thuộc xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu (Sơn La) là bản của đồng bào dân tộc Mông nằm sát biên giới Việt Nam – Lào. Trong những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp, bà con bản Lao Khô đã nuôi giấu cán bộ, giúp bạn Lào gây dựng cơ sở cách mạng. Ngày 8-1-2013, bản Lao Khô làm lễ kết nghĩa với bản Nà Khạng của nước bạn Lào. Ðây là sự kiện kết nối bền chặt mối quan hệ hữu nghị Việt Nam – Lào.
Chứng kiến hình ảnh Bí thư, kiêm Trưởng bản Lao Khô Tráng Lao Khai cùng Trưởng bản Nà Khạng Giàng Lao Dê (cụm Phiềng Sa, huyện Xiềng Khọ, tỉnh Hủa Phăn, nước CHDCND Lào) ký văn bản kết nghĩa bản – bản hai bên biên giới Việt Nam – Lào. Ðại tá Nguyễn Ðông Tùng, Trưởng phòng Vận động quần chúng, Cục Chính trị Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BÐBP) ngồi cạnh tôi tâm sự: Chủ trương kết nghĩa bản – bản giữa nhân dân hai bên biên giới được Bộ Tư lệnh BÐBP triển khai từ năm 2005 tại một số bản biên giới tỉnh Quảng Trị. Tháng 5-2012, tiến hành sơ kết rút kinh nghiệm, triển khai tiếp ra các tỉnh trên toàn tuyến biên giới. Bản Lao Khô và bản Nà Khạng có nhiều điểm tương đồng về văn hóa, điều kiện kinh tế, nhiều gia đình có họ hàng anh em, quan hệ thông gia. Trước đây khi chưa làm lễ kết nghĩa đã có mối quan hệ gắn bó, việc ký cam kết hôm nay làm rõ thêm nội dung hợp tác, chi tiết thêm bằng văn bản, là cơ sở cho cấp ủy, chính quyền và nhân dân hai bên thực hiện. Sơn La chọn hai bản Lao Khô – Nà Khạng tổ chức kết nghĩa mở đầu cho chương trình này trong toàn tỉnh là rất phù hợp, được bà con nhân dân vui mừng đón nhận.
Ðịa danh tên bản Lao Khô có một xuất xứ lịch sử khá đặc biệt, được lấy tên của một người có uy tín là cụ Tráng Lao Khô (1890-1990) đặt tên bản. Vào những năm 1949-1952, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở giai đoạn quyết liệt, cụ Tráng Lao Khô đã giúp đỡ đồng chí Cay Xỏn Phôm-vi-hản, Cố Tổng Bí thư Ðảng NDCM Lào gây dựng cơ sở hoạt động cách mạng. Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cấp Bằng công nhận di tích này và tỉnh Sơn La đã tiến hành xây dựng khu di tích lịch sử cách mạng Việt – Lào, tại bản Lao Khô.
Phát biểu ý kiến tại buổi lễ ký kết nghĩa, ông Tráng Lao Lử, con cụ Tráng Lao Khô năm nay bước vào tuổi 71, nói một cách hình ảnh, rằng: Trong kháng chiến chống thực dân Pháp đầy khó khăn gian khổ, cụ Tráng Lao Khô và đồng chí Cay Xỏn Phôm-vi-hản đã cắt tiết gà lấy máu ăn thề, với người Mông, đây như là một bản cam kết, kết nghĩa anh em. Hôm nay, hai bản kết nghĩa là việc làm cần thiết, rất đúng để tiếp tục thực hiện cam kết cũ, cùng nhau làm ăn, giữ gìn an ninh biên giới, xây dựng cuộc sống mới ấm no. Các đồng chí lãnh đạo BÐBP Sơn La cho biết, bản cam kết gồm tám điều, ngắn gọn, súc tích, được đưa ra họp bản, bàn bạc lấy ý kiến bà con nhân dân hai bên. Nội dung kết nghĩa cấp trên chỉ gợi ý, không làm sẵn, không quy định số lượng, nên bản cam kết này thật sự là của bà con xây dựng, để bà con thực hiện, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm. Nội dung cơ bản là: Cấp ủy, chính quyền hai bên phải tuyên truyền giáo dục cho nhân dân về truyền thống đoàn kết hữu nghị Việt Nam – Lào; vận động nhân dân thực hiện tốt Hiệp định, quy chế biên giới. Theo đó, hai bên thường xuyên thông tin cho nhau tình hình an ninh chính trị hai bên biên giới; giúp nhau khắc phục thiên tai, dịch bệnh; không xâm canh xâm cư, tranh chấp đất đai, khi xảy ra việc thì cùng nhau giải quyết. Ðặc biệt, nội dung cuối cùng, hai bên hẹn cùng nhau vào dịp lễ, Tết, có việc vui buồn, thông báo cho nhau, cùng chia sẻ, thường xuyên giao lưu văn hóa văn nghệ, thể thao để tăng cường đoàn kết.
Bản Lao Khô những năm đầu lập bản chỉ có bốn hộ, nay phát triển hơn 100 hộ, 519 khẩu, với bảy dòng họ dân tộc Mông sinh sống. Bản đã có điện lưới quốc gia, nước sạch, đường ô-tô về tận bản, nay đã nối thông sang bản Nà Khạng, tạo điều kiện cho nhân dân hai bên biên giới thông thương, buôn bán, làm ăn. Ở đây không còn hộ đói, không còn nhà dột nát, nhưng hộ nghèo vẫn còn hơn chục hộ, nên mục tiêu của bản phải giúp nhau phát triển kinh tế, phấn đấu nhà nào cũng đủ ăn, có nhà cửa vững chắc, con cái đều được đi học. Ðể làm được điều đó, trước hết phải bảo đảm giữ vững trật tự an ninh biên giới, giúp bạn cùng phát triển kinh tế. Trong những năm qua, bản Lao Khô đã có nhiều việc làm thiết thực giúp bạn. Trong bài phát biểu của cấp ủy, chính quyền cụm xã Phiềng Sa tại lễ kết nghĩa, bạn đã ghi nhận và đề nghị thời gian tới cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với bản Lao Khô. Cụ thể, bạn đề nghị phía Việt Nam giúp trao đổi mua giống ngô lai năng suất cao, giống cây mận hậu, hướng dẫn quy trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản hay như việc cần thợ giỏi giúp bạn làm nhà cho bà con bản Nà Khạng, Keo Lôm, Phiềng Sa, v.v. Nội dung kết nghĩa ngoài hợp tác kinh tế, bảo vệ đường biên mốc giới, còn quan tâm tăng cường giao lưu văn hóa, thể hiện sự bình đẳng, cùng có lợi, cùng thiện chí đã nhận được sự đồng thuận của nhân dân hai bên biên giới, tiếp tục xây dựng bản Lao Khô thành điểm sáng vùng biên, trở thành “cột mốc” vững chắc trên dải biên cương của Tổ quốc.
Nhandan
Nhandan
Ý kiến ()