Lao động Việt Nam được chào đón tại các địa phương Nhật Bản
Khai mạc tọa đàm, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu cho biết hiện có gần 600.000 người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại 47 tỉnh, thành phố của Nhật Bản.
Ngày 30/7, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản đã tổ chức “Tọa đàm về thúc đẩy việc hỗ trợ người lao động Việt Nam tại Nhật Bản hòa nhập cộng đồng địa phương, phát triển bản thân và sự nghiệp.”
Tham dự tọa đàm có đại diện các cơ quan, ban, ngành liên quan của Nhật Bản, các đại diện đến từ nhiều địa phương trên toàn Nhật Bản như tỉnh Yamanashi, Kanagawa, Aichi, Hokkaido, Fukushima, Wakayama…
Khai mạc tọa đàm, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu cho biết hiện có gần 600.000 người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại 47 tỉnh, thành phố của Nhật Bản.
Theo Đại sứ, đa số người Việt Nam chăm chỉ làm việc, chịu khó học hỏi, sống hòa đồng và thân thiện, đồng thời không ngừng học tập, nâng cao trình độ tiếng Nhật để phát triển bản thân, gia đình và sự nghiệp, đóng góp cho kinh tế Nhật Bản cũng như góp phần phát triển quan hệ hữu nghị giữa hai nước.
Đại sứ cho rằng sau khi Chính phủ Nhật Bản sửa đổi chính sách, cho phép lao động ưu tú nước ngoài sinh sống và làm việc lâu dài tại Nhật Bản, số lượng lao động Việt Nam tại Nhật Bản sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Chính vì vậy, Đại sứ quán tổ chức buổi tọa đàm nhằm mục đích trao đổi ý kiến với các cơ quan, ban, ngành cũng như các địa phương Nhật Bản về các biện pháp để lao động Việt Nam lựa chọn các địa phương Nhật Bản là điểm đến để làm việc và sinh sống lâu dài, trở thành một phần của xã hội địa phương và đóng góp hiệu quả cho sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương đó.
Đại diện Bộ Tư pháp Nhật Bản, ông Yasuhisa Arai, đã trình bày tổng quan về hệ thống tuyển dụng và đào tạo mới được chính phủ công bố ngày 21/6. Ông cho biết theo luật mới, hệ thống đào tạo thực tập sinh kỹ thuật thông qua chuyển giao kỹ năng sẽ được đánh giá lại một cách cơ bản, trong khi một hệ thống đào tạo và tuyển dụng mới sẽ được thiết lập để phát triển và đảm bảo nguồn nhân lực trong các lĩnh vực mà Nhật Bản đang thiếu hụt lao động.
Luật nhằm đảm bảo sự phù hợp của việc phái cử lao động, bằng cách tạo ra một thỏa thuận song phương (MOC) với quốc gia phái cử và ban hành một hệ thống ngăn chặn việc trả phí cao một cách bất hợp lý cho các tổ chức phái cử.
Luật cũng nhằm bảo vệ quyền lợi của người lao động nước ngoài, bằng cách cho phép người lao động chuyển việc theo nguyện vọng của mình, theo những điều kiện nhất định, đồng thời, thúc đẩy phát triển môi trường thân thiện ở địa phương bằng cách tổ chức các hội đồng khu vực.
Các đại diện tỉnh Yamanashi, Kanagawa và Aichi đã trình bày các nỗ lực mang tính đặc trưng của từng địa phương để thu hút lao động nước ngoài, đặc biệt là lao động Việt Nam.
Trong bài trình bày “Tạo dựng môi trường để người Việt Nam phát triển và đóng vai trò tích cực,” Cục trưởng Cục thúc đẩy nguồn nhân lực và xã hội đa dạng tỉnh Yamanashi, ông FurusawaYoshihiko, đã nêu lên 3 mục tiêu gồm “tạo một xã hội cộng sinh đa văn hóa”; “là nơi được lao động người nước ngoài lựa chọn” và “trở thành quê hương thứ hai của lao động nước ngoài.”
Ông cho biết tỉnh có dân số gần 800.000 người và diện tích 4.500 km2. Người Việt Nam là cộng đồng người nước ngoài lớn thứ hai tại tỉnh với 4.055 người, nhưng là nhóm lao động nước ngoài lớn nhất tỉnh với hơn 3.019 người.
Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN, ông Furusawa Yoshihiko, thừa nhận tình trạng thiếu lao động ở tỉnh Yamanashi ngày càng trầm trọng, việc đảm bảo nguồn nhân lực đã trở thành một vấn đề khó khăn nên tỉnh muốn có thể tuyển dụng được thêm nhiều lao động nước ngoài, đặc biệt là ở lĩnh vực chăm sóc điều dưỡng.
Ông cho biết các công ty tiếp nhận đánh giá lao động Việt Nam là những người chăm chỉ, thân thiện và yêu mến Yamanashi. Ông cho rằng Việt Nam là nơi gần gũi nhất với người dân Nhật Bản và sẽ dễ dàng được lao động Việt Nam chấp nhận như quê hương thứ hai.
Ông Furusawa Yoshihiko nhấn mạnh đây là lý do mà lao động Việt Nam được chọn là đối tượng đầu tiên của chế độ bảo hiểm y tế của tỉnh Yamanashi dành cho thân nhân của họ đang ở trong nước.
Trong bài trình bày có tiêu đề “Sáng kiến của tỉnh Kanagawa đối với người Việt Nam tại địa phương,” ông Tsukamoto Toshiharu, Giám đốc Sở Lao động, Cục Công nghiệp và Lao động tỉnh Kanagawa, nêu bật hoạt động giao lưu sôi nổi giữa tỉnh với các địa phương Việt Nam, với sự khởi đầu là giao lưu văn hóa, từ đó mở rộng ra các lĩnh vực kinh tế, thương mại.
Ông cho biết có 24.614 lao động Việt Nam đang làm việc tại tỉnh, chiếm khoảng 2% lực lượng lao động nước ngoài tại Kanagawa. Đây là tỉnh có hoạt động giao lưu với Việt Nam rất tích cực, đặc biệt là Lễ hội Việt Nam hằng năm tại Kanagawa và lễ hội Kanagawa tại nhiều địa phương ở Việt Nam như Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong bối cảnh hoạt động giao lưu sôi nổi về văn hóa, kinh tế và thương mại, tỉnh đã thực hiện nhiều sáng kiến để thu hút nguồn nhân lực như nhận sinh viên Việt Nam sang thực tập, thu hút thanh niên Việt Nam sang du học.
Trong cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN, Trưởng phòng các vấn đề quốc tế, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kanagawa, ông Yada Kenji, cho biết tỉnh đang thực hiện nhiều sáng kiến khác nhau để hỗ trợ sinh viên nước ngoài tìm việc làm trong tỉnh sau khi tốt nghiệp như tổ chức các buổi hội thảo để hướng dẫn cách thức tìm việc làm, thích nghi với hệ thống tuyển dụng của Nhật Bản hoặc các khóa học tiếng Nhật để giao tiếp và hòa hợp tốt hơn với người Nhật.
Giám đốc Sở Lao động tỉnh Aichi, bà Osaki Midori, đã trình bày báo cáo về “Sáng kiến tiếp nhận lao động nước ngoài và chung sống với người nước ngoài”, thể hiện một trong những điểm đáng chú về cơ cấu lao động của Việt Nam tại tỉnh Aichi là nhân lực trình độ cao, tức là số người làm việc theo tư cách kỹ sư, kỹ thuật viên, lên tới 22.372 người, chiếm tới 42,9%, cao hơn so với mức 35,8% của lao động đi theo diện thực tập sinh (18.670 người). Bà cho biết Aichi cũng là tỉnh có đông người Việt Nam nhất tại Nhật Bản với 58.076 người.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, bà Osaki Midori cho biết tỉnh Aichi thường được gọi là tỉnh sản xuất vì đây là địa phương có số lượng lớn các ngành công nghiệp sản xuất như ngành công nghiệp ôtô và ngành công nghiệp vũ trụ quốc gia.
Bà cho biết Aichi là nơi có ngành công nghiệp ôtô rất phát triển, vì vậy có nhiều lao động nước ngoài trong đó có lao động Việt Nam đang làm trong ngành này tại Aichi. Bà cho rằng trong bối cảnh các địa phương đang cạnh tranh để thu hút lao động nước ngoài, các doanh nghiệp tiếp nhận lao động cần phải cải thiện môi trường làm việc, đặc biệt đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Tỉnh cũng thường xuyên tổ chức các cuộc hội thảo và các sự kiện khác để giúp các doanh nghiệp nắm rõ về luật pháp và cách chuẩn bị cho việc tiếp nhận lao động.
Trong ý kiến trao đổi cuối buổi tọa đàm, ông Yoshinori Otsuki, thuộc Hội Nghiên cứu xây dựng xã hội cộng sinh thành phố Ueda, tỉnh Nagano đề xuất ý kiến cho rằng các bên, từ chính quyền trung ương đến các địa phương, cần có kế hoạch tổng thể và đồng bộ để tăng cường thu hút lao động nước ngoài.
Đại sứ Phạm Quang Hiệu nhận định cần chú trọng đến đào tạo tiếng Nhật, văn hóa Nhật Bản và tay nghề cho lao động Việt Nam, nhấn mạnh đến tính liên tục của hoạt động đào tạo từ trước khi sang Nhật và cần được duy trì kể cả trong quá trình sinh sống, làm việc tại Nhật Bản./.
Ý kiến ()