Lao động - vấn đề quan trọng cho hồi phục và phát triển
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) |
Vấn đề người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và sự cần thiết phải có gói an sinh xã hội, lao động việc làm nhằm giải quyết nhiều vấn đề cho người lao động là một trong những nội dung quan trọng được các đại biểu Quốc hội đề cập đến trong phiên thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, ngày 7/1.
Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn), bốn đợt dịch đã gây ảnh hưởng rất lớn đến người lao động. Chỉ tính riêng quý III/2021, cả nước đã có hơn 28 triệu người lao động phải hứng chịu tác động tiêu cực của đại dịch. Trong đó hơn 4,7 triệu người bị mất việc làm; hơn 14 triệu người phải tạm nghỉ, tạm ngừng sản xuất, kinh doanh; hơn 10 triệu người phải giãn, giảm giờ làm việc. Biến thể Delta đã “cuốn” đi khoảng 1/4 mức lương bình quân tháng của người lao động vùng Đông Nam Bộ. “Đồng lương của người lao động vốn đã không dư dả gì, nay vì dịch bệnh càng trở nên khó khăn hơn”.
Kết quả khảo sát của Ban Nghiên cứu phát triển doanh nghiệp tư nhân với 43.000 lao động bị mất việc cho thấy, gần 50% trong số này có nguồn tích lũy chỉ đủ để duy trì cuộc sống trong một tháng, 37% chỉ đủ duy trì sống cho ba tháng và chỉ có hơn 4% là đủ duy trì cuộc sống cho trên 4 tháng.
Theo Đại biểu Nguyễn Thị Thủy, thị trường lao động bị đẩy vào trạng thái cả cung lao động và cầu lao động đều bị thu hẹp. Đợt bùng phát dịch lần thứ tư đã khiến hàng triệu lao động dịch chuyển về quê dẫn tới đứt gãy thị trường lao động, thiếu hụt lao động nghiêm trọng tại một số tỉnh phía nam, nhất là những nơi tập trung đông khu công nghiệp, khu chế xuất.
Cho đến nay, một lượng lớn lao động đã về quê nhưng chưa có nhu cầu quay trở lại vì còn e dè với dịch bệnh hoặc là mệt mỏi sau một thời gian dài giãn cách. Nhiều người chọn phương án lập nghiệp tại quê nhà, nhiều người có tâm lý chờ qua Tết mới đi làm. Trong khi đó, nhiều tỉnh có lao động trở về đang phải đối mặt với áp lực rất lớn về giải quyết việc làm và bảo đảm an sinh xã hội. Do mất việc, nhiều lao động của khu vực chính thức có xu hướng chuyển dịch sang tìm kiếm ở khu vực phi chính thức, dẫn tới số lao động tự do tăng cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây, chiếm tới 57% tổng số lao động có việc làm.
Một số đại biểu nhấn mạnh, đất nước đang trở lại trạng thái bình thường mới, để hồi phục và phát triển, một trong những vấn đề quan trọng nhất chính là vấn đề lao động. Vừa qua Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều quyết sách chưa từng có tiền lệ, có ý nghĩa thiết thực, hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp. Bởi vậy, các đại biểu nêu lên một số kiến nghị, trong đó nhấn mạnh cần đặc biệt quan tâm tăng gói kinh phí hỗ trợ tiền thuê nhà trọ, áp dụng cả với lao động chính thức và lao động khu vực phi chính thức. Hiện nay, dự thảo Nghị quyết đang đề xuất dành khoảng 6.600 tỷ đồng và chỉ dành cho lao động khu vực chính thức là chưa phù hợp.
Đi liền với đó là dành khoản chi phí thỏa đáng để hỗ trợ tiền xây dựng nhà ở cho công nhân; dành khoản kinh phí phù hợp để hỗ trợ xét nghiệm, đi lại, tư vấn việc làm khi người lao động quay trở lại làm việc.
Đại biểu Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ) cũng nhấn mạnh cần phải có gói an sinh xã hội đủ lớn để hỗ trợ người lao động nhằm giải quyết nhiều vấn đề trực tiếp, gián tiếp cho người lao động cả trong ngắn và dài hạn.
Còn đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) cho rằng cần tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động thông qua chính sách tiền tệ, tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ và cơ cấu lại nợ vay, giảm lãi suất cho các doanh nghiệp.
Ý kiến ()