Lao động sáng tạo, động lực thúc đẩy sản xuất và phát triển
Để ổn định, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và phát triển trong điều kiện cạnh tranh quyết liệt ở cả hai phía vật tư đầu vào và sản phẩm đầu ra, Công ty TNHH một thành viên Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc đã chủ động tổ chức, khai thác đồng bộ các cụm, nhóm giải pháp, trong đó có lĩnh vực lao động sáng tạo, thực hành tiết kiệm.
Hiện công ty có gần 2.000 cán bộ, công nhân, viên chức, trong đó 10 người trình độ thạc sĩ, 541 người trình độ đại học, 101 người trình độ cao đẳng chuyên nghiệp, 147 trung cấp và 1.094 công nhân kỹ thuật.
Số lượng nêu trên chưa phải là nhiều, song bằng sức lao động sáng tạo, lực lượng lao động này đã đóng góp, đem lại hiệu quả không hề nhỏ. Chỉ tính trong giai đoạn từ năm 2008 đến 2012, công ty đã có 918 đề tài, giải pháp khoa học có tính ứng dụng, hiệu quả cao và 1.103 ý tưởng, sáng kiến cải tiến được áp dụng, giá trị làm lợi 28,84 tỷ đồng. Để chủ động tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, giữ vững và nhân rộng thương hiệu Đạm Hà Bắc, năm 2013 vừa qua, công ty có 160 giải pháp, đề tài, 120 sáng kiến cải tiến được công nhận, áp dụng, giá trị làm lợi gần 4 tỷ đồng. Đã có 41.882 lượt công nhân, viên chức của 3.378 lượt ca, kíp sản xuất giỏi được thưởng 202,156 triệu đồng do tiết kiệm định mức tiêu hao nguyên, nhiên vật liệu, hạ giá thành sản phẩm, giá trị 67,32 tỷ đồng so với định mức kế hoạch năm. Riêng chi phí quản lý tiết kiệm 11,8 tỷ đồng so với chỉ tiêu, trong lĩnh vực đầu tư xây dựng tiết kiệm 10,85 tỷ đồng so với dự toán được duyệt. Một số giải pháp tiêu biểu đã được thực hiện đem lại ý nghĩa, hiệu quả như: Nghiên cứu cải tiến công nghệ nâng cao hiệu quả công đoạn sản xuất khí than ở xưởng Tạo khí, làm giảm định mức tiêu hao than cục, làm lợi hơn 3 tỷ đồng/năm; tính toán, thiết kế hệ thống thu hồi NH 3 trong nước thải đưa vào sản xuất, làm lợi hơn 2 tỷ đồng/năm…
Để tạo động lực và phát triển tiềm năng sáng tạo, công ty đã đầu tư kinh phí thỏa đáng cho các chương trình nghiên cứu khoa học, công nghệ, luôn trân trọng và có chế độ khen thưởng động viên khích lệ kịp thời, xứng đáng và công khai, minh bạch với từng cá nhân, tập thể trong phong trào sáng tạo, thực hành tiết kiệm. Ngoài ra, để chủ động hội nhập, nâng cao sản lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng và thân thiện với môi trường, công ty cũng đã đầu tư Dự án cải tạo, mở rộng nhà máy. Đây là dự án trọng điểm, nằm trong chiến lược của Tập đoàn công nghiệp Hóa chất, có tổng mức đầu tư 568,6 triệu USD. Dây chuyền mới của dự án sử dụng Công nghệ khí hóa than cám Shell (Hà Lan), Công nghệ tinh chế khí Linder (Đức), Công nghệ tổng hợp NH3 Topsẽ (Đan Mạch), Công nghệ Snamprogetti (I-ta-li-a).
Đây đều là những công nghệ tiên tiến, hiện đại nhất hiện nay. Sau lễ khởi công tháng 11-2010 đến nay, công ty đã huy động cao nguồn nhân lực triển khai dự án. Mục tiêu của dự án là cải tạo, mở rộng nhà máy hiện có, chuyển đổi nguồn nguyên liệu từ khí hóa than cục sang khí hóa than cám – loại than có phẩm cấp thấp hơn, mở rộng thêm một dây chuyền mới, nâng công suất nhà máy từ 200 nghìn tấn u-rê/năm lên 500 nghìn tấn u-rê/năm. Dự án hoàn thành sẽ góp phần chủ động đáp ứng nhu cầu về phân đạm u-rê phục vụ nông nghiệp trong nước, hạn chế và tiến tới dừng nhập khẩu, phấn đấu xuất khẩu u-rê.
Dây chuyền hiện tại của nhà máy đã và đang được cải tạo theo công nghệ mới nhưng vẫn bảo đảm sử dụng triệt để cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, phát huy tối đa nguồn lực đội ngũ lao động hiện có, vì thế tiết kiệm chi phí, đạt hiệu quả kinh tế, hiện đại, giảm tối đa tác động đến môi trường. Dự án được công ty tổ chức đấu thầu quốc tế rộng rãi để lựa chọn nhà thầu có năng lực thực hiện gói thầu theo đúng luật pháp Việt Nam và thông lệ quốc tế.
Bằng các biện pháp chỉ đạo, tổ chức thi công đồng bộ, khoa học và quyết liệt, đến nay các hạng mục, công trình chính trên toàn dây chuyền đã được lắp đặt, một số thiết bị quan trọng đang trong giai đoạn hoàn thiện, chạy thử. Dự kiến, đến cuối năm 2014, dự án sẽ đi vào hoạt động.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()