Lao động nhập cư - cứu cánh cho những quốc gia có dân số già
Theo báo cáo mới đây của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), số lượng lao động nhập cư quốc tế đã tăng từ 164 triệu (năm 2017) lên 169 triệu người (năm 2019).
Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự gia tăng lao động nhập cư toàn cầu bắt nguồn từ cuộc “khủng hoảng nhân khẩu học”. Nói cách khác, nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang phải đối mặt với sự thiếu hụt nguồn nhân lực do tình trạng già hóa dân số.
Sau gần 4 thập niên duy trì chính sách một con khắt khe để khống chế “quả bom” dân số, năm 2016, lần đầu tiên Trung Quốc nới lỏng chính sách này bằng việc cho phép các gia đình được sinh con thứ hai. Bấy nhiêu dường như vẫn chưa đủ, nên đến cuối tháng 5 năm 2021, Trung Quốc tiếp tục công bố chính sách khuyến khích người dân sinh con thứ ba, với hy vọng cải thiện tình trạng già hóa dân số hiện đang ở mức nghiêm trọng. Theo dự báo, đến năm 2022, tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên chiếm trên 14% dân số Trung Quốc. Con số này dự báo còn tăng lên đến 30% vào năm 2050.
Trong khi đó, Nhật Bản, một trong những nước đứng đầu thế giới về tốc độ già hóa dân số- có tỷ lệ dân số trên 65 tuổi là 28,4% (số liệu tháng 10 năm 2019), khiến quốc gia này phải chịu áp lực lớn về sự thiếu hụt lao động cũng như gánh nặng an sinh xã hội. Nền kinh tế lớn thứ tư châu Á là Hàn Quốc cũng đang đối mặt với tình trạng dân số già hóa và tỷ lệ sinh thuộc hàng thấp nhất thế giới. Tỷ lệ sinh của Hàn Quốc chỉ còn 0,84 trẻ vào năm 2020 so với mức 4,5 trẻ của năm 1970.
Lao động nhập cư thu hoạch dưa chuột ở một trang trại vùng Thamesville, Ontario, Canada. Ảnh: The Canadian Encyclopedia |
Phía bên kia bán cầu, nhiều quốc gia châu Âu từ lâu đã rơi vào tình trạng “mùa đông nhân khẩu học” khi tốc độ già hóa dân số đã kéo dài nhiều năm qua, bất chấp những chính sách khuyến khích gia tăng dân số. Ở Phần Lan, cứ 100 người đang trong độ tuổi lao động thì có 39,2 người trên 65 tuổi. Số người ở độ tuổi lao động giảm đi khiến mô hình phúc lợi xã hội của quốc gia này trở nên thiếu bền vững do nguồn thu từ thuế giảm, gánh nặng lương hưu và chi phí chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng.
Hệ quả tức thì của một xã hội dân số già là sự mất cân bằng nhân khẩu học, giảm sút năng suất lao động, thiếu hụt nhân lực…, và lâu dài là ảnh hưởng tới mục tiêu phát triển kinh tế và áp lực lên quỹ lương hưu cũng như các chính sách an sinh xã hội. Hiển nhiên, lợi thế cạnh tranh của một quốc gia không chỉ nằm ở vị thế, ảnh hưởng chính trị, sức mạnh quân sự, tiềm lực kinh tế hay sự ổn định xã hội. Lợi thế còn nằm ở con người-nguồn lực cho mọi sự phát triển. Và trong bối cảnh đó, việc sử dụng nguồn lao động nhập cư được coi là một giải pháp tình thế phù hợp đã phát huy hiệu quả ở mức độ nhất định.
Khắc phục tình trạng thiếu lao động, từ năm 2015, chính phủ của Thủ tướng Đức Angela Merkel đã chấp nhận 1 triệu người nhập cư từ Trung Đông và Bắc Phi. Ngày nay, quyết định của 6 năm trước được coi là thành công khi 1 triệu người này đang đóng góp tích cực cho sự phát triển của nền kinh tế Đức. Trong khi đó, theo một cuộc thăm dò của Gallup hồi đầu năm 2021, Canada đã liên tục đứng đầu với số điểm cao nhất trong Chỉ số Chấp nhận Di cư, đồng nghĩa với việc đây là quốc gia cởi mở nhất luôn chào đón người nhập cư và được người nhập cư ưa thích.
Mới đây, chính phủ Phần Lan-đất nước vốn được mệnh danh là “quốc gia hạnh phúc nhất hành tinh”-đã tuyên bố nước này cần từ 20.000 đến 30.000 người nhập cư mỗi năm để duy trì các dịch vụ công cộng và giảm thâm hụt lương hưu, như một nỗ lực nhằm đối phó với tình trạng dân số già. Quốc gia này đã thực hiện nhiều chính sách thu hút lao động nhập cư, như: Xây dựng chương trình cải thiện hình ảnh đất nước đối với người dân thế giới, Chiến dịch sống thử 90 ngày ở Phần Lan, công bố chính sách tuyển dụng với chế độ đãi ngộ tốt để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao…
Tuy nhiên, mọi việc không phải lúc nào cũng suôn sẻ như mong đợi. Người lao động nhập cư rõ ràng phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Công việc họ đảm nhận chủ yếu trong các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, vận chuyển và chế biến thực phẩm-đa số là công việc tạm thời, không chính thức hoặc không được bảo vệ, khiến họ phải đối mặt với nguy cơ mất an toàn, dễ dàng bị sa thải và điều kiện làm việc tồi tệ, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang hoành hành trên thế giới. Một nghiên cứu của ILO, dựa trên dữ liệu từ 189 quốc gia cho biết, đại dịch Covid-19 đã làm gia tăng những nguy cơ này, đặc biệt là đối với lao động nữ nhập cư, vì họ nhận được các công việc lương thấp và kỹ năng thấp, có khả năng tiếp cận hạn chế đối với bảo trợ xã hội hoặc các dịch vụ hỗ trợ.
Dẫu vậy, sử dụng nguồn lao động nhập cư, cùng chính sách thúc đẩy gia tăng dân số và các biện pháp khác, vẫn được coi là một trong những giải pháp tạm thời góp phần giúp phục hồi và duy trì tăng trưởng kinh tế ở các quốc gia dân số già.
Ý kiến ()