Lao động đi làm việc ở nước ngoài phát triển mạnh cả về chất và lượng
Thời gian qua, công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phát triển mạnh mẽ cả về chất và lượng. Thị trường lao động được mở rộng, đặc biệt là các thị trường có mức thu nhập và điều kiện lao động tốt như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)…
Lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. (Ảnh: Colab) |
Ngày 8/2, tại Hà Nội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp Quỹ châu Á (TAF) tổ chức hội thảo đánh giá kết quả nghiên cứu quốc gia của Việt Nam về tái hòa nhập việc làm cho lao động di cư về nước trong khu vực ASEAN.
Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp. Đây là hoạt động thuộc Kế hoạch công tác của Ủy ban thực hiện Tuyên bố ASEAN về bảo vệ và thúc đẩy quyền của người lao động di cư (ACMW) giai đoạn 2021-2025 do Việt Nam chủ trì với sự hỗ trợ của TAF.
Tham dự trực tuyến có đại diện thuộc Ủy ban thực hiện Đồng thuận ASEAN về Bảo vệ và thúc đẩy quyền của người lao động di cư ASEAN (ACMW) và Ban Thư ký ASEAN.
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Molisa) |
Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan cho biết, thời gian qua, công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về chất và lượng. Thị trường lao động được mở rộng, đặc biệt là các thị trường có mức thu nhập và điều kiện lao động tốt như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)…
Bên cạnh đó, nhiều thị trường mới đã được mở ra như Australia, New Zealand, Cộng hòa liên bang Đức, Cộng hòa Séc, Slovakia, Rumani… Số lượng người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tăng ổn định, từ năm 2014 đã vượt qua con số 100 nghìn người/năm. Đặc biệt, giai đoạn từ 2013 đến 2021, Việt Nam đã đưa được gần 1 triệu lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan chia sẻ, lao động đi làm việc ở nước ngoài có thu nhập cao hơn so với cùng công việc trong nước; đóng góp đáng kể vào nguồn ngoại tệ của đất nước, tăng tích lũy và cải thiện đời sống người lao động và gia đình. Lực lượng lao động này sau khi về nước trở thành nguồn lực cho phát triển kinh tế-xã hội trong nước và là nhân tố quan trọng giúp lan tỏa tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động và là cầu nối văn hóa giữa Việt Nam và quốc tế. Do vậy, người lao động đi làm việc ở nước ngoài trở về nước cần được huy động và sử dụng có hiệu quả, vì mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội đất nước.
Lao động đi làm việc ở nước ngoài có thu nhập cao hơn so với cùng công việc trong nước; đóng góp đáng kể vào nguồn ngoại tệ của đất nước, tăng tích lũy và cải thiện đời sống người lao động và gia đình.
Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan nhấn mạnh vai trò quan trọng của lực lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài cần được huy động và sử dụng có hiệu quả vì mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. “Đây là một chủ trương được Đảng và Nhà nước quan tâm, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động về nước đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho mình và cho người khác”, ông Nguyễn Bá Hoan khẳng định.
Hội thảo lần này chia sẻ những nghiên cứu có được từ Báo cáo quốc gia của Việt Nam về tái hòa nhập thị trường lao động cho người lao động di cư. Đồng thời, sự kiện tạo diễn đàn trao đổi cởi mở về những cơ hội và thách thức mà lao động di cư trở về gặp phải trong việc tái hòa nhập vào cộng đồng và thị trường lao động.
Qua những trao đổi của các bên liên quan, hội thảo mong muốn có được cái nhìn tổng thể đầy đủ và sát thực để đưa ra các khuyến nghị về hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài quay trở về một cách hiệu quả cũng như kết nối giữa thị trường lao động trong nước và khu vực.
Có thể thấy tổng quan rằng, di cư lao động quốc tế nói chung và di cư lao động trong ASEAN đã gia tăng trong những thập kỷ qua. Dù chững lại trong giai đoạn đại dịch Covid-19, thị trường lao động ngoài nước đã gần như phục hồi sau đại dịch. Số người lao động đi làm việc ở nước ngoài quay trở lại đạt mức trước đại dịch.
Tuy nhiên, với những kinh nghiệm về ứng phó với khủng hoảng thu được trong giai đoạn vừa qua, nước ta đã có nhiều đổi mới trong chính sách cũng như hướng tiếp cận để có thể bảo vệ và thúc đẩy quyền của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Cùng với đó, tận dụng những thế mạnh mà lực lượng lao động có kinh nghiệm này có thể mang lại cho nền kinh tế.
Dự kiến, Báo cáo quốc gia của Việt Nam sẽ được hoàn thiện trong quý I năm 2023. Trong giai đoạn tiếp theo, Báo cáo của Việt Nam sẽ được sử dụng làm tiền đề để xây dựng phương pháp tiếp cận vấn đề với các quốc gia trong khu vực ASEAN nhằm xây dựng báo cáo cấp khu vực về tái hòa nhập cho lao động di cư quay trở về.
Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, trong năm 2022, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 142.779 người, đạt 158,64% kế hoạch.
Nhật Bản vẫn là thị trường số 1 tiếp nhận lao động Việt Nam trong năm 2022 với 67.295 người. Tiếp đó là các thị trường: Đài Loan (Trung Quốc) với 58.598 người, Hàn Quốc người 9.968 người, Singapore 1.822 người, Trung Quốc 910 người…
Theo Nhandan
Ý kiến ()