Lao động đi làm việc ở nước ngoài năm 2022: Nhiều tín hiệu khởi sắc
Trong năm 2022, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ tập trung hoàn thiện, thúc đẩy ký kết các thỏa thuận về hợp tác lao động mới, đặc biệt tập trung vào các thị trường có thu nhập cao, ổn định.
Là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19, số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2021 đã giảm chỉ còn gần 1/3 so với trước khi xảy ra đại dịch. Thế nhưng, cùng với nỗ lực kiểm soát dịch và việc ngày càng có nhiều thỏa thuận hợp tác về lao động được ký kết, công tác đưa lao động đi nước ngoài trong năm 2022 được kỳ vọng sẽ bắt đầu khởi sắc.
Chỉ đạt 50% kế hoạch
Đã gần 2 năm chờ đợi nhưng anh Bàn Văn Quyên (quê huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) vẫn nuôi hy vọng được sang Nhật Bản làm việc. Kể từ khi có lịch bay vào tháng 4/2020 nhưng bị hoãn vì COVID-19 đến nay, nhiều lần anh Quyên thấp thỏm mong được sang Nhật Bản rồi lại thất vọng vì bị hoãn do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Anh Quyên chia sẻ: “Trong thời gian chờ đợi, tôi trải qua biết bao công việc từ làm bưng bê nhà hàng, công nhân thời vụ, bảo vệ, chạy xe ôm công nghệ… Tôi chủ yếu chọn các công việc làm thời vụ để chờ cơ hội mở lại thị trường, được đi Nhật Bản làm việc.”
Niềm hy vọng của anh Quyên có lẽ là tâm trạng của hàng chục nghìn lao động đang có nguyện vọng đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2022. Mặc dù Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội vẫn liên tục đàm phán mở thêm các thị trường mới nhưng số lượng lao động đi làm việc trong năm 2021 vẫn rất hạn chế do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Ông Tống Hải Nam, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức do dịch bệnh COVID-19 bùng phát ở các quốc gia và vùng lãnh thổ trọng điểm tiếp nhận lao động Việt Nam.
Nếu như trước đại dịch, số lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài lên tới 130.000-140.000 lao động/năm thì trong hai năm qua, số lượng này đã tụt giảm nhanh chóng. Đặc biệt, mặc dù ngày càng mở rộng thêm được các thị trường nhưng số lượng vẫn giảm mạnh trong năm 2021.
Theo số liệu của Cục Quản lý lao động ngoài nước, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoàitrong năm 2021 là 45.058 lao động (15.177 nữ), chỉ đạt 50% kế hoạch được giao năm 2021 (90.000 lao động), bằng 57,29% so với số lượng lao động xuất cảnh của năm 2020 (78.641 lao động).
Trong năm 2021, Đài Loan (Trung Quốc) và Nhật Bản là hai thị trường chính tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc. Đài Loan (Trung Quốc) tiếp nhận 19.531 lao động, Nhật Bản 19.510 lao động; tiếp đến là Trung Quốc: 1.820 lao động, Hàn Quốc 1.036 lao động. Đáng chú ý, năm vừa qua, một số thị trường tiềm năng đã bắt đầu gia tăng số lượng lao động Việt Nam sang làm việc như Romania 795 lao động, Singapore 713 lao động, Hungary 465 lao động, Serbia 304 lao động…
Công tác đàm phán, ký kết và triển khai các thỏa thuận quốc tế cũng được thực hiện liên tục trong năm 2021. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã ký gia hạn Bản Ghi nhớ về việc đưa lao động sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS; hoàn thiện hồ sơ, thống nhất nội dung gia hạn Bản Ghi nhớ giữa Việt Nam và Malaysia về tuyển dụng lao động; khởi động đàm phán Hiệp định giữa Việt Nam và Israel về tuyển dụng người lao động Việt Nam làm việc có thời hạn tại Israel; xây dựng dự thảo thỏa thuận về tuyển dụng lao động giữa Việt Nam và Thái Lan…
Sẽ phát triển các thị trường thu nhập cao
Sang năm 2022, cùng với việc dịch bệnh đang ngày càng kiểm soát tốt hơn, cơ hội đi làm việc ở nước ngoài đối với lao động cũng đang dần dần hé mở. Thực tế cho thấy ngay từ những ngày đầu năm, một số thị trường đã có tín hiệu tích cực.
Một thị trường vốn tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam là Hàn Quốc vừa thông báo tổng chỉ tiêu tiếp nhận lao động nước ngoài theo Chương trình EPS trong năm 2022 sẽ tăng 7.000 chỉ tiêu so với năm 2021, chỉ tiêu tuyển dụng sẽ là 59.000 người. Đây là thông tin vô cùng khả quan trong bối cảnh trước đó, vào năm 2021, số lượng lao động Việt Nam sang Hàn Quốc đã sụt giảm mạnh. Vì vậy, sự gia tăng chỉ tiêu tiếp nhận sẽ giúp lao động Việt Nam có thêm cơ hội sang Hàn Quốc làm việc.
Không chỉ Hàn Quốc, lao động Việt Nam còn có thêm cơ hội sang Singapore làm việc khi nước này thực hiện thí điểm tiếp nhận lao động phổ thông Việt Nam làm việc trong các ngành xây dựng, hàng hải và chế biến từ nay đến 8/2022. Chương trình thí điểm nếu thành công sẽ là cơ hội gia tăng lao động phổ thông sang làm việc tại Singapore.
Ông Tống Hải Nam cho biết trong năm 2022, Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ tập trung hoàn thiện, thúc đẩy ký kết các thỏa thuận về hợp tác lao động với các nước tiếp nhận, đặc biệt tập trung vào các thị trường có thu nhập cao, ổn định để thực hiện mục tiêu đưa 90.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp, Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan hữu quan của các quốc gia, vùng lãnh thổ tiếp nhận lao động theo dõi sát sao tình hình của người lao động làm việc ở nước ngoài, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Chỉ đạo về công tác đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài năm 2022, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã ký kết được nhiều thỏa thuận với các thị trường tốt, do đó cần phải chuẩn bị nguồn lao động để triển khai khi tình hình dịch được kiểm soát.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội trong năm 2022 cần chú trọng vừa phát triển thị trường tốt, vừa có chính sách tuyên truyền để người lao động lựa chọn những thị trường được bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp một cách chắc chắn.
Dịch bệnh COVID-19 vẫn còn có những diễn biến khó lường, tuy nhiên với những nỗ lực mở rộng, phát triển các thị trường thu nhập cao, ổn định thì người lao động và doanh nghiệp vẫn tiếp tục hy vọng vào sự khởi sắc của xuất khẩu lao động trong năm 2022./.
Theo vietnamplus.vn
Ý kiến ()